Đây là đề án lớn có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất là trong giai đoạn hiện nay khi tình hình quản lý, phát triển đô thị ở nước ta đang còn nhiều bất cập, tồn tại. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do hệ thống chính quyền các đô thị chưa đủ năng lực kiểm soát hiệu quả tiến trình đô thị hoá; lực lượng cán bộ, công chức hành chính nhà nước các cấp (trong đó phần lớn là cán bộ lãnh đạo chính quyền phụ trách về phát triển đô thị) không có trình độ chuyên môn về lĩnh vực xây dựng, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển của các đô thị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế thế giới. Đề án này đã nhận được nhiều đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm, trí tuệ và dân chủ của tập thể Lãnh đạo Bộ. Các ý kiến tập trung vào những hướng đi, cách làm mới có tính đột phá cũng như các lựa chọn mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, nội dung và thời gian thực hiện... Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã hoàn thành dự thảo trong thời gian ngắn nhưng đây là đề án lớn có tầm ảnh hưởng quan trọng cần nhiều điều tra xã hội học nên không tránh khỏi một số điểm chưa phù hợp...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, đây là việc làm tương đối khó nhưng chúng ta phải cố gắng thực hiện, phải nghiên cứu kỹ để xây dựng một đề án đào tạo cán bộ quản lý đô thị có tính thực tiễn cao. Bộ trưởng cũng yêu cầu đề án phải chỉ ra được sự cần thiết phải đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý đô thị; phải phân tích rõ tình hình, thực trạng đô thị của chúng ta ra sao, tình trạng quản lý đô thị như thế nào... Hiện nay, đô thị Việt Nam được đánh giá là phát triển tự phát mà nguyên nhân chính là do người quản lý không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, họ chủ yếu do dân bầu Đảng cử. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho đề án của Học viện là rất lớn.
Bộ trưởng cho rằng để làm tốt đề án này thì Ban soạn thảo phải học tập kinh nghiệm của các nước khác trên thế giới về quản lý đô thị, xem họ làm như thế nào và phải trả lời cho được các câu hỏi: Chúng ta đào tạo cho ai, Đào tạo cái gì, Đào tạo như thế nào và kinh phí đào tạo là bao nhiêu?
Về nội dung đào tạo: Chương trình phải linh hoạt, bài giảng phải có tầm nhìn chiến lược, tập trung vào chuyên môn của người quản lý. Quản lý đô thị phải theo quy hoạch để mang tính đồng bộ: mật độ dân cư, khu chức năng, ... Chúng ta không phát triển đô thị theo ý chí của người nào.
Các đại biểu tin tưởng nếu đề án “Nâng cao năng lực về quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho cán bộ lãnh đạo, chuyên môn chính quyền đô thị các cấp” sớm được thông qua sẽ góp phần giải quyết những bất cập và tồn tại trong quản lý phát triển đô thị, tăng cường vai trò của nhà nước trong việc thực hiện “Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị