Ngày 7/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo tổng kết Hợp phần nghiên cứu thí điểm chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon trong quản lý chất thải rắn tại Việt Nam (Hợp phần chất thải rắn). Đây là hợp phần thuộc dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam (VNPMR), do “Chương trình sẵn sàng tham gia thị trường carbon quốc tế” hỗ trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).
Tham dự hội thảo có đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường), đại diện các Bộ ngành Trung ương, WB, đại diện các công ty môi trường của một số tỉnh thành, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Giám đốc Hợp phần,Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh chủ trì hội thảo.
Giám đốc Hợp phần chất thải rắn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Ngọc Anh cho biết: năm 2017, Việt Nam có 1295 cơ sở chôn lấp và xử lý chất thải rắn, bao gồm 1000 bãi chôn lấp, 52 cơ sở ủ phân và 243 cơ sở đốt chất thải rắn với lượng rác xử lý là 43.805 tấn/ngày. Hợp phần lựa chọn 486 cơ sở với lượng chất thải rắn xử lý là 37.976 tấn/ngày, trong đó 378 bãi chôn lấp, 36 cơ sở ủ phân và 72 cơ sở đốt cho chương trình tín chỉ, (chiếm 87% tổng lượng chất thải của 1295 cơ sở xử lý).
Theo ước tính, tiềm năng thu hồi điện từ xử lý rác thải sinh hoạt ở Việt Nam đạt khoảng 3 - 5 MW điện, với quy mô công suất xử lý từ 25 - 300 tấn rác thải/ngày. Nếu chuyển đổi từ chôn lấp sang đốt rác phát điện sẽ giảm từ 50 - 80% lượng khí nhà kính phát sinh. Ước tính, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp phát thải khoảng 800kg CO2 / tấn rác thải; đốt phát điện sẽ phát thải khoảng 15kg CO2 / tấn rác thải. Do đó, đốt phát điện sẽ giảm khoảng 98% lượng khí nhà kính phát thải so với phương pháp chôn lấp. Với các thiết bị, công nghệ thu hồi nhiệt hiện đại, hầu hết nhiệt năng thu được trong quá trình đốt rác sẽ được đưa trở lại phục vụ hoạt động sản xuất.
Từ năm 2018, Bộ Xây dựng tham gia Hợp phần chất thải rắn thuộc dự án VNPMR, nhằm mục tiêu phân tích, đề xuất khung chính sách về quá trình tạo tín chỉ carbon và công cụ định giá carbon, công cụ thị trường phù hợp trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Thông qua Hợp phần, các nghiên cứu tiền khả thi đánh giá sự phù hợp của khung chính sách về quá trình tạo tín chỉ carbon và công cụ định giá carbon đã được thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương. Trên cơ sở đó, Hợp phần đã đề xuất và xây dựng khung tạo tín chỉ carbon và lộ trình thực hiện các công cụ định giá carbon, công cụ thị trường phù hợp với tình hình phát sinh và quản lý chất thải rắn ở Việt Nam.
Ông Lương Quang Huy -Trưởng phòng Giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và môi trường) phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Quang Huy - điều phối viên dự án, Trưởng phòng Giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và môi trường) đánh giá rất cao những kết quả Bộ Xây dựng đã đạt được trong quá trình thực hiện Hợp phần chất thải rắn. Những kết quả của Hợp phần có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Dự án VNPMR mà cả các hoạt động tương tác giữa hai Bộ trong thời gian qua, là nền tảng xây dựng căn cứ pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn cũng như các lĩnh vực quản lý nhà nước khác của Bộ Xây dựng. Cụ thể, Hợp phần chất thải rắn đã phân tích, chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót về nguồn số liệu được báo cáo trong lĩnh vực chất thải, đồng thời đề xuất cách khắc phục đảm bảo hợp lý, hiệu quả. Ông Lương Quang Huy rất ấn tượng với cách làm của Bộ Xây dựng khi đề xuất hệ thống thu thập dữ liệu xử lý rác thải theo hướng tiếp cận từ cơ sở với số liệu được cung cấp từ cơ sở xử lý. Đây là cách tiếp cận mang tính chính xác, minh bạch, bền vững và đặc biệt quan trọng đối với việc áp dụng công cụ định giá carbon và phát triển thị trường carbon trong tương lai.
Trong quá trình nghiên cứu, Hợp phần đã xác định được các giải pháp công nghệ và phương thức xử lý chất thải rắn, góp phần hình thành cơ sở để xác định tiềm năng xử lý chất thải rắn ở Việt Nam, và lộ trình thực hiện để xác định rõ hơn tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ carbon có thể thương mại hóa trong tương lai. Hợp phần cũng đề xuất kết hợp linh hoạt các giải pháp xử lý rác thải nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong giảm phát thải khí nhà kính, và đề xuất hệ thống đo đạc, báo cáo thẩm định đối với lĩnh vực quản lý chất thải rắn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới được Quốc hội thông qua.
Dự hội thảo theo hình thức trực tuyến, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Trưởng nhóm giám sát dự án của WB cho biết: WB rất vui mừng được biết dự án VNPMR thông qua Hợp phần chất thải rắn do Bộ Xây dựng thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều Sở Xây dựng và doanh nghiệp các địa phương. Trong thời gian tới, WB sẽ tăng cường hỗ trợ Bộ Xây dựng và các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp tục triển khai các kết quả của Hợp phần và Dự án VNPMR nói chung.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận và đóng góp ý kiến xoay quanh nhiều chủ đề cấp thiết như: chính sách, phương pháp định giá và công cụ quản lý nhà nước về thị trường carbon tại Việt Nam; định hướng công cụ tài chính đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho Việt Nam; nhiệm vụ xây dựng nghiên cứu khả thi cho các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp điều kiện quốc gia tạo tín chỉ, đề xuất công cụ đính giá carbon và lộ trình áp dụng công cụ thị trường trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn; ý kiến của các địa phương thí điểm về khả năng tham gia thị trường carbon.
Trân trọng cảm ơn các đại biểu, chuyên gia, khách mời trong nước và quốc tế đã tham dự và đóng góp những ý kiến thiết thực tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Anh cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu tiếp thu mọi ý kiến, hoàn thiện và nhân rộng kết quả Hợp phần chất thải rắn nói riêng và Dự án VNPMR nói chung, thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và trong ngành Xây dựng, góp phần đạt được mục tiêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.