Ngày 17/4/2012, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng khoa học kỹ thuật chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm 3 bộ tiêu chuẩn: “Cần trục – sử dụng an toàn- cần trục lắp trên ô tô chở hàng (Mã số TC 03-07); Cần trục – sử dụng an toàn- cần trục tự hành (Mã số TC 04 - 07); Cần trục – sử dụng an toàn – cầu trục cần trục cổng (Mã số TC 19-10 )” do TS. Đỗ Kiên – Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – CONINCO làm chủ nhiệm đề tài.
Thay mặt nhóm biên soạn, TS.Đỗ Kiên đã đọc báo cáo tóm tắt kết quả của các tiêu chuẩn. Mục đích chính của 3 tiêu chuẩn là đảm bảo an toàn sức khỏe, cải thiện môi trường; Khai thác triệt để chức năng, công dụng cũng như nâng cao chất lượng sử dụng thiết bị cần trục; đảm bảo yêu cầu đồng bộ quốc tế và khu vực.
Trong số 3 tiêu chuẩn, tiêu chuẩn về Cần trục – sử dụng an toàn- cần trục lắp trên ô tô chở hàng và Cần trục – sử dụng an toàn- cần trục tự hành, là được chuyển dịch và biên soạn dựa trên tiêu chuẩn gốc của Anh BS 7121-4:1997 và BS 7121-3: 2000, riêng tiêu chuẩn Cần trục – sử dụng an toàn – cầu trục cần trục cổng, được chuyển dịch và biên soạn dựa trên tiêu chuẩn gốc của Úc AS 2550.3-2002. Nội dung chính của 3 tiêu chuẩn chủ yếu là quy định các kỹ thuật cần thiết để sử dụng an toàn cần trục lắp trên ô tô chở hàng, cần trục tự hành, cầu trục và cần trục cổng, trong đó bao gồm các công tác quản lý vận hành, các quy trình và các biện pháp phòng ngừa, công tác thử nghiệm, kiểm tra và bảo dưỡng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ở Việt Nam cho đến nay chưa có Tiêu chuẩn Quốc gia về sử dụng an toàn cần trục lắp trên ô tô chở hàng, cần trục tự hành, cầu trục và cần trục cổng, đây là những tiêu chuẩn phù hợp với nhu cầu thực tế, nhưng do toàn bộ các tiêu chuẩn được chuyển dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt nên không tránh khỏi những sai xót trong cách sử dụng thuật ngữ chuyên ngành.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng TS. Trần Hữu Hà - Vụ phó Vụ KHCN & MT, các tiêu chuẩn được chuyển dịch và biên soạn khá chặt chẽ, song vẫn còn 1 số thuật ngữ cần sửa đổi để phù hợp với văn phong Việt Nam. Để tiêu chuẩn được hoàn thiện hơn, nhóm biên soạn cần chỉnh sửa và bổ sung thêm nội dung mà các thành viên trong Hội đồng đã góp ý, để tiêu chuẩn sớm được ban hành.
Với kết quả thu được, 3 tiêu chuẩn đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và xếp loại Khá./.
Bích Ngọc