Ngày 21/5, Bộ Xây dựng đã có công văn 40/BXD-VLXD gửi Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại và Dịch vụ Hoàng việt về việc xuất khẩu cát nhiễm mặn không qua tuyển rửa.
Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại và Dịch vụ Hoàng việt có Hợp đồng kinh tế số 01/HĐ ngày 18/4/2008 với Công ty TNHH Phước Luân về việc mua cát tận thu trong qua trình nạo vét khơi thông luồng lạch tại các khu vực thi công nạo vét tuyến luồng vào cảng cá Lộc An, huyện Đất Đỏ và Bến Lội-Bình Châu, huyện Xuyên Mộc để xuất khẩu. Theo Thông tư số 02/2006/TT-BCN ngày 14/4/2006 của Bộ Công nghiệp về Hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản thì sỏi, cát vàng xuất khẩu phải qua tuyển rửa. Mục đích của việc tuyển rửa để nâng cao chất lượng, giá trị của cát xuất khẩu và tận thu các kim loại nặng, quý hiếm có lẫn trong cát.
Trong thời gian chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách mới trong việc xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng, thì việc xuất khẩu khoáng sản được tiến hành theo Thông tư số 02/2006/TT-BCN ngày 14/4/2006 của Bộ Công nghiệp. Trường hợp cát xuất khẩu của Doanh nghiệp là loại cát nhiễm mặn, có kích thước hạt nhỏ và nhuyễn bị lẫn nhiều phù sa và tạp chất hữu cơ nên việc tuyển rửa sẽ không hiệu quả mà còn làm tăng giá thành của sản phẩm. Mặt khác, loại cát này chỉ dùng vào việc san lấp, nếu khách hàng chấp nhận các chỉ tiêu kỹ thuật của cát không qua tuyển rửa thì Bộ Xây dựng đồng ý với đề nghị của Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để thực hiện đề nghị nêu trên, việc xuất khẩu cát nhiễm mặn không qua tuyển rửa thì Doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện: Cát xuất khẩu phải được phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS phân tích hàm lượng phần % kim loại nặng, quý hiếm đạt mức cho phép tương đương với các loại cát là vật liệu xây dựng thông thường.
Trung tâm Tin học
Toàn văn công văn 40/BXD-VLXD