Theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài, để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng, Chính phủ đã quy hoạch sử dụng năng lượng nguyên tử trong thời gian sau năm 2010, định hướng tới năm 2030, và dự kiến xây dựng tại Ninh Thuận 2 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất khoảng 4000MW ngay trong giai đoạn 2015-2020. Vật liệu sử dụng trong thi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngoài một số vật liệu truyền thống còn sử dụng các loại đặc thù nhằm đảm bảo vệ sinh học tránh các nguồn bức xạ. Tỷ trọng lớn trong các vật liệu đó là bê tông. Do đó, xác định nguồn vật liệu -đặc biệt là cốt liệu, chiếm đến 70-80% khối lượng bê tông) tại Ninh Thuận, phân tích và đánh giá khả năng sử dụng chúng trong chế tạo các loại bê tông xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận là rất cần thiết. Đề tài đựơc nghiên cứu với các mục tiêu cơ bản: khảo sát nguồn cốt liệu tại Ninh Thuận, trên cơ sở đó xác định các tính chất cơ, lý, hoá của cốt liệu; đề xuất hướng dẫn lựa chọn thành phần bê tông xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam; thông qua dự thảo tiêu chuẩn TCVN: 2011 - Hướng dẫn thi công và nghiệm thu bê tông dùng xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Tại cuộc họp, các ủy viên phản biện và thành viên của Hội đồng đã nhất trí : đề tài được nghiên cứu nghiêm túc, các kết quả khảo sát thử nghiệm rất khả quan. Hội đồng đã thảo luận với nhóm tác giả về một số thuật ngữ, câu chữ chưa phù hợp, đồng thời nêu ý kiến để các tác giả nghiên cứu kỹ hơn các báo cáo đã làm trước đây, tham khảo sâu hơn công nghệ và kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân của các nước, đặc biệt là Nga (do nhà máy Ninh Thuận 1 dự kiến sẽ áp dụng công nghệ của Nga), tập trung nghiên cứu thành phần bê tông cản xạ - đặc thù cho nhà máy điện hạt nhân.
Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng – TS. Nguyễn Trung Hoà đã đánh giá cao những cố gắng của nhóm tác giả trong việc nghiên cứu đề tài này. Để Dự thảo tiêu chuẩn sớm hoàn thiện và được áp dụng rộng rãi, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu nhóm tác giả tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, hoàn chỉnh dự thảo trước tháng 9/2011 để trình Bộ KHCN thẩm định và ban hành. Đề tài được nghiệm thu với kết quả Xuất sắc.
Lệ Minh