Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để vực dậy thị trường bất động sản

Thứ năm, 13/12/2012 18:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 13/12/2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã làm việc với TP. Hà Nội và một số doanh nghiệp bất động sản nòng cốt trên địa bàn thành phố để bàn những giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường BĐS.

Làm theo cách nhân văn mà vẫn có lãi

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhằm giải quyết một cách cơ bản nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở. Điều đó tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội. Thời gian qua, chúng ta đã quan tâm đến các chương trình phát triển nhà ở cho người nghèo khu vực nông thôn, người có công, nhà ở vượt lũ đồng bằng sông Cửu long, vùng lũ lụt Miền Trung… nhưng việc phát triển nhà ở cho đại bộ phận người dân thu nhập thấp ở đô thị chúng ta chưa làm được nhiều, còn manh mún, tự phát. Cho nên Chiến lược phát triển nhà ở lần này là chiến lược tổng thể dựa trên quan điểm khoa học, nhằm cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó khẳng định phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Lần đầu tiên chúng ta đưa ra khái niệm thị trường nhà ở hàng hóa và nhà ở phi hàng hóa, phân rõ 8 nhóm đối tượng cần thiết phải ưu tiên phát triển nhà ở để tập trung giải quyết. Hiện nay nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị, công chức, viên chức hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang đang rất khó khăn, phát triển nhà ở cần phải tập trung vào những đối tượng này và giải pháp chính là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội…

Phân tích về thị trường BĐS hiện nay, Bộ trưởng cho rằng thị trường BĐS đóng băng sau thời kỳ phát triển cao trào, chạy theo nhu cầu ảo. Một thời gian dài, cứ có đất là quy hoạch làm dự án nhà ở, đầu tư tự phát, làm theo phong trào… Hiện nay dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS khoảng 1.500.000 tỷ đồng, nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến tín dụng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy “tháo ngòi nổ” BĐS hiện nay đang là vấn đề cấp bách và phải như “cứu hỏa”. Chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ lại quan tâm đến thị trường BĐS như hiện nay. Không chỉ Bộ Xây dựng, mà cả Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước đều đã vào cuộc rất tích cực, quyết liệt thực hiện hàng loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS…

Theo Bộ trưởng, vấn đề quan trọng, hàng đầu hiện nay là bàn giải pháp cụ thể về làm nhà ở xã hội, vì đây chính là cách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Với khối lượng các dự án BĐS trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay, nếu tất cả đều hoàn thành thì nhu cầu phải rất nhiều năm nữa mới tiêu thụ hết. Chính vì vậy, rất cần phải kiểm soát phát triển, phải rà soát, đánh giá lại thị trường để có kế hoạch đầu tư phù hợp. Cần phải cơ cấu lại các dự án để cứu BĐS nhưng làm theo cách nhân văn là làm nhà ở cho người nghèo mà doanh nghiệp vẫn có lãi. Làm nhà xã hội chính là một gói kích cầu đa mục đích mà cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước đều có lợi. Người dân thì có nhà, doanh nghiệp thì có việc làm, thu nhập, thị trường BĐS phát triển sẽ làm cho nền kinh tế sôi động, kích thích tiêu dùng. “Nhà ở xã hội nên có diện tích vừa phải, giá phải rẻ, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới để kéo giá nhà rẻ xuống, phù hợp với nhu cầu chi trả của đại bộ phận người mua” - Bộ trưởng chỉ đạo.

Quyết liệt chuyển đổi NOTM sang NOXH

Tại buổi làm việc, đại diện các DN bất động sản đã báo cáo số lượng cụ thể các dự án NOXH đang thực hiện hoặc dự kiến chuyển đổi từ NOTM sang NOXH, đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển NOXH.

Ông Đoàn Châu Phong, PTGĐ Tcty Vinaconex cho biết, tại khu đô thị Bắc An Khánh, Tcty có 18,5 ha đã được chấp thuận chuyển đổi sang NOXH. Hiện đơn vị đã hoàn chỉnh hồ sơ, phương thức thực hiện, dự kiến sẽ khởi công vào quý I/2013. Ngoài ra, nếu được TP Hà Nội chấp thuận, Vinaconex sẽ triển khai tiếp dự án 50 ha tại khu đô thị Đại Áng (Thanh Trì) rất thuận tiện về giao thông, hạ tầng, phát triển theo mô hình đô thị NOXH. Ông Phong khẳng định: các DN nòng cốt trực thuộc Tcty Vinaconex đều đã đăng ký tham gia chương trình NOXH. Hiện các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng của Vinaconex có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu xây dựng theo công nghệ cao. Trong thời gian tới, Vinaconex hy vọng sẽ tạo ra những khu đô thị NOXH chứ không dừng lại ở các khu nhà thu nhập thấp như đã làm thời gian qua.

