Bước vào năm 2014, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình hình kinh tế - xã hội trong nước thuận lợi hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Trước tình hình hình đó, ngay từ đầu năm, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Bộ Xây dựng đã ban hành và tập trung thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của Ngành, đặc biệt là trong quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và thị trường bất động sản; tập trung rà soát, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; phát triển đô thị một cách đồng bộ, theo quy hoạch, kế hoạch; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; phát triển khoa học công nghệ, đào tạo ngành Xây dựng; đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước;...
Với sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành Trung ương, sự ủng hộ và vào cuộc tích cực của các địa phương cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn ngành, trong 6 tháng đầu năm 2014 ngành Xây dựng đã đạt được kết quả tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực, cụ thể như sau:
1.1. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành văn bản
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật ngành Xây dựng, trong đó:
- Đã hoàn thành 03 dự án luật quan trọng là: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi); trong đó tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã thông qua dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), đã xem xét, cho ý kiến đối với 02 dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi). Hiện Bộ đang tập trung nghiên cứu soạn thảo các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng (sửa đổi) để kịp thời trình Chính phủ ban hành .
- Đã hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 29 dự án, đề án, văn bản QPPL ; trong đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 Quyết định.
1.2. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật:
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, Bộ đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng trên cả nước thông qua việc đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 16/02/2013 về quản lý chất lượng công trình. Qua công tác thẩm tra thiết kế kỹ thuật theo quy định của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP đã góp phần tích cực trong công tác phòng chống lãng phí, tham nhũng, phòng ngừa được nhiều sai phạm, rủi ro trước khi triển khai thi công xây dựng . Ngoài ra, việc tổ chức kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các chủ thể và kiểm tra chất lượng công trình trên địa bàn tại các địa phương đã được triển khai, số lượng công trình được kiểm tra đã tăng cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013 .
Đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 27/02/2014 về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng; đang khẩn trương xây dựng Quy chế hoạt động, Kế hoạch hoạt động năm 2014 của Hội đồng, xây dựng Danh mục công trình và danh sách thành viên Hội đồng cho các công trình mới năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng nghiệm thu đã tổ chức 35 đợt kiểm tra hiện trường, 02 cuộc họp xem xét,đánh giá thiết kế, xử lý các vấn đề kỹ thuật, qua đó đã kịp thời nhắc nhở chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư và các nhà thầu về việc tăng cường công tác kiểm soát chất lượng và khắc phục những tồn tại về chất lượng.
Hiện trên cả nước có khoảng 7.000 hồ đập thủy lợi, thủy điện, trong đó có 274 công trình thủy điện và trên 6.000 công trình thủy lợi, nhìn chung các hồ chứa thủy điện có công suất ≥ 30MW, các hồ chứa thủy lợi có dung tích từ 10 triệu m3 trở lên cơ bản đang đảm bảo an toàn; các công trình còn lại còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thực hiện quản lý an toàn hồ, đập, thủy điện, Bộ đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ và Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, theo đó sẽ thực hiện báo cáo Chính phủ và xây dựng đề án kiểm định an toàn hồ đập trong quý III/2014.
Cùng với việc quản lý an toàn hồ, đập, thủy lợi; Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan kiểm tra, đánh giá, xử lý cố chất lượng các công trình giao thông trọng điểm, công trình cầu treo, các công trình tháp thu, phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình, công trình hạ tầng kỹ thuật .
Đẩy mạnh cấp giấy phép xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hình thành hệ thống thông tin thống nhất về quản lý hoạt động cấp giấy phép xây dựng từ Trung ương đến các địa phương trên toàn quốc; Bộ Xây dựng đã dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ Phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cấp phép xây dựng thống nhất trên toàn quốc. Đến nay, công tác cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đã đi vào nề nếp, số công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đã giảm. Hiện Bộ đang đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị làm cơ sở đẩy mạnh cấp giấy phép xây dựng .
Trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước cấp 343 chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng (tổng chứng chỉ được cấp 6.602 chứng chỉ), 1.026 người được đào tạo bồi dưỡng định giá xây dựng (tổng số người được đào tạo bồi dưỡng 34.860 người).
Tình hình giá cả thị trường xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2014 tương đối ổn định. Trong 6 tháng, Bộ đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và công bố gần 1.400 định mức dự toán xây dựng (liên quan đến nước sạch, thoát nước đô thị, chất thải rắn, cây xanh đô thị và chiếu sáng đô thị). Bộ tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu xử lý các tình huống vướng mắc trong quản lý các dự án, quản lý hợp đồng xây dựng, điều chỉnh tổng mức đầu tư; đã hướng dẫn, xử lý vướng mắc do biến động về giá xây dựng. Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh hệ thống các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn trong các lĩnh vực của Ngành, đã ban hành Chương trình xây dựng hệ thống công cụ, chỉ tiêu, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước năm 2014 của Bộ Xây dựng.
