Ông Vũ Ngọc Châu - Chủ tịch thị xã Tam Điệp cho biết, sau gần 30 năm kể từ ngày thành lập thị xã, Tam Điệp đã trở thành một đô thị (ĐT) công nghiệp trẻ với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 19-25% và đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng (75%), dịch vụ (21%).
Trong những năm qua, Tam Điệp đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng ĐT, trong đó tập trung chủ yếu vào đường, điện và nước sạch. Vì vậy, bộ mặt ĐT Tam Điệp đã có những chuyển biến tích cực với tỷ lệ ĐT hóa hơn 70%, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao với thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm. Nhiều nhà tạm nay đã được thay thế bằng nhà kiên cố và bán kiên cố (chiếm 94,8%). Diện tích sàn nhà ở bình quân theo đầu người tăng lên đáng kể, đạt 15,2 m2 sàn/người. Hiện thị xã đã và đang triển khai 05 khu ĐT mới và cải tạo chỉnh trang 08 khu.
Mạng lưới giao thông của Tam Điệp được bố trí tương đối hợp lý, với những tuyến đường trục chính khu vực nội thị được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, với những tuyến phố đẹp, tạo điểm nhấn cho đô thị. Nhiều chỉ tiêu về giao thông, diện tích đất cây xanh công cộng … của Tam Điệp đều vượt tiêu chuẩn đánh giá ĐT loại III: diện tích đất giao thông trên dân số nội thị là 14,82 m2/người, tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt khu vực nội thị đạt gần 114 lít/người/ngày đêm…
Vấn đề môi trường ĐT cũng được chính quyền Tam Điệp đặc biệt quan tâm, với gần 91% tỷ lệ chất thải rắn khu vực nội thị được thu gom, xử lý. Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử ý chất thải rắn cho toàn tỉnh tại Tam Điệp với tổng mức đầu tư 21 triệu USD. Dự kiến đến cuối năm 2012 nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tỷ lệ nước thải sinh hoạt ở Tam Điệp được xử lý còn khá thấp, mới đạt 25%. Công trình dịch vụ công cộng, trung tâm văn hóa, thể thao, thương mại; cơ sở y tế; trường học… cũng được đầu tư khá đồng bộ đã tạo nên một diện mạo mới cho thị xã Tam Điệp.
Theo các nhà phản biện, hồ sơ Đề án đã được chuẩn bị cơ bản đầy đủ, theo đúng quy định. Tuy Tam Điệp là một tỉnh miền núi nhưng vị trí địa lý gần nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa nên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, liên kết kinh tế trong vùng. Xét các chỉ tiêu để nâng cấp lên ĐT loại III Tam Điệp đã làm rất tốt, như 6 chỉ tiêu về kinh tế xã hội có 6 chỉ tiêu thì có tới 4 chỉ tiêu đạt tối đa; có 19 chỉ tiêu về hạ tầng không áp dụng đối với đô thị miền núi nhưng thị xã Tam Điệp vẫn đạt… Tuy nhiên, Tam Điệp vẫn còn tồn tài một số chỉ tiêu chưa đạt như: xử lý nước thải, cấp thiện và nhà tang lễ. Vì vậy thị xã cần tiếp tục tập trung hoàn thiện các hạ tầng kỹ thuật như chiếu sáng, hè đường, công viên cây xanh…
Nhìn chung, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá cao báo cáo của Tam Điệp, và cho rằng đây là một thị xã có rất nhiều cơ hội để phát triển và có định hướng đúng. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng cũng đề nghị Tam Điệp cần quan tâm hơn tới vấn đề điện chiếu sáng và vấn đề nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, vì định hướng của Tam Điệp là phát triển thành một đô thị công nghiệp.
Ông Đinh Văn Điến – Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Bình cho biết, Tam Điệp sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, tập trung đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục hoàn thiện những chỉ tiêu còn thấp, nâng cao đời sống người dân. Theo ông Điến, tuần qua Ninh Bình đã xác định hướng phát triển của tỉnh là xây dựng TP Ninh Bình thành ĐT loại I, trong đó lấy toàn bộ thành phố hiện nay và Hoa Lư để phát triển thành một thành phố du lịch, kinh tế, công nghiệp; và sẽ không sử dụng đất lúa để phát triển công nghiệp và tập trung vào phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá cao những thành tựu mà Tam Điệp đã đạt được. Thứ trưởng cho biết, Tam Điệp nằm ở cửa ngõ Tây Nam Ninh Bình, có vị trí chiến lược quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Thị xã đã đạt được những thành tựu kinh tế xã hội rất ấn tượng. Về chất lượng ĐT, Tam Điệp có 24/49 chỉ tiêu vượt quy định so với ĐT loại 3 mà không cần áp dụng đặc thù cho miền núi, 22 chỉ tiêu đạt mức độ trung bình, và 3 chỉ tiêu chưa đạt. Thứ trưởng đề nghị Tam Điệp tập trung cải thiện các chỉ tiêu, có chương trình kế hoạch vượt hơn nữa so với tiêu chuẩn ĐT loại III.
Theo Thứ trưởng, Tam Điệp phát triển mạnh về công nghiệp, đó là một đặc thù và là điều tốt, nhưng cũng là điều đáng lo ngại về môi trường và cảnh quan thiên nhiên vì thị xã có tới 3 nhà máy xi măng. Vì vậy, Tam Điệp cần chú ý đến việc bảo vệ được cảnh quan, môi trường để đảm bảo đời sống người dân tốt hơn và phát triển du lịch sau này.
Thứ trưởng đề nghị Tam Điệp cần quan tâm hơn tới công tác quy hoạch, trong đó chú trọng hơn đến chất lượng quy hoạch, có tầm nhìn, khả thi, khai thác tối đa lợi thế của mình nhưng vẫn đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đồng thời Tam Điệp cần tập trung hoàn thiện quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch cảnh quan; triển khai công tác thiết kế ĐT; quan tâm xây dựng công trình kiến trúc hiện đại, có bản sắc riêng; và quan tâm đến công tác quản lý ĐT phù hợp với yêu cầu mới (ĐT loại III); cũng như việc đào tạo bồi dưỡng cho các cán bộ làm công tác này; tuyên truyền vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh ĐT.
Theo kết quả đánh giá của các thành viên Hội đồng thẩm định, Đề án đề nghị công nhận thị xã Tam Điệp là đô thị loại III – trực thuộc tỉnh Ninh Bình đã đạt 82,88/100 điểm, đạt chuẩn công nhận ĐT loại III./.
Theo : Báo Xây dựng điện tử