Sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm 2006 của khối doanh nghiệp thuộc bộ xây dựng
Trong 7 tháng đầu năm 2006, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tiếp tục ổn định và có tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2005.
Sản xuất - kinh doanh của các đơn vị trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2006 tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2005. Giá trị sản xuất - kinh doanh tháng 7 đạt 6.044 tỷ đồng, 7 tháng đầu năm 2006 đạt 39.068 tỷ đồng bằng 53,2% kế hoạch năm, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2005.
Trong đó, giá trị xây lắp ước thực hiện tháng 7 đạt 2.951 tỷ đồng, 7 tháng đầu năm đạt 18.534 tỷ bằng 52% so với kế hoạch năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2005. Một số đơn vị như Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng,.. có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2005.
Giá trị sản xuất công nghiệp và VLXD của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng kể cả Tổng công ty xi măng Việt Nam ước thực hiện tháng 7 đạt 2.016 tỷ đồng, 7 tháng đầu năm đạt 13.511 tỷ bằng 56,2% kế hoạch năm, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2005. Một số sản phẩm có mức đạt khá như: Kính các loại đạt 59,5%, gạch chịu lửa - 76,4%, thép xây dựng - 60,5%,…
Xi măng toàn Ngành sản xuất tháng 7 đạt 2,528 triệu tấn, 7 tháng đầu năm đạt 18,133 triệu tấn, bằng 56,7% kế hoạch năm, tiêu thụ 7 tháng đạt khoảng 18 triệu tấn bằng 56,4% kế hoạch năm. Riêng Tổng công ty xi măng sản xuất 7 tháng đầu năm đạt 7,837 triệu tấn bằng 57,8% kế hoạch năm, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2005.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện đầu tư 7 tháng đầu năm 2006 đạt khoảng 1.234 tỷ đồng, bằng 74,5% so với kế hoạch năm 2006. Trong đó Dự án Trung tâm hội nghị quốc gia thực hiện đầu tư đạt 1.190 tỷ đồng bằng 79% kế hoạch năm, các dự án khác đạt 44 tỷ đồng bằng 28,3% kế hoạch năm.
Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia được ghi kế hoạch đầu tư năm 2006 là 1.500 tỷ đồng, vốn đã cấp cho Dự án bằng 1.952,3 tỷ, còn cần khoảnge 830 tỷ đồng để kết thúc dự án.
Tính đến nay công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia đã hoàn thành được khoảng 90% khối lượng công việc. Luỹ kế giải ngân dự án đạt 2.350 tỷ đồng. Từ đầu năm 2006 đến nay đã giải ngân được 819,3 tỷ đồng trên tổng số vốn 1.909 tỷ.
Mặc dù còn nhiều việc phải làm nhưng Bộ Xây dựng sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị quyết tâm hoàn thành công trình theo đúng mục tiêu, tiến độ đã được phê duyệt, đảm bảo vào ngày 30/9/2006 sẽ hoàn thành, bàn giao công trình để chuẩn bị phục vụ Hội nghị APEC.
Nguồn vốn dành cho thiết kế quy hoạch là 19.500 triệu đồng, được phân bổ cho 17 dự án khảo sát quy hoạch xây dựng và 02 dự án phát triển ngành. Thực hiện đầu tư 7 tháng đầu năm đạt 8,5 tỷ đồng bằng 44% kế hoạch.
Đối với các nguồn vốn khác ước thực hiện 7 tháng đạt 9.253 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2005.
Thực hiện đầu tư của các doanh nghiệp vẫn tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở, xi măng, nhà máy điện, giao thông, khu công nghiệp, đổi mới trang thiết bị thi công,…
Ước thực hiện nhập khẩu tháng 7 đạt 47,8 triệu USD, 7 tháng đầu năm đạt 314,8 triệu USD bằng 38,3% kế hoạch năm, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2005, nhập khẩu chủ yếu vẫn là máy móc thiết bị và clinke.
Xuất khẩu tháng 7 đạt 9,2 triệu USD, 7 tháng đầu năm đạt 53,9 triệu USD bằng 42,2% kế hoạch năm, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2005.
Tình hình giải ngân 6 tháng đầu năm 2006 các dự án ODA do Bộ Xây dựng trực tiếp quản lý, vốn giải ngân đạt 31% và phần vốn đối ứng đạt 35% kế hoạch năm.
Việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 7 tháng qua đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân như sau:
- Hầu hết các dự án đều gặp khó khăn về thu xếp vốn, trước hết do vốn tự có của doanh nghiệp không đủ để đảm bảo đối ứng, một số dự án phải chờ các ngân hàng hợp vốn thẩm định, chưa thu xếp được nguồn vốn, như thuỷ điện Đăk Rtil, thuỷ điện Nậm Chiến.
- Việc lập hồ sơ xin phép khai thác mỏ đá vôi và đất sét cũng như việc cấp giấy phép khai thác mỏ còn chậm so với tiến độ thực hiện dự án. Công việc này phải trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục, kéo dài thời gian.
- Nhiều dự án do Tổng công ty điện lực Việt Nam EVN làm chủ đầu tư còn nợ đọng lớn kể cả các dự án Thuỷ điện Sơn La và Thuỷ điện Tuyên Quang và một số dự án được thực hiện theo cơ chế ban hành tại văn bản 797/CP-CN ngày 17/6/2003 và số 400/CP-CN ngày 13/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân là do một số dự án chậm phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán nên chưa ký được hợp đồng nhưng để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, các nhà thầu vẫn phải tổ chức thi công, đảm bảo tiến độ.
- Thời gian qua sự chững lại của thị trường bất động sản, sự thay đổi cơ chế chính sách về đất đai, đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của hầu hết các dự án phát triển hạ tầng và khu đô thị. Ví dụ, một số dự án khu đô thị mới Xuân Phương, Tây Nam Kim Giang, Tây Nam Linh Đàm đã được Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD hoàn thành chuẩn bị đầu tư nhưng chưa được thành phố giao làm chủ đầu tư do phải chờ UBND thành phố Hà Nội ban hành cơ chế đấu thầu dự án khu đô thị mới, đấu giá quyền sử dụng đất, thay cho cơ chế giao đất để thực hiện dự án.
Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nêu trên tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2006 cần thực hiện những giải pháp và kiến nghị sau:
- Đề nghị Chính phủ cho phép lựa chọn và chỉ định các tổ hợp nhà thầu đối với các dự án xi măng, tuỳ từng dự án cụ thể, như đã áp dụng đối với ngành thủy điện; đối với một số chủ đầu tư có năng lực xây dựng, lắp đặt, gia công chế tạo thiết bị trong nước phù hợp với tính chất và quy mô của gói thầu, hạng mục công trình của dự án được áp dụng hình thức tự thực hiện và giao cho Chủ tịch Hội đồng quản trị các Tổng công ty tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng, hiệu quả dự án.
- Một số chủ đầu tư các nhà máy xi măng trước đây đã đầu tư xây dựng một hoặc hai dây chuyền nay đầu tư mở rộng thêm dây chuyền tiếp theo có cùng công suất, công nghệ, thiết kế các hạng mục xây dựng trong dây chuyền tương tự, được phép tổ chức đấu thầu phần xây dựng trên cơ sở thiết kế sơ bộ có tham khảo thiết kế, khối lượng của dây chuyền cũ đã đầu tư và vận dụng thực hiện các hình thức hợp đồng cho phù hợp với từng loại công việc cụ thể cũng như về đơn giá sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
- Đề nghị Bộ Tài chính bố trí bổ sung đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA thuộc Bộ Xây dựng theo kế hoạch năm 2006 đã đăng ký.
- Đề nghị các ngân hàng rút ngắn thời gian thu xếp vốn và thẩm định các dự án nhất là đối với các dự án đầu tư về xi măng, thuỷ điện.
- Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu rút ngắn thủ tục về cấp phép thăm dò, khảo sát và cấp phép khai thác các mỏ nguyên liệu đá vôi và đá sét cho các nhà máy xi măng mới đảm bảo thời gian kịp phục vụ sản xuất.
- Đề nghị Tổng công ty Điện lực Việt Nam EVN khẩn trương phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán các dự án thuỷ điện đang áp dụng cơ chế ban hành tại văn bản 797/CP-CN ngày 17/6/2003 và số 400/CP-CN ngày 13/3/2004 để có căn cứ ký hợp đồng với các nhà thầu. Nghiên cứu, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong việc ký hợp đồng mua bán toàn bộ sản lượng điện theo giá đồng thời có cơ chế, thoả thuận riêng về giá điện đối với một số dự án thuỷ điện do các doanh nghiệp ngoài EVN đầu tư, có các điều kiện và ưu thế kém hơn so với các công trình do EVN đầu tư.
H. Phước
Nguồn tin: Hội nghị giao ban Bộ Xây dựng, tháng 8/2006