Tham dự Hội nghị có các thành viên của Hội đồng thẩm định gồm đại diện của Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan; các Hội, Hiệp hội chuyên ngành; đại diện lãnh đạo của các tỉnh, thành phố trong phạm vi nghiên cứu của Đồ án quy hoạch.
Tại Hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn - Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam (Viwase) đã báo cáo về các nội dung cơ bản của Đồ án. Theo đó, Đồ án “Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu dân cư, khu công nghiệp lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030” có phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ diện tích lưu vực sông Đồng Nai (khoảng 47.000 ha), thuộc ranh giới hành chính của 12 tỉnh/thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận), đối tượng lập quy hoạch đối với khu vực đô thị và khu công nghiệp là quy hoạch về thoát nước và xử lý nước thải, đối với khu dân cư tập trung nông thôn là định hướng về thoát nước và xử lý nước thải.
Theo báo cáo của tư vấn, việc lập “Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu dân cư, khu công nghiệp lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030” là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai dẫn tới nhu cầu tiêu dùng nước và lượng nước thải rất lớn và ngày càng tăng; hệ thống thoát nước, xử lý nước thải của các tỉnh, thành phố, trong các khu công nghiệp, khu dân cư mặc dù đã được quan tâm đầu tư những vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, và ngày càng quá tải; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng có những tác động tiêu cực đến môi trường của khu vực nghiên cứu. Bên cạnh đó, Đồ án quy hoạch này còn là một bước để cụ thể hóa Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để thực hiện Đồ án quy hoạch, đơn vị tư vấn đã tiến hành các nghiên cứu cơ bản về hệ thống sông Đồng Nai và hiện trạng thoát nước và xử lý nước thải trong vùng lưu vực của hệ thống sông này. Trên cơ sở cập nhật các quy hoạch kinh tế - xã hội và các quy hoạch chuyên ngành, các dự án đã và đang triển khai trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, đánh giá hiện trạng thoát nước, thu gom xử lý nước thải, (nước mưa, nước thải công nghiệp, nước thải y tế) của các khu công nghiệp, khu dân cư, mức độ ô nhiễm nước mặt … của các địa phương trong phạm vi nghiên cứu, đơn vị tư vấn đã đề xuất các giải pháp quy hoạch cho các khu vực tiêu úng, quy hoạch thoát nước mưa, thoát nước và xử lý nước thải khu dân cư, nước thải khu công nghiệp, nước thải y tế… cho từng khu vực và các đô thị chính trong vùng. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn cũng đề xuất một số công nghệ xử lý nước thải phổ biến cũng như những dự án ưu tiên đầu tư đối với các tỉnh, thành phố trong phạm vi quy hoạch giai đoạn từ nay đến 2020 và từ 2020 đến 2030, trên cơ sở số liệu hiện trạng và số liệu dự báo tổng lượng xả thải ứng với từng giai đoạn.
Tại Hội nghị, Hội đồng thẩm định đã nghe các báo cáo phản biện và ý kiến đóng góp của đại diện các địa phương, ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành hữu quan và giải trình của đơn vị tư vấn. Nhìn chung các báo cáo phản biện và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị nhất trí đánh giá, đơn vị tư vấn đã thực hiện Đồ án một cách nghiêm túc, công phu, đồng thời chia sẻ với những khó khắn của đơn vị tư vấn vì đây là một đồ án quy hoạch khá phức tạp, phạm vi nghiên cứu rộng, liên quan đến nhiều địa phương và mang tính chất của một quy hoạch vùng. Bên cạnh những nội dung cơ bản đã đạt được, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ quy hoạch đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, các đại biểu cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến cho đơn vị tư vấn để hoàn thiện Đồ án, giúp cho Đồ án có tính khả thi cao hơn. Theo đó, nhiều ý kiến phát biểu để nghị đơn vị tư vấn cập nhật những quy hoạch mới, những số liệu mới của các địa phương, phân tích kỹ hơn về hiện trạng thoát nước và xử lý nước thải trong khu vực, hiệu quả của các dự án đã đầu tư để chỉ ra những bất cập về công tác đầu tư, quản lý vận hành… từ đó đề xuất những giải pháp có tính thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, trong đồ án cần phải đưa ra được những kiến nghị hết sức cụ thể về các nhóm giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Cao Lại Quang đồng tình với các ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành và các địa phương, đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu và bổ sung vào Đồ án quy hoạch. Cụ thể, Thứ trưởng Cao Lại Quang yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp các địa phương có liên quan tiến hành rà soát, cập nhật các số liệu, các quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt; phân tích kỹ hơn hiện trạng thoát nước và xử lý nước thải trong khu vực nghiên cứu, làm rõ những bất cập và nguyên nhân; bổ sung các giải pháp thực hiện quy hoạch; bổ sung phần kiến nghị cho cụ thể hơn sâu sắc hơn; loại bỏ một số nội dung quá chi tiết và chỉ đề xuất các nội dung quy hoạch mang tính định hướng và các dự án hạ tầng kỹ thuật có tính chất vùng, liên vùng.
Thứ trưởng Cao Lại Quang cũng chỉ đạo Cục Hạ tầng kỹ thuật phối hợp với đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thiện đồ án và các hồ sơ, thủ tục liên quan để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2014.
Minh Tuấn