Phó Vụ trưởng Hồ Chí Quang - Chủ tịch Hội đồng kết luận cuộc họp
Đề tài do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Xây dựng thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Hồ Chí Quang - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Báo cáo kết quả thực hiện đề tài trước Hội đồng, PGS.TS. Phạm Hùng Cường - Chủ nhiệm đề tài cho biết, làng xã truyền thống trên phạm vi toàn quốc nói chung, vùng Đồng bằng Sông Hồng nói riêng là nơi lưu giữ nhiều di sản rất có giá trị, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể. Trong khi đó, công tác bảo tồn di sản làng xã truyền thống hiện nay tuy đã nhận được sự quan tâm của nhiều Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp, song vẫn còn nhiều loại hình di sản chưa được chú trọng bảo tồn, như: Cấu trúc làng, cầu làng, giếng làng, cổng làng, quán làng, không gian cảnh quan làng xã, các công trình kiến trúc chưa được công nhận là di tích, di sản.
Theo nhận định của PGS.TS. Phạm Hùng Cường, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới hiện nay nhiều khả năng để tham gia tích cực vào hoạt động bảo tồn. Vì vậy cần nghiên cứu, bảo tồn di sản làng xã truyền thống trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhằm tăng cường vai trò công tác quy hoạch đối với nhiệm vụ bảo tồn các giá trị di sản làng xã vùng Đồng bằng Sông Hồng nói riêng, toàn quốc nói chung.
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu trường Đại học Xây dựng tập trung hệ thống hóa và đánh giá các giá trị di sản làng xã truyền thống; xây dựng cơ sở lý luận chung cho công tác bảo tồn, bảo tồn thích ứng di sản có sự tham gia của cộng đồng; thực trạng chính sách, pháp luật và quy hoạch nông thôn tác động đến công tác bảo tồn di sản làng xã truyền thống hiện nay; đề xuất các nguyên tắc và giải pháp để bảo tồn các di sản theo hướng bảo tồn thích ứng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản có sự tham gia của cộng đồng; đề xuất các giải pháp quy hoạch, kiến trúc trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm bảo tồn các di sản truyền thống theo hướng bảo tồn thích ứng; áp dụng đề xuất cho 1 đồ án quy hoạch cụ thể.
Cùng với đó, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát 10 làng truyền thống tiêu biểu của vùng Đồng bằng Sông Hồng, gồm: Làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội); làng Cựu (huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội); làng Hương Ngải (huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội); làng Nôm (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên); làng Hành Thiện (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định); làng Keo (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình); làng Nha Xá (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam); làng Thích Chung (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); làng Diềm (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), làng Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng).
Các tiêu chí đánh giá giá trị di sản được nhóm nghiên cứu áp dụng là: Nhóm tiêu chí thứ nhất: Giá trị tự thân của công trình, khu vực di sản, gồm: Giá trị kiến trúc, nghệ thuật; giá trị lịch sử, giá trị chức năng; giá trị cảnh quan; giá trị môi trường sinh thái; giá trị phương thức xây dựng truyền thống, tri thức bản địa; giá trị văn hóa phi vật thể của công trình; Nhóm tiêu chí thứ hai gồm: Giá trị kế thừa, bổ sung trong bối cảnh đương đại, như: Giá trị chức năng đương đại; giá trị cảnh quan mới; giá trị văn hóa mới, dấu ấn nơi chốn, bản sắc, tính biểu tượng; giá trị môi trường sinh thái mới.
Qua quá trình khảo sát đồng thời áp dụng các tiêu chí đánh giá, nhóm nghiên cứu nhận thấy: Các kiến trúc công trình như: Đình, chùa, miếu nhìn chung được khoanh chức năng, vùng bảo tồn và từng bước được bảo tồn, tôn tạo hiệu quả; các di sản khác như; Cổng làng, ao làng, giếng làng, điếm, quán làng, cầu, cây xanh mặt nước chưa có sự bảo tồn đúng mức do việc nhận diện giá trị di sản chưa đầy đủ, tốc độ mai một gia tăng; di sản cấu trúc tổng thể, sinh thái, sinh thái nhân văn chưa được đánh giá và bảo tồn hợp lý, môi trường sinh thái giảm sút; một số xu hướng bảo tồn phục dựng chưa có sự nghiên cứu, chưa phát huy được giá trị di tích trong đời sống đương đại; các giá trị mới như nơi chốn, cảnh quan, sinh thái, chức năng... chưa được lồng ghép vào các giá trị tự thân của di sản trong quá trình bảo tồn.