1.3. Tập trung rà soát, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị
Tiếp tục rà soát các quy hoạch vùng, quy hoạch chung các đô thị trên phạm vi cả nước, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng quan trọng theo phân cấp; trong 6 tháng, Bộ đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 08 nhiệm vụ, đồ án quy hoạch , ngoài ra, đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ 07 nhiệm vụ, đồ án quy hoạch ; riêng Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050, Bộ đã tổ chức báo cáo, xin ý kiến Ban chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô, hiện đang tổ chức thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục rà soát công tác triển khai, thực hiện Quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, tỷ lệ xã có quy hoạch trên cả nước đạt khoảng 94,05% ; hướng dẫn các tỉnh, thành phố, đô thị đặc thù lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và thực hiện pháp luật trong quy hoạch xây dựng ; đôn đốc các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là tại các đô thị trung tâm, đô thị tạo động lực tăng trưởng, các khu vực phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội (các khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu,...); góp ý hơn 20 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Tổ chức nghiên cứu, xây dựng Nghị định về quy hoạch xây dựng; tập trung hoàn thành Đề án Rà soát tổng thể tình hình thực hiện công tác quy hoạch trên phạm vi cả nước; tập trung rà soát, sửa đổi Quy chuẩn 2008 về Quy hoạch xây dựng.
1.4. Phát triển đô thị theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội; tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch
Sau hơn một năm thực hiện Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, hầu hết các đô thị lớn đã tiến hành xong việc đánh giá, phân loại dự án đầu tư nhằm từng bước lập lại trật tự trong đầu tư phát triển đô thị; các địa phương cũng đang thành lập các khu vực phát triển đô thị, kiện toàn lại các Ban quản lý dự án hiện có để thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị .
Tiếp tục đôn đốc các địa phương triển khai các Chương trình phát triển đô thị, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, theo hướng nâng cấp, nâng loại đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng của địa phương, chú trọng nâng cao chất lượng đô thị, không nên quá chú trọng vào mở rộng quy mô; đang xây dựng Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2011-2020, chuẩn bị tổng kết giai đoạn 1 Chương trình nâng cấp 6 đô thị Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đang được tập trung thực hiện.
Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật đầu tư phát triển đô thị. Nhằm hạn chế những vấn đề bất cập trong nâng loại đô thị thời gian qua, Bộ đang tập trung nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc phân loại đô thị trên quan điểm đổi mới: không khuyến khích mở rộng đô thị, tập trung nâng cao chất lượng đô thị phù hợp điều kiện đặc trung của vùng, miền để phát triển bền vững . Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ đã thực hiện tổ chức thẩm định nâng loại cho 06 đô thị . Đến nay, cả nước có 770 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 14 đô thị loại I, 13 đô thị loại II, 52 đô thị loại III, 59 đô thị loại IV và 630 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước đạt khoảng trên 33,47 %.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với phát triển đô thị, hiện Bộ đang tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn; đã hoàn thành trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Các quy hoạch về hạ tầng cũng đang được Bộ tập trung chỉ đạo hoàn thành . Ngoài ra, Bộ đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch nghĩa trang, xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn, Bộ Xây dựng đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, trong đó có 05 dự án tại khu vực đô thị, 05 dự án tại khu vực nông thôn; hiện Bộ đang xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2011-2020 theo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch cũng đang được tích cực triển khai.
Tình hình quản lý hạ tầng 6 tháng đầu năm:
- Về cấp nước đô thị: Tổng công suất thiết kế ước đạt 6,9 triệu m3/ngày đêm (tăng thêm 0,16 triệu m3/ngày đêm so cuối năm 2013); tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung bình quân đạt 79%; tỷ lệ thất thoát thất thu khoảng 26%.
- Thoát nước và xử lý nước thải: Trong 6 tháng đầu năm có thêm 4 nhà máy xử lý nước thải đi vào vận hành, với công suất ước gần 60.000m3/ngày đêm. Đến nay, ngoài hệ thống đường ống thoát nước, hiện đã có 28 trạm xử lý nước thải tập trung đang vận hành đang vận hành với tổng công suất xử lý đạt khoảng 730.000m3/ngày đêm tập trung tại 14 địa phương, còn khoảng 22 trạm xử lý nước thải chuẩn bị hoàn thành với tổng công suất 1.375.000 m3/ngày đêm.
- Thu gom xử lý chất thải rắn thông thường: Tổng lượng chất thải rắn đô thị phát sinh đạt khoảng 32.000 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 84%. Tổng lượng CTR sinh hoạt khu vực nông thôn phát sinh khoảng 31.500 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom khoảng 40-55%. Hiện trên cả nước có khoảng 26 nhà máy xử lý rác thải, còn khoảng 458 bãi chôn lấp (có 73,5% số lượng bãi không hợp vệ sinh).
