Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020

Thứ bẩy, 15/09/2012 08:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 13/9/2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 838/QĐ-BXD phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020 làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển nhân lực ngành Xây dựng nói chung và của từng đơn vị trong ngành nói riêng, đồng thời triển khai xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện phát triển nhân lực của toàn ngành Xây dựng.

Các kỹ sư, công nhân Lilama trên công trường thủy điện Sơn La

Năm 2020, phấn đấu 65,0% nhân lực đã qua đào tạo

Mục tiêu của Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020 nhằm phát triển toàn diện về đào tạo, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng nhân lực, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng; phát triển nhanh những ngành, lĩnh vực mà ngành Xây dựng có lợi thế so sánh, gắn đào tạo với giải quyết việc làm - đào tạo theo địa chỉ. Tích cực phân luồng lao động sau đào tạo đại học, xây dựng một số cơ sở đào tạo đạt chuẩn chất lượng và chất lượng cao trong khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành Xây dựng trong nước, tham gia cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường xây dựng khu vực và quốc tế.

Yêu cầu của việc xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng giai đoạn 2011 – 2020 là tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng và việc sử dụng nhân lực xây dựng trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước ngành Xây dựng và thực trạng hệ thống đào tạo nhân lực cho Ngành, đồng thời xác định mục tiêu, yêu cầu, nhu cầu nhân lực ngành Xây dựng cho 10 năm tới cũng như kiến nghị các giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra. Mục tiêu cụ thể là:

Nhân lực ngành Xây dựng tăng từ 2,9 triệu người năm 2010 lên khoảng 5 triệu năm 2015 và khoảng 8 - 9 triệu người năm 2020; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng từ mức 41,0% năm 2010 lên khoảng 60,0% năm 2015 và khoảng 65,0% năm 2020. Trong đó, bậc đào tạo nghề chiếm khoảng 68,5% năm 2015 và khoảng 68,0% năm 2020, bậc trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 25,0% năm 2015 và khoảng 24,0% năm 2020, bậc cao đẳng chiếm khoảng 2,0% năm 2015 và khoảng 3,0% năm 2020, bậc đại học và trên đại học chiếm khoảng 4,5% năm 2015 và khoảng 5,0% năm 2020.

Riêng đối với đào tạo bậc đại học, mục tiêu đề ra đến năm 2020 toàn ngành có khoảng 5.500 người đạt trình độ sau đại học và trên đại học, khoảng 200 nghìn người có trình độ đại học và khoảng 124 nghìn người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp. phấn đấu đến năm 2020 số giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ khoảng 70%, còn lại 30% có trình độ tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, trong đó có khoảng 100 giáo sư, phó giáo sư; giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ khoảng 60%, giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 8%.

Giải pháp huy động các nguồn vốn

Tập trung ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư chiều sâu, đầu tư tăng cường năng lực cho các trường thuộc Bộ Xây dựng. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Ngành thành lập các cơ sở đào tạo; liên kết với các trường trong đào tạo và giải quyết việc làm; nhận học sinh, sinh viên thực tập; Xây dựng các mô hình hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường để nâng cao khả năng có việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo cũng như đáp ứng kỹ năng nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Tăng cường huy động các nguồn lực trong xã hội và cộng đồng quốc tế cho phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng theo quy định của pháp luật, trong đó có các dự án vay vốn nước ngoài, đặc biệt là các dự án hỗ trợ kỹ thuật đầu tư thiết bị, chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp, giảng viên và nghiên cứu viên các Viện nghiên cứu. Hỗ trợ về mặt pháp lý trong việc cấp, thuê đất, miễn giảm thuế đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thành lập cơ sở đào tạo nhân lực của ngành.

Việc thực hiện Quy hoạch nguồn nhân lực ngành xây dựng từ 2011 - 2020 sẽ trải qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 2011 – 2015 tập trung giải quyết về thể chế, xây dựng các chương trình, dự án đề án khả thi đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Xây dựng và thực hiện Đề án quy hoạch phát triển Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và đô thị theo nội dung quy định tại Quyết định số 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010. Đồng thời căn cứ nhu cầu nhân lực của ngành đến năm 2015, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng, chất lượng và cơ cấu trình độ đào tạo hợp lý…

Giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tập trung phát huy kết quả thực hiện của giai đoạn 2011 - 2015, tiếp tục rà soát nội dung chương trình, cơ cấu trình độ đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực để kịp thời điều chỉnh và tổ chức thực hiện các Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015, bám sát Quy hoạch và mục tiêu đề ra.

Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, gắn với chiến lược phát triển ngành Xây dựng, đáp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng và quá trình đô thị hóa đất nước.

Box:Những đề án ưu tiên khi thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020, như sau: Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo thuộc ngành Xây dựng; đề án Xây dựng cơ sở vật chất và phát triển đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn; đề án Xây dựng đội ngũ giáo viên; đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức đương nhiệm về chuyên môn và nghiệp vụ; đề án đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý Xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010; đề án Đổi mới công tác tuyển dụng, chế độ chính sách đối với người lao động ngành Xây dựng; đề án Đào tạo đội ngũ cán cán bộ tư vấn làm chủ được công nghệ mới; đề án Xây dựng được đội ngũ cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực; đề án Đào tạo lại cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)