Để giải quyết hiệu quả các vấn đề nêu trên, đề tài đề xuất phương pháp “Bảo tồn thích ứng” các di sản làng xã truyền thống. Theo PGS.TS. Phạm Hùng Cường, “Bảo tồn thích ứng” là phương pháp bảo tồn chuyển tiếp giá trị cũ và bổ sung các giá trị mới một cách phù hợp, đảm bảo di sản tồn tại hài hòa với cộng đồng, với xã hội đương đại. Phương pháp này sẽ giúp nhận diện đầy đủ giá trị gốc, quá trình phát triển và đương đại cũng như chú trọng sự tham gia của cộng đồng và xã hội vào công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, giải pháp này chú trọng yếu tố tích hợp để giải quyết xung đột; phối hợp các Luật, quy định liên quan đến di sản, quy hoạch, xây dựng. Có thể nói, “Bảo tồn thích ứng” là phương pháp phù hợp với mục tiêu bảo tồn các di sản “sống”, giảm sự xung đột giữa bảo tồn và phát triển.
Với phương pháp “Bảo tồn thích ứng”, PGS.TS. Phạm Hùng Cường đưa ra nguyên tắc quy hoạch gắn với bảo tồn như sau: Quy hoạch phải bảo tồn được cấu trúc làng truyền thống theo các mức độ khác nhau, kế thừa, chuyển tiếp đặc trưng giá trị trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay; quy hoạch bảo tồn được vị trí, ranh giới đất của di tích và công trình kiến trúc truyền thống (gồm tất cả các công trình như: Đình, chùa, miếu, giếng, cổng, quán làng...); quy hoạch xây dựng không bảo tồn trực tiếp công trình mà thông qua quản lý kiến trúc cảnh quan công trình và khu vực lân cận; xác định đặc trưng cảnh quan văn hóa làng để tôn tạo và tái hiện, áp dụng cho quy hoạch khu dân cư mới; quy hoạch thực hiện bảo tồn thích ứng, phù hợp với di sản “sống”, bổ sung, chuyển tiếp giá trị, di sản có ý nghĩa trong cuộc sống đương đại; thiết lập các mô hình làng du lịch để góp phần bảo tồn; quy hoạch xây dựng tạo lập các không gian cho hoạt động văn hóa phi vật thể; quy hoạch xây dựng vào bảo tồn có tham vấn ý kiến cộng đồng.
Nhằm nâng cao chất lượng Báo cáo tổng kết đề tài, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng KHCN Bộ Xây dựng đã có những ý kiến góp ý, giúp nhóm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Báo cáo. Hội đồng đề cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong việc thu thập tài liệu trong nước và quốc tế có liên quan và tổng hợp số liệu khảo sát thực tế các làng truyền thống làm cơ sở thực hiện đề tài. Tuy nhiên, nếu nhóm nghiên cứu khảo sát bổ sung một số làng xã truyền thống đặc trưng cho các vùng miền trên toàn quốc thì kết quả đề tài sẽ tăng tính thuyết phục hơn nữa.
Kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Hồ Chí Quang - Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đề tài, đồng thời đánh giá cao ý thức trách nhiệm, sự tâm huyết của nhóm nghiên cứu trường Đại học Xây dựng trong quá trình thực hiện đề tài. Các sản phẩm đề tài đầy đủ theo Hợp đồng đã ký, bố cục Báo cáo tổng kết chặt chẽ, logic và đảm bảo chất lượng. Để hoàn thiện Báo cáo tổng kết đề tài, Phó Vụ trưởng Hồ Chí Quang đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu và cập nhật đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, sau đó trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng KHCN Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu Đề tài “Bảo tồn thích ứng di sản làng xã truyền thống trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới”, với kết quả đạt loại Xuất sắc.