Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Hội nghị này được tổ chức nhằm thảo luận, đánh giá và tổng kết những ưu điểm cũng như những bất cập, những tồn tại trong quá trình áp dụng Nghị định số 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng và Nghị định số 112/2009/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình - nội dung cốt lõi của công tác quản lý dự án đầu tư. Qua các báo cáo và tổng kết thực tiễn, kể từ khi Chính phủ ban hành hai Nghị định nói trên, có thể nói đó là bước đột phá trong quản lý chi phí, giao quyền tự chủ cho các chủ đầu tư, các thủ tục đơn giản hơn, hiệu quả hơn. Hai nghị định này thể hiện được chủ trương đổi mới cơ chế quản lý chi phí và hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng trong thực tiễn, các Nghị định cũng bộc lộ một số bất cập, cần được nghiên cứu sửa đổi. Thứ trưởng Trần Văn Sơn cũng gợi ý Hội nghị tập trung thảo luận về một số tồn tại, còn vướng mắc trong vấn đề tổng mức đầu tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư, định mức, đơn giá, các loại hợp đồng trong xây dựng…
Báo cáo tại Hội nghị về Nghị định số 48/2010/NĐ-CP, ông Phạm Văn Khánh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng – Bộ Xây dựng cho biết, bên cạnh những ưu điểm, Nghị định 48 còn có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn của cơ chế thị trường Việt Nam và thông lệ quốc tế. Đó là, Nghị định 48 chỉ áp dụng đối với các hợp đồng thuộc dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên; chưa quy định loại giá hợp đồng áp dụng cho gói thầu mà cả chủ đầu tư và nhà thầu đều không chịu rủi ro như giá hợp đồng với chi phí cố định công phí, nên một số gói thầu bị vỡ thầu nhiều lần khi đấu thầu; quy định giá hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh là khó khăn cho quá trình thực hiện khi giá cả và chế độ chính sách thay đổi; quy định về việc điều chỉnh giá hợp đồng theo đơn giá cố định và theo thời gian còn chưa phù hợp; trong quá trình thực hiện các loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh thì việc kiểm tra, xác định, tính toán giá vật tư, nguyên, nhiên vật liệu xây dựng theo giá thị trường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Toàn cảnh Hội nghị
Về Nghị định 112/2009/NĐ-CP, theo báo cáo đánh giá của Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng, Nghị định 112 đã bao quát và thống nhất được những nội dung, yêu cầu cơ bản về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, tiếp cận với cơ chế kinh tế thị trường, tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng cạnh tranh, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giải quyết được nhiều vấn đề bất cập trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Nghị định 112 có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm môi trường pháp lý để các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng công trình thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình trong quản lý đầu tư xây dựng công trình, tạo ra sự đổi mới về cơ chế quản lý chi phí theo hướng thị trường, tạo sự tự chủ, tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, góp phần nâng cao hiệu quả các dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định của Nghị định 112, cũng còn tồn tại một số bất cập, ví dụ như quy định chỉ được điều chỉnh tổng mức đầu tư khi điều chỉnh dự án là chưa phù hợp; những tồn tại trong thực tế vận hành Nghị định 112 liên quan tới nội dung định mức, đơn giá xây dựng bao gồm: hệ thống định mức được công bố chưa đồng bộ, thiếu nhiều định mức đặc biệt đối với các công tác xây dựng đặc thù, các công tác xây dựng áp dụng công nghệ mới; quy định về việc áp dụng định mức mới, định mức tự xây dựng hoặc định mức điều chỉnh chưa rõ ràng nên khi áp dụng thường gây ra vướng mắc trong thanh toán hoặc tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu hoặc cơ quan thanh tra, kiểm tra; một số định mức chi phí tỷ lệ % quy định chưa phù hợp, đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn đầu tư xây dựng và quản lý dự án; chưa có hướng dẫn về lập và sử dụng đơn giá xây dựng trên cơ sở giá thị trường…
Hội nghị cũng đã nghe các tham luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng Hà Nội, Tập đoàn Sông Đà về tổng kết, đánh giá Nghị định 48 và Nghị định 112, đồng thời tại Hội nghị cũng đã diễn ra các hoạt động thảo luận, xử lý tình huống trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng./.
Minh Tuấn