1.5. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội
Bộ đã tập trung đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các văn bản QPPL, các cơ chế chính sách về nhà ở đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như: chính sách quản lý và phát triển nhà ở xã hội (Nghị đinh 188/2014/NĐ-CP); chính sách quản lý và sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (Nghị định 34/2013/NĐ-CP); chính sách quản lý và phát triển nhà ở tái định cư (Nghị đinh 84/2013/NĐ-CP); chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng (Quyết định 22/2013/QĐ-TTg); chính sách quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ (Quyết định số 695/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ 04 dự thảo: Quyết định về thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định về thí điểm chuyển đổi dự án nhà ở để bán sang nhà ở cho thuê, Đề án Hỗ trợ nhà ở phòng tránh bão cho các hộ nghèo khu vực duyên hải miền Bắc và miền Trung, Chiến lược phát triển thị trường bất động sản.
Tiếp tục đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội. Qua tổng kết về tình hình thị trường bất động sản năm 2013 và quý I/2014, Bộ đã đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường Bất động sản trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện; theo đó đã trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số giải pháp về vốn tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tại Nghị quyết số 02/NQ-CP theo hướng kéo dài thời hạn cho vay từ 10 năm lên 15 năm; tiếp tục hạ lãi xuất cho vay; mở rộng đối tượng cho vay; mở rộng các ngân hàng thương mại tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Cùng với đó Bộ đang tập trung nguồn lực, triển khai các Chương trình phát triển nhà ở trọng điểm ; tổ chức kiểm tra công tác đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội tại các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013; rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở nhằm đẩy nhanh việc phát triển nhà ở xã hội, chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu nhà ở thương mại . Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản có đà phục hồi tích cực thể hiện qua lượng giao dịch tăng, giá cả tương đối ổn định (một số dự án có giá tăng nhẹ), lượng tồn kho giảm, cơ cấu hàng hóa chuyển dịch theo hướng hợp lý hơn, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Tác dụng của Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng bước đầu đã giúp đối tượng thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để cải thiện nhà ở, đồng thời có tác động lan tỏa tới thị trường bất động sản, tuy nhiên tiến độ giải ngân vẫn còn chậm do nguồn cung còn ít, một số ngân hàng vẫn còn thận trọng trong việc xác định đối tượng vay,... Đến 31/5/2014, đã có 5.570 khách hàng được các ngân hàng cam kết cho vay với tổng số tiền đạt 4.042 tỷ đồng, đã giải ngân cho 5.543 khách hàng với dư nợ đạt 2.289 tỷ đồng.
Tiếp tục tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới tại các địa phương theo Chỉ thị số 2129/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường bất động sản .
1.6. Rà soát, tổ chức lập, điều chỉnh và thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường; thực hiện cân đối cung, cầu bình ổn thị trường VLXD
Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc nghiên cứu Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện Bộ đang tập trung nghiên cứu Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất Vôi ở Việt Nam, Quy hoạch gốm sứ xây dựng, đá ốp lát ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Đề án Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng để sử dụng trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến 2030.
Tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện các Quy hoạch: Phát triển VLXD, Phát triển công nghiệp xi măng, Khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Khoáng sản làm xi măng. Thực hiện Quy hoạch phát triển VLXD, có 47 tỉnh, thành phố thực hiện báo cáo, còn lại 11 tỉnh chưa có báo cáo; có 12 tỉnh xây dựng Quy hoạch trước năm 2008 hiện không còn phù hợp cần phải điều chỉnh, bổ sung ; Bộ đang tiếp tục đôn đốc các địa phương chưa có Quy hoạch hoặc Quy hoạch không còn phù hợp phải khẩn trương xây dựng Quy hoạch làm cơ sở cho quản lý, sản xuất VLXD trên địa bàn. Bộ cũng đã thực hiện kiểm tra các dự án xi măng ở các tỉnh miền Bắc dự kiến vận hành năm 2014, 2015 và các dự án xi măng dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2016-2020; làm cơ sở báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tiến độ, quy mô công suất và đưa ra ra khỏi quy hoạch các dự án không đủ điều kiện đầu tư nhằm đảm bảo cân đối cung cầu xi măng. Thực hiện kích cầu cho sản phẩm xi măng, giảm nhập siêu, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vân tải triển khai chương trình phát triển đường giao thông bê tông.
Tích cực triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ; đã có gần 30 tỉnh đang xây dựng Kế hoạch tăng cường sử dụng VLXKN và Lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch; hiện Bộ đang đôn đốc các địa phương còn lại khẩn trương xây dựng, ban hành và báo cáo Kế hoạch và Lộ trình thực hiện Chương trình trong quý III/2014. Ngoài ra, Bộ cũng đang đôn đốc kiểm tra các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có sử dụng amiang thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường, y tế và thực hiện Quy chuẩn Việt Nam; tiếp tục hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng nói chung và đá hoa trắng, cát nhiễm mặn ở các địa phương.
Chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế khoáng sản trong sản xuất vật liệu xây dựng, Bộ cũng đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt cơ chế thực hiện xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao của các các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn 2014-2020, định hướng đến 2030.
1.7. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thường xuyên được quan tâm; công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được chú trọng
Tập trung thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành Xây dựng đến năm 2020, với một số nhiệm vụ ưu tiên tập trung nguồn lực để triển khai như: nghiên cứu chế tạo vật liệu, phát triển công nghệ xây dựng, Nghiên cứu phát triển đô thị và xây dựng công trình có tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu, Xử lý nước, rác thải, ô nhiễm môi trường,…
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tập trung triển khai rà soát hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực Ngành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành xây dựng, hài hòa với tiêu chuẩn của các nước trên thế giới. Hiện Bộ đang tổ chức soạn thảo, hoàn thiện 10 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia .
Tiếp tục triển khai Quy hoạch phát triển ngồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ chuyên môn, công nhân kỹ thuật; Tập trung đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; ban hành bổ sung các văn bản quy định mục tiêu, chương trình đào tạo đội ngũ Khoa học - kỹ thuật và công nhân kỹ thuật xây dựng trong các trường Đại học, Trung cấp Xây dựng trực thuộc Bộ và Ngành phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH.
1.8. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trong 6 tháng đầu năm 2014, Thanh tra Bộ đã triển khai 33 đoàn thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành (thực hiện và hoàn thành hơn 60% kế hoạch); đã ban hành 27 kết luận thanh tra, trong đó đề nghị giảm trừ, thanh quyết toán, thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền khoảng 153,9 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013, đã xử phạt 05 đơn vị có sai phạm trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt là 170 triệu đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ và các Sở Xây dựng đã tập trung giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo về nhà ở, về hoạt động xây dựng, hạn chế tối đa tồn đọng, kéo dài; thực hiện tốt Quy chế tiếp dân.
1.9. Mở rộng, nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế
Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ đã nghiên cứu, đề xuất và tham gia hiệu quả vào các hoạt động hội nhập theo chỉ dạo của Chính phủ, đặc biệt là công tác hậu gia nhập WTO, hợp tác trong khối ASEAN và với các đối tác ngoài khối; tăng cường nghiên cứu, thu thập thông tin, tận dụng cơ hội, diễn đàn để tiếp cận các nhà tài trợ và vận động các dự án viện trợ không hoàn lại theo hướng ưu tiên của Chính phủ nước ngoài và phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành, gồm các dự án trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, môi trường, quảnlý phát triển đô thị, nhà ở xã hội,…
Hoạt động đối ngoại đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ngành xây dựng, đặc biệt là trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tham gia quản lý và thực hiện các dự án ODA.
Tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh và đầu tư tháng 6 và 6 tháng năm 2014 của các doanh nghiệp thuộc Bộ
Tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của các doanh nghiệp thuộc Bộ khá tốt và tương đối đồng đều ở tất cả các lĩnh vực. So với cùng kỳ năm 2013, sản xuất kinh doanh đã có mức tăng trưởng khá ở tất cả các lĩnh vực, trong đó một số lĩnh vực trước đây khó khăn nay đã có những dấu hiệu phục hồi tốt như công nghiệp vật liệu xây dựng, tư vấn, đặc biệt là sản xuất vật liệu xây dựng.
- Giá trị sản xuất kinh doanh tháng 6 ước đạt 11.080,8 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 65.766,7 tỷ đồng, bằng 48,4% so với kế hoạch năm 2014, bằng 105,2% so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể như sau:
+ Giá trị xây lắp: ước thực hiện tháng 6 đạt 4.552,3 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2014 đạt 25.380,4 tỷ đồng, bằng 49,9% so với kế hoạch năm, bằng 102,3% so với cùng kỳ năm 2013.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng (kể cả TCT Xi măng Việt Nam): ước thực hiện tháng 6 đạt 4.318,6 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2014 đạt 27.198 tỷ đồng, bằng 46,7% so với kế hoạch năm, bằng 108,3 % so với cùng kỳ năm 2013.
Năm 2013 toàn ngành công nghiệp xi măng đã sản xuất và tiêu thụ 61,15 triệu tấn xi măng và clinker, trong đó xi măng tiêu thụ nội địa đạt 46,05 triệu tấn, xuất khẩu đạt 15,1 triệu tấn clinker và xi măng (trong đó xi măng đạt 4,04 triệu tấn.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Báo cáo 50/BC-BXD.