Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Đình Dũng đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà và rất hoan nghênh Bộ Xây dựng đã tổ chức một Hội nghị giao ban các Sở Xây dựng tại Vĩnh Phúc, coi đây là cơ hội để Vĩnh Phúc trao đổi và học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn. Sự chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng sẽ giúp cho tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan quản lý ngành Xây dựng Vĩnh Phúc nắm bắt rõ hơn các công việc cần giải quyết để đưa ngành Xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng phát triển.
Tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất của cả nước, là tỉnh có quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra nhanh chóng, trong đó công nghiệp và dịch vụ hiện chiếm xấp xỉ 84%, nông nghiệp khoảng 16%. Trong những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã thu hút được một nguồn vốn đầu tư FDI lớn và trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 7 toàn quốc và đứng thứ 3 miền Bắc, sau Hà Nội và Hải Phòng. Tốc độ thu ngân sách của tỉnh cũng liên tục tăng cao, năm 2008 đạt 9.200 tỷ đồng, tỷ lệ thu nội địa đứng thứ 5 toàn quốc và thứ 2 miền Bắc. Chi ngân sách cho đầu tư phát triển đứng thứ 4 cả nước và đứng thứ 3 miền Bắc. Trong quá trình phát triển nhanh chóng của mình, tỉnh Vĩnh Phúc gặp một số tồn tại đang là trở ngại lớn cho phát triển bền vững: tốc độ tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng còn thấp, thiếu vững chắc; sự phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài (hiện chiếm khoảng 60%); hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông còn manh mún, chắp vá; những vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, rác thải và một số vấn đề xã hội diễn biến trong quá trình phát triển nếu không được quan tâm đúng mức sẽ trở thành những nhân tố cản trở quá trình phát triển và phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, lãnh đạo một số Sở Xây dựng như Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Hoà Bình… đã đăng đàn trình bày về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương và kiến nghị một số sửa đổi về cơ chế chính sách xây dựng. Ví dụ như, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đối với dự án giao thông đi qua nhiều địa phương khác nhau không thống nhất gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng; trình tự thủ tục lập nhiệm vụ quy hoạch còn rườm rà cần được rút ngắn hơn; vốn cho công tác lập quy hoạch ở một số địa phương chưa được bố trí đáp ứng yêu cầu; khó khăn về biên chế và trình độ cán bộ…
Tại Hội nghị này, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng như Vụ Kiến trúc Quy hoạch, Vụ Vật liệu xây dựng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã giải đáp và hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc cụ thể trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng tại các địa phương đồng thời cũng tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của các địa phương để sửa đổi, ban hành mới một số văn bản hướng dẫn sát với thực tiễn hơn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã đánh giá cao những cố gắng của các Sở Xây dựng trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình tại các địa phương. Bộ trưởng cũng yêu cầu các Sở Xây dựng cần nghiên cứu thật kỹ, nắm chắc các chức năng nhiệm vụ, của mình, hiểu rõ vai trò quản lý nhà nước của mình và tăng cường tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng cũng như trao đổi với các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng để kịp thời tháo gỡ các bất cập, vướng mắc về cơ chế chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành Xây dựng của các địa phương./.
Minh Tuấn