Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn khẳng định vai trò quan trọng của giao thông vùng Thủ đô trong việc phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam và thành phố Hà Nội. Thứ trưởng kêu gọi đại diện các tỉnh, thành trực thuộc quy hoạch vùng Thủ đô tích cực góp ý, đề đạt các yêu cầu của địa phương để đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện Quy hoạch Xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 – Quy hoạch đường Vành đai 5.
Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế, ông Ngô Trung Hải – Viện trưởng VIAP – đã trình bày phương án quy hoạch Vành đai 5, hay còn gọi là vành đai vùng Thủ đô, qua 9 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 342,5km. Vành đai 5 về cơ bản phải nối được các đô thị đối trọng, thành phố tỉnh lỵ trong vùng thủ đô Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong vùng về công nghiệp, thương mại – dịch vụ, nông nghiệp nông thôn theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phải khai thác được tiềm năng, lợi thế của các khu vực còn hạn chế về kết nối; gom lưu lượng vận tải đến các hành lang vận tải chính (hệ thống đường cao tốc).
Đại diện các tỉnh trong vùng quy hoạch vành đai 5 đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị liên quan tới địa phương: Vĩnh Phúc đề nghị quy hoạch đường vành đai 5 chui qua hầm Tam Đảo, không đi qua đường Đèo Nhe. Hòa Bình đề nghị hạn chế thay đổi, xáo trộn ở huyện Lương Sơn (tránh ảnh hưởng tới các dự án đầu tư đang và sẽ triển khai tại khu vực này), Hải Dương đề nghị điều chỉnh thời gian phân kỳ đầu tư, đề nghị chỉ đạo quản lý quy hoạch sau khi quy hoạch được duyệt…
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Toàn yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế tiếp thu ý kiến của các địa phương, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, mời thêm chuyên gia để hoàn thiện quy hoạch vành đai 5 của vùng thủ đô Hà Nội.
Thu Huyền