Tới dự Hội nghị có ông Phạm Xuân Đương - Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế TW; lãnh đạo các Bộ ngành TW; đại diện các hội nghề Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế; thành viên Ban điều phối VUF qua các thời kỳ và các thành viên VUF.
Hội nghị thường niên kỳ này với chủ đề “Diễn đàn đô thị Việt Nam nâng cao hiệu lực, hiệu quả của đối thoại chính sách phát triển đô thị” đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của 102 thành viên thuộc 7 nhóm. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch VUF - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định: Hệ thống các đô thị Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, với 770 đô thị các loại trên toàn quốc, đóng góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của cả nước. Diện mạo các đô thị ngày càng tươi đẹp, nhiều khu đô thị mới được xây, nhiều công trình xứng tầm khu vực được hoàn thành, khiến các đô thị Việt Nam xứng đáng là hạt nhân, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, các đô thị Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, nguyên nhân trước hết là thể chế (các văn vản pháp lý liên quan tới xây dựng nói chung và phát triển đô thị nói riêng chưa phù hợp với mục tiêu tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước và thu hút sự tham gia của các chủ thể vào quá trình phát triển). Một nguyên nhân nữa là phát triển thiếu quy hoạch kế hoạch; hiếu những tính toán cụ thể nhằm phát triển đô thị theo lộ trình dài hạn, trung và ngắn hạn; do đó các hiện tượng dự án treo, đất bỏ hoang vẫn tồn tại, gây lãng phí cho xã hội và bức xúc cho người dân. Bộ trưởng cho biết: nhằm khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đang tập trung đổi mới quy hoạch, nghiên cứu quy hoạch vùng không gian thay vì quy hoạch theo địa giới hành chính. Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về Quản lý đầu tư phát triển đô thị do Bộ tham mưu cho Chính phủ đã thể hiện một quan điểm mới về phát triển đô thị có kế hoạch. Ngoài ra, các bộ luật như Luật Xây dựng (Quốc hội vừa thông qua), Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội đều do Bộ đề xuất chủ trì và sẽ là những công cụ đắc lực trong quản lý phát triển đô thị.
Trong bối cảnh chung đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá rất cao chủ đề của Diễn đàn Đô thị kỳ này. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: đô thị hóa cần chú trọng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Đây chính là quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ trong phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, luôn lấy con người làm trọng tâm. Bộ trưởng cũng đề nghị thời gian tới VUF đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của mình, tập trung vào những vấn đề khoa học mang tính thời đại (tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu…).
Phát biểu chào mừng Hội nghị, bà Victoria Kwakwa dành những lời cám ơn đặc biệt cho Bộ Xây dựng trong vai trò Chủ tịch Diễn đàn. Bà cũng đánh giá rất cao công tác quy hoạch tăng trưởng không gian của Việt Nam, nhờ đó đất nước đã tránh được những tác động tiêu cực của tiến trình đô thị hóa (thất nghiệp, đói nghèo, sự hình thành các khu nhà ổ chuột). Trong quá trình này - theo bà V.Kwakwa - Việt Nam cần học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Singapore, và các quốc gia khác trên thế giới. Và vai trò của VUF, của Bộ Xây dựng thời điểm này là rất quan trọng. WB đang và sẽ luôn đồng hành cùng VUF, cùng Bộ Xây dựng và các đối tác khác tại các địa phương của Việt Nam trong việc tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư xây dựng hạ tầng...Cụ thể, hiện nay WB đang thực hiện dự án đầu tư phát triển đô thị 07 tỉnh miền núi phía Bắc.
Chủ tịch, đồng Chủ tịch và các thành viên Ban điều phối VUF chụp ảnh lưu niệm
Tại Hội nghị kỳ này, 06 thành viên mới của VUF đã được trao chứng chỉ công nhận thành viên. Hội nghị cũng thông qua Quyết định kiện toàn Ban điều phối VUF, và thông qua Kế hoạch chiến lược của VUF giai đoạn 2014 – 2020.
Trong các phiên họp, các đại biểu tham dự Hội nghị cùng thảo luận các chính sách đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam; đẩy mạnh vai trò của các đối tác và các bên liên quan trong đối thoại chính sách phát triển đô thị; cơ hội và thách thức mới cho VUF…
Phòng TT-TL