Hội thảo về Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi

Thứ ba, 27/08/2013 12:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 26/8, Vụ trưởng Vụ Quản lý động xây dựng – Bùi Trung Dung đã chủ trì cuộc Hội thảo với Hiệp hội tư vấn xây dựng Việt Nam (VECAS) về Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi.

Đổi mới phương thức quản lý dự án đầu tư xây dựng được nhiều đại biểu quan tâm.

Cần minh bạch việc thi tuyển thiết kế KTXD

Phát biểu tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Luật Xây dựng (sửa đổi). Theo Ban Soạn thảo Luật Xây dựng sửa đổi thì quá trình thực thi Luật Xây dựng hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế đòi hỏi phải sửa đổi. Do đó, Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã có sự đổi mới về một số khái niệm, khẳng định lại trình tự đầu tư xây dựng theo pháp luật và các vấn đề khác cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Ông Bùi Trung Dung, Vụ Trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng cho biết, Luật Xây dựng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2004. Qua gần 9 năm triển khai, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ đã đi vào cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kể cả trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng cũng như hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện cần phải sửa đổi. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng là hết sức cần thiết và cấp bách.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, TGĐ TCty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam cho rằng, hiện nay để thực hiện được quyền của tổ chức tư vấn là chưa được đảm bảo, đề nghị Ban Soạn thảo làm rõ quyền và trách nhiệm giữa người làm tư vấn với chủ đầu tư công trình.

Luật Xây dựng hiện hành cũng chỉ rõ, nhà thầu tư vấn có quyền kiến nghị về việc thi công sai thiết kế với chủ đầu tư, nhưng trong thực tế không phải lúc nào cũng nào làm được điều này.

Chúng tôi ủng hộ việc thành lập BQLDA chuyên nghiệp, từ thực tế đã cho thấy BQLDA được lập ra do chủ đầu tư, họ không có năng lực, chuyên môn nên việc xảy ra rủi ro là rất lớn.

Ông Vũ Hữu Hòa, TCty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) kiến nghị: Ban Soạn thảo cần bổ sung, làm rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của “Người quyết định đầu tư” trong quản lý, giám sát quá trình đầu tư xây dựng. Kèm theo các điều kiện để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động quản lý, giám sát này.

Ví dụ như việc Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đối với các dự án trọng điểm đồng thời cũng quy định việc lập và phê duyệt dự toán kinh phí hoạt động đưa vào chi phí quản lý dự án.

Tại bản dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng lần này cũng còn nhiều ý kiến, TS.KTS Bùi Duy Nghĩa, Giám đốc Cty Đầu tư và phát triển công trình du lịch cho rằng, về việc quy định thẩm định thiết kế cơ sở; thiết kế kỹ thuật; thiết kế bản vẽ thi công phải được “cơ quan chuyên môn về xây dựng” thẩm định. Ở đây ngôn từ thẩm định hay thẩm tra cần làm rõ hơn...

Tôi cũng vui mừng vì Dự thảo Luật Xây dựng lần này đã khôi phục lại việc phải thẩm định thiết kế cơ sở và vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, vì đã nhận thấy phần thiết kế cơ sở là cốt lõi của dự án.

Xung quanh vấn đề “Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp” cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến. Ông Nguyễn Vũ Tùng, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH NN MTV Khảo sát và Xây dựng (USCo) kiến nghị, cần sửa lại tại mục 2 khoản đ điều 58: Bảo đảm an toàn cho người, thiết bị và các loại công trình xung quanh trong khu vực khảo sát.

Ông Nguyễn Quốc Toán, Viện thiết kế Bộ Quốc phòng cho rằng, tại Điều 70, Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi về việc Thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng vẫn chưa rõ ràng, cụ thể. Hiện nay, Chính phủ mới quy định một số điều khoản nhưng cũng chưa thể hiện tính minh bạch, khách quan. Đề nghị Ban Soạn thảo lưu ý vấn đề này.

Tăng cường kiểm soát, quản lý CLXD ở tất cả các khâu

Phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng được áp dụng đối với nhiều đối tượng sử dụng mọi nguồn vốn, kể cả xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình đến các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, nhiều đại biểu tham dự cuộc họp đã rất tích cực trong việc đóng góp những ý kiến đầy tâm huyết với kỳ vọng Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ góp phần giải quyết những bất cập, khó khăn vướng mắc của Luật Xây dựng năm 2003, tạo hành lang pháp lý phù hợp với luật và thông lệ quốc tế để tăng cường hơn nữa hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng - một lĩnh vực chiếm tới 70% tổng mức đầu tư xã hội.

Tổng giám đốc Cty CP Tư vấn & Xây dựng 307 Trần Đức Minh đề nghị: Ban Soạn thảo cần làm rõ hơn nội dung về công tác thẩm tra. Tiến độ thực hiện dự án là vấn đề rất quan trọng, nhiều khi công tác chuẩn bị thực hiện dự án kéo dài gấp 3-4 lần kế hoạch đề ra. Vì vậy, cần phải quy rõ trách nhiệm cho từng đơn vị tham gia công trình nếu để xảy ra chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam cho biết: Trong dự thảo Luật Xây dựng nêu quá nhiều quyền của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp trong khi đó vai trò của nhân dân (chủ sở hữu) còn lờ mờ, chưa rõ ràng. Chính những quy định lầm tưởng này đã đẻ ra cơ chế xin cho, quan liêu, bao cấp và tham nhũng trong hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng.

“Nội dung thẩm định thiết kế nên quy định trong Luật làm sao đầy đủ được mà nên quy định trong các văn bản hướng dẫn thực hiện theo từng loại dự án (xây dựng dân dụng, giao thông, công nghiệp, năng lượng, hạ tầng kỹ thuật...). Tại Điều 65, Điều 66, Điều 67, nên chuẩn hóa cách viết các cụm từ: Chủ đầu tư, nhà thầu, nhà thầu tư vấn, thiết kế, thẩm tra thiết kế...” - ông Châu kiến nghị thêm.

Kết thúc buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ quản lý hoạt động xây dựng ông Bùi Trung Dung cho biết: Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để làm rõ hơn nữa vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước, để nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát nguồn vốn nhà nước, bởi đầu tư xây dựng chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó vốn nhà nước chiếm khoảng 40%.

Ban Soạn thảo cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục làm rõ, cụ thể hơn các quy định liên quan đến vấn đề tư vấn thiết kế, môi trường tư vấn, cụ thể hóa nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, việc thanh tra, kiểm tra xử lý tranh chấp… theo đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện hơn nữa Luật Xây dựng (sửa đổi).

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)