Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực địa lý có nhiều thiên tai, nền địa chất yếu phức tạp, khí hậu biến đổi gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến các việc khai thác, xây dựng, vận hành các công trình xây dựng quan trọng của đất nước. Công nghệ giải pháp xử lý gia cố nền móng cùng nhận thức trong các khâu tư vấn thiết kế, kết cấu chống sụt lún tại nước ta trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng một số công trình cơ sở hạ tầng, công trình công nghiệp, dân dụng bị nứt, lún, sụt, lở, sói mòn…
Theo ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch BTC hội thảo cho rằng: “Phát triển mạnh mẽ luôn tiền ẩn nguy cơ không bền vững, là một thách thức đối với Quốc Gia và cuộc sống của con người. Đặt ra cho Chính phủ, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nhiệm vụ vô cùng quan trọng là thúc đẩy phát triển nhưng phải ngăn chặn mọi nguy cơ dẫn đến không bền vững. Các nhà khoa học, các doanh nghiệp chuyên ngành địa kỹ thuật nói chung, các nhà tư vấn các nhà thầu chuyên ngành nền móng và công trình ngầm nói riêng không thể đứng ngoài nhiệm vụ đó. Đội ngũ này cần chủ động tiếp cận và áp dụng công nghệ hiện đại từ các nước vào trong từng hoạt động cụ thể. Quan trọng nhất là chúng ta phải tìm cách rút ngắn khoảng cách công nghệ khoa học giữa Việt Nam và các nước phát triển trong lĩnh vực này. Nếu vận dụng thành tựu công nghệ địa kỹ thuật hiện đại vào xây dựng thì 3 tiêu chí: nhanh, hiệu quả , bền vững sẽ được đảm bảo”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Cao Lại Quang đánh giá: Địa kỹ thuật là chuyên ngành có vai trò quan trọng đảm bảo sự bền vững của các công trình xây dựng. Trước nhu cầu đổi mới hội nhập của đất nước, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản công trình hạ tầng kỹ thuật phát triển, nhiều công trình xây dựng có tiến bộ và chất lượng được nâng cao. Trong đó có sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia ngành địa kỹ thuật trong ứng dụng, thiết kế, thi công công trình có điều kiện phức tạp. Tuy nhiên, ngành khoa học này còn nhiều khó khăn thách thức, nhiều vấn đề cần giải quyết trong tất cả các khâu khảo sát, thiết kế, giải quyết sự cố, chính sách cơ chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng. Nhu cầu đỏi hỏi về sự nghiên cứu và đạo tạo không ngừng trong thực tiễn. Thứ trưởng chỉ đạo các kết quả của hội thảo cần được phổ biến và nhân rộng nhằm mục đích nâng cao năng lực chuyên gia địa kỹ thuật Việt Nam.
Tại hội thảo ấn phẩm GEOTECHNICS For Sustainable Development gần 1000 trang bằng tiếng Anh lần đầu tiên về chuyên ngành địa kỹ thuật đã được phát hành, được giới chuyên gia và các nhà khoa học đánh giá là tài liệu quý giá của ngành địa kỹ thuật của Việt Nam và thế giới.
Nội dung của hội thảo tập trung vào 06 (sáu) chủ đề chính: (1) gia cố và cải tạo nền đất yếu; (2) nền móng công trình; (3) đường hầm và không gian ngầm; (4) địa kỹ thuật môi trường và phát triển bền vững; (5) mô hình hóa, thiết kế và quan trắc địa kỹ thuật; (6) các công trình địa kỹ thuật tiêu biểu. Hoạt động bên lề gồm 18 gian hàng triển lãm giới thiệu các thương hiệu và công nghệ thiết bị mới nhất của các doanh nghiệp quốc tế về địa kỹ thuật và xử lý nền móng đến các đại biểu trong nước. Các chuyên đề hội thảo và gian hàng xúc tiến thương mại tiếp tục diễn ra trong chiều này và cả ngày mai.
Theo : Báo Xây dựng điện tử