Dự Hội thảo có bà Phan Mỹ Linh - Cục trưởng Cục phát triển đô thị, đại diện của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Đăng Cấn - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam, ông Hirofumi Ota - Trưởng đại diện Văn phòng Tập đoàn P.S. Mitsubishi Nhật Bản tại Việt Nam, ông Lê Quảng Châu - Tổng Giám đốc Công ty VINA-PSMC, đại diện Bộ Khoa học và công nghệ, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, các Hiệp hội và hội chuyên ngành xây dựng, bất động sản, các trường đại học, viện nghiên cứun, các chuyên gia đến từ Nhật Bản.
Trong số các vật liệu kỹ thuật xây dựng, cừ bản bê tông dự ứng lực được ứng dụng hiệu quả cho các công trình bờ kè, đường giao thông, đê, đập, các kết cấu cảng, mương dẫn nước, vách tường hầm nhà cao tầng,… và đã được phát triển để thay thế cừ ván thép.
Cừ bản bê tông dự ứng lực còn là một giải pháp thi công tiên tiến cho phép không cần xử lý móng trước, không cần cốt pha vách tường, thi công trong mọi điều kiện trên cạn, dưới nước, trong mọi thời tiết.
Cừ bản bê tông dự ứng lực được phát minh bởi Tập đoàn P.S. Mitsubishi Nhật Bản lần đầu tiên năm 1965 và được ứng dụng lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1999 tại công trình xây dựng Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tạo điều kiện cho các nhà quản lý, các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia đến từ Tập đoàn P.S. Mitsubishi cùng nhau trao đổi thông tin, kinh nghiệm về việc ứng dụng của cừ bản bê tông dự ứng lực trong xây dựng công trình hạ tầng ở hai nước và trên thế giới.
Các đại biểu dự Hội thảo
Các đại biểu đã nghe báo cáo của Tập đoàn P.S. Mitsubishi về sự phát triển và ứng dụng của cừ bản bê tông dự ứng lực trong xây dựng hạ tầng tại Nhật Bản, các báo cáo của các chuyên gia Công ty VINA-PSMC Việt Nam về sự phát triển và ứng dụng của cừ bản bê tông dự ứng lực trong xây dựng hạ tầng tại Việt Nam và bài toán kinh tế - kỹ thuật của việc ứng dụng loại sản phẩm này.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết qua 3 báo cáo tham luận và 7 ý kiến tham luận được trình bày tại Hội thảo cho thấy tính chất phức tạp cũng như sự phong phú của việc ứng dụng cừ bản bê tông dự ứng lực tại Việt Nam. Qua thực tế ứng dụng trong xây dựng công trình tại cửa sông, dọc các sông lớn ở Việt Nam cho thấy cừ bản bê tông dự ứng lực là một loại sản phẩm có tính ưu việt và tính kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình hạ tầng là một vấn đề lớn, nếu không có các tiêu chuẩn, quy phạm quy định việc thiết kế, sản xuất cũng như thi công thì sẽ rất khó cho các nhà tư vấn trong tính toán kỹ thuật cũng như kinh tế, vì vậy sau Hội thảo này, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiến nghị Bộ Xây dựng sớm soạn thảo và ban hành Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về cừ bản bê tông dự ứng lực, biên soạn và phát hành Sách hướng dẫn thiết kế, thi công sau đó sẽ là sự ban hành các định mức, đơn giá liên quan cừ bản bê tông dự ứng lực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng rộng rãi, hiệu quả loại sản phẩm này trên các công trình hạ tầng ở Việt Nam.
H. Phước