Căn cứ quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, cả nước đã có trên 600 sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động (riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 263 sàn). Trong thời gian qua các sàn giao dịch bất động sản đã phát huy được vai trò là cầu nối giữa người mua và người bán, góp phần để thị trường bất động sản ngày một công khai và minh bạch. Tuy nhiên, giao dịch bất động sản qua sàn là mô hình mới nên có sàn giao dịch hoạt động tốt, chấp hành đúng các quy định của pháp luật, bên cạnh đó cũng có một số sàn hoạt động chưa tốt, chưa hiệu quả; quy mô, năng lực và chất lượng dịch vụ của các sàn cũng khác nhau. Để đánh giá đúng năng lực của các sàn giao dịch bất động sản, giúp khách hàng nhận biết được chất lượng dịch vụ các sàn để lựa chọn nơi cung cấp dịch vụ khi thực hiện mua bán bất động sản, Bộ Xây dựng đã giao cho Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nghiên cứu, đề xuất giải pháp để có thể phân hạng các sàn giao dịch bất động sản phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như cung cấp thông tin tốt hơn về các Sàn giao dịch bất động sản cho người dân. Hiện nay, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đang trong quá trình nghiên cứu và chưa trình dự thảo văn bản lên Lãnh đạo Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Báo Lao động và một số cơ quan thông tin đại chúng thì ngày 22/9/2010 Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo giới thiệu, lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn phân hạng sàn giao dịch bất động sản, trong khi Bộ Xây dựng chưa có văn bản gửi các cơ quan có liên quan lấy ý kiến góp ý chính thức. Bộ Xây dựng không biết Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh lấy dự thảo văn bản từ nguồn nào và Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cũng không thông báo cho Bộ Xây dựng biết về việc tổ chức Hội thảo. Chính từ việc tổ chức Hội thảo một cách vội vàng, dự thảo văn bản chưa có ý kiến chính thức của Bộ Xây dựng, thiếu sự phối hợp đã dẫn đến việc cung cấp thông tin sai lệch cho doanh nghiệp và các cơ quan thông tin đại chúng để các cơ quan thông tin đại chúng trích dẫn thông tin không đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Xây dựng.
Bộ Xây dựng luôn coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp và của người dân trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì soạn thảo. Đặc biệt đối với Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương lớn thì hầu hết khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Xây dựng đều có văn bản đề nghị UBND Thành phố hoặc Sở Xây dựng Thành phố đóng góp ý kiến. Những ý kiến của Thành phố đều được tiếp thu. Tuy vậy, việc góp ý cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải thông qua con đường chính thức và với ý thức xây dựng.
Bộ Xây dựng đã đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra sự việc và yêu cầu các cơ quan tổ chức Hội thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm và đính chính trên phương tiện thông tin đại chúng về cuộc Hội thảo.
Theo : Báo Xây dựng điện tử