Để thực hiện được điều đó, ông Đoàn Châu Phong kiến nghị TP Hà Nội cho phép DN được giữ lại quỹ sàn nhà ở thương mại theo quy định phải trả cho TP để DN bán lấy tiền bù đắp vào chi phí xây dựng NOXH để kéo giá NOXH xuống thấp. Bên cạnh đó, ông Phong kiến nghị nhà nước cho phép DN trích 10% lợi nhuận không phải đóng thuế thu nhập DN để đầu tư đồng bộ các dịch vụ tiện ích để giảm bớt giá dịch vụ cho người sử dụng khi đến ở. Thêm nữa, Bộ Xây dựng và TP Hà Nội cần có cơ chế ưu đãi để thu hút xã hội hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư phát triển các công trình hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện). Vinaconex cũng sẽ thí điểm làm NOXH cho thuê để thu hút nhóm người trẻ có thu nhập trung bình nhưng chưa đủ tích lũy để mua nhà…

Tại buổi làm việc, đại diện tập đoàn Nam Cường cho biết: Tập đoàn này hiện đang lập dự án KĐT 140 ha tại Đại Mỗ, trong đó có khoảng 40ha diện tích đất ở và dự kiến sẽ dành 10-15ha để làm NOXH. Để kéo giá nhà ở thương mại xuống gần với NOXH nhằm giảm lượng hàng tồn kho BĐS, Tập đoàn Nam Cường kiến nghị các ngân hàng cần hạ lãi suất cho vay xuống 10% thay vì 18% như hiện nay; giảm thuế thu nhập DN xuống còn 15%, giảm thuế VAT cho người mua nhà ở thương mại còn 5%... Nếu cộng các yếu tố trên thì giá nhà ở TM đã có thể giảm được từ 25-30%. Đại diện Tập đoàn Nam Cường cũng đề xuất cần tăng cường chính sách cho thuê NOXH.

Đại diện Tcty HUD tham dự hội nghị cho biết: Dự án ĐTM Tây Nam Linh Đàm mà HUD đang thực hiện theo quy hoạch có 49 ha, trong đó 19 ha phát triển nhà ở, chỉ có 2,4 ha làm cho NOXH. Tuy nhiên, hiện nay HUD đang điều chỉnh, chỉ giành 10 ha làm NOTM để có vốn hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu đô thị, còn lại giành khoảng 9ha làm NOXH. Đề nghị TP cho phép tăng mật độ dân số để giảm giá thành NOXH, bởi vì dự án nằm ngoài đường vành đai 3 và có kết nối hạ tầng kỹ thuật tốt…

Tại buổi làm việc, đại diện một số doanh nghiệp khác như Tcty 319 Bộ Quốc Phòng, Tcty UDIC TP Hà Nội… cũng kiến nghị một số giải pháp về cơ chế chính sách liên quan đến thủ tục hành chính, thuế, tín dụng, quỹ đất để phát triển NOXH.

Nhất thiết phải dành quỹ đất 20% cho phát triển NOXH

Tại buổi làm việc Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các dự án nhà ở phải dành riêng quỹ đất 20% để phát triển NOXH, tuy nhiên các dự án trên địa bàn TP Hà Nội thực hiện chưa nghiêm quy định này, tỷ lệ quỹ đất dành cho NOXH rất thấp, kể cả trong quy hoạch dự án, thực hiện giao đất, cấp phép xây dựng. TP. Hà Nội cần phải nhanh chóng kiểm tra, rà soát, phân loại các dự án để điều chỉnh lại cho phù hợp, nhất thiết phải dành quỹ đất 20% cho NOXH. Thứ trưởng khẳng định: “Bộ Xây dựng đang theo sát vấn đề này và kiểm tra chặt chẽ. Các dự án phải chủ động điều chỉnh, nếu không sẽ chỉ mặt vạch tên…”

Về cơ chế chính sách cho phát triển NOXH, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, theo Nghị định phát triển NOXH mà Bộ vừa trình Chính phủ, các cơ chế hộ trợ đã tăng lên rất nhiều. Các dự án NOXH sẽ được hưởng mức thuế thu nhập DN là 10%, thuế GTGT với người mua là 5%. Bên cạnh đó cũng mở rộng đối tượng được mua NOXH, thu hẹp bớt điều kiện, tiêu chí được mua, bán NOXH; trong khu vực phát triển NOXH được trích 20% quỹ đất để làm NOTM, bán theo giá NOTM để bù đắp chi phí xây dựng NOXH; cho phép các địa phương có thể hỗ trợ hạ tầng trong phạm vi dự án... Bộ Xây dựng đang kiến nghị những chính sách này được áp dụng từ quý II/2013. Đặc biệt, về nguồn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng sẽ ký kết thỏa thuận với với BIDV phối hợp triển khai chương trình phát triển NOXH giai đoạn 2013-2015, theo đó trong 3 năm tới mỗi năm BIDV sẽ dành 10.000 tỷ đồng cho nhà xã hội với lãi xuất ưu đãi đầu tư, trong đó 6.500 tỷ dành cho người mua nhà với lãi suất bằng lãi suất huy động tiết kiệm, thời hạn 15 năm, giá trị bằng 70% giá trị nhà. Theo Thứ trưởng, cơ chế chính sách dành cho HOXH hiện nay rất thoáng, các doanh nghiệp cần thể hiện ý chí quyết tâm làm nhà xã hội.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng ủng hộ các đề xuất của DN, đặc biệt là phát triển NOXH tại các khu vực đã được quy hoạch, có kết nối hạ tầng tốt, có chất lượng, môi trường sống thân thiện với giá cả phải chăng. Bộ trưởng cho rằng, các DN nên tập trung làm NOXH ở TP. Hà Nội và những khu vực có nhu cầu cao. Các DN có quỹ đất xây NOXH được xác định cần tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đưa vào sử dụng.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đây là thời cơ để các DN cơ cấu lại sản phẩm, chuyển hướng sang phát triển NOXH, vừa tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, cũng chính là tự cứu DN, thể hiện phong cách kinh doanh một cách chuyên nghiệp cũng như trách nhiệm đối với xã hội.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)