Thay mặt đoàn nghiên cứu JICA - ông Nobura Oshima đã trình bày trước Hội nghị dự thảo báo cáo cuối kỳ Nghiên cứu khả thi Khu công nghệ cao Hòa Lạc gồm 6 phần:
1. Khu vực nghiên cứu: xác định phạm vi nghiên cứu 1036ha;
2. Hiện trạng: Đánh giá hiện trạng thu hồi đất và tái định cư; cơ sở hạ tầng; cơ cấu tổ chức; Các dự án đầu tư; Các doanh nghiệp công nghệ cao; Các viện nghiên cứu; Các tổ chức giáo dục.
3. Lập quy hoạch: Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch san nền và cảnh quan; Quy hoạch đường giao thông; Quy hoạch hạ tầng cấp thoát nước; Quy hoạch cấp điện, Quy hoạch hạ tầng viễn thông; Quy hoạch quản lý chất thải rắn...
4. Các biện pháp xúc tiến: Đề xuất tổ chức đảm trách phát triển hạ tầng; Đề xuất sơ bộ về Ban Quản lý dự án; Cơ cấu xúc tiến đầu tư; Cơ chế ưu đãi...
5. Kế hoạch thực hiện
6. Đánh giá dự án: đánh giá về các mặt tài chính, kinh tế, tác động môi trường.
Sau khi nghe thuyết trình dự thảo Báo cáo cuối kỳ Nghiên cứu khả thi Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các thành viên của tổ công tác và các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã phát biểu đóng góp ý kiến và thảo luận một số nội dung để hoàn chỉnh Báo cáo.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính đã đánh giá cao những cố gắng của tư vấn và chuyên gia JICA trong việc đưa ra bản Báo cáo cuối cùng khá hoàn chỉnh, phù hợp với các bước, các nội dung của một Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của Việt Nam. Báo cáo đã xác định rõ phạm vi nghiên cứu, đánh giá hiện trạng rất cụ thể. Nội dung quy hoạch sử dụng đất theo đề xuất của JICA hầu như không có sự thay đổi lớn so với Quy hoạch chung điều chỉnh Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được phê duyệt. Một số nội dung liên quan đến vấn đề cốt san nền và khối lượng đào đắp, các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng sẽ cùng với JICA tiếp tục thẩm định và xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh đã được duyệt để đảm bảo yêu cầu về cảnh quan cũng như tiết kiệm chi phí để sớm hoàn thiện Báo cáo trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt./.
Minh Tuấn