Trong bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cho biết: Công nghệ khoan kích ống ngầm đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới, là công nghệ tiên tiến phù hợp với thi công các công trình ngầm tại các đô thị, các khu dân cư tập trung – nơi có điều kiện thi công khó khăn, mặt bằng chật hẹp, mật độ giao thông cao.Bước đầu, công nghệ này đã được ứng dụng thành công tại Tp. Hồ Chí Minh (thi công đường ống thoát nước ngầm vượt sông Sài gòn đường kính 3m năm 2011; đường ống thoát nước ngầm đi ngang Quốc lộ I đường kính 1,5m giữa năm 2013).Tuy công nghệ khoan kích ngầm đã khẳng định nhiều ưu điểm trong thực tiễn xây dựng của nước ta, và trong tương lai sẽ còn có triển vọng phát triển nhằm ứng dụng cho các công trình như tuynel kỹ thuật, xây dựng tuyến metro…song tới nay, Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan. Do đó, việc sớm ban hành bộ quy chuẩn cho công nghệ là hết sức cần thiết.
Trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và MLIT Nhật Bản, MLIT sẽ hỗ trợ Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ khoan kích ống ngầm. Hội thảo hôm nay là một dịp để chuyên gia hai bên cùng chia sẻ, thảo luận, đóng góp ý kiến bước đầu cho dự thảo tiêu chuẩn kỹ thuật để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện công tác của mình. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Cao Lại Quang cám ơn chân thành những giúp đỡ to lớn mà JICA, MLIT và các doanh nghiệp Nhật Bản đã dành cho Việt nam nói chung, cho ngành Xây dựng Việt Nam nói riêng.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, ông Morita Hiroaki, ông Hashimoto Tsubasa từ MLIT đã có bài giới thiệu rất súc tích về các hoạt động hợp tác quốc tế của MLIT trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, tổng quan về công nghệ khoan kích ống ngầm, so sánh cụ thể ưu điểm và nhược điểm của phương pháp đào hở và khoan kích ngầm, qua đó nêu bật công nghệ khoan kích ngầm tiết kiệm chi phí nhờ không cần các biện phap bảo vệ lắp đặt hệ thống ngầm ở tầng nông hơn như đối với đào hở; tránh tắc nghẽn giao thông và phá hủy mặt đường; thời gian thi công nhanh; đặc biệt cho hiệu quả cao đối với những công trình ngầm ở vị trí sâu và độ dài lớn.
Tham luận của đại diện công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị Tp. Hồ Chí Minh và Huewaco trình bày những thuận lợi, khó khăn khi áp dụng các định mức kinh tế kỹ thuật và xác định chi phí trong ứng dụng công nghệ khoan kích ngầm ở Tp. Hồ Chí Minh, và kinh nghiệm triển khai công nghệ này tại Thừa Thiên - Huế. Các tham luận đều nhấn mạnh: đầu tư thiết bị rất lớn, chi phí bảo dưỡng vận hành cao, trong khi số lượng công trình khoan kích ngầm tại Việt Nam chưa nhiều dẫn tới giá trị khấu hao thiết bị hành năm cao.Việt Nam lại chưa ban hành đơn giá, định mức thi công khoan kích ngầm nên các nhà đầu tư thường gặp khó khăn trong thanh quyết toán…Mong muốn chung của các đơn vị trong nước hoạt động trong lĩnh vực công trình ngầm đô thị là Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất các loại ống dùng cho công nghệ khoan kích ngầm: ống bê tông, ống gang, ống cốt sợi thủy tinh…; ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cho công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu; xây dựng đơn giá, định mức cho công tác khoan kích ngầm.
Dự thảo quy chuẩn về ống khoan kích ngầm, dự thảo Hướng dẫn thiết kế và thi công công nghệ đã được trình bày và cùng thảo luận tại Hội thảo. Nhóm nghiên cứu có những so sánh cụ thể, rõ ràng các chỉ tiêu về tính năng yêu cầu, về hình dáng kích thước, tính năng mối nối …trong điều kiện thực tế cụ thể của Nhật Bản và Việt Nam, qua đó đề xuất những quy định cụ thể, phù hợp với Việt Nam.
Dự thảo đã nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu về phương pháp kích đẩy, về các lưu ý trong công tác khảo sát địa hình…
Phòng TT – TL