Bộ Xây dựng đã chỉ đạo VICEM tìm mọi biện pháp trong vòng từ 10 - 15 ngày phải đưa được từ 30 - 50 ngàn tấn xi măng XM vào phía Nam.
Theo số liệu thống kê ở các nhà máy XM Hà Tiên 1, Hà Tiên 2, FiCO, COTEC, Cẩm Phả… sản lượng tiêu thụ ở các nhà máy đều cao hơn sản lượng sản xuất và kết quả đoàn kiểm tra gồm Bộ Xây dựng, Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương và TCty Công nghiệp XM Việt Nam VICEM về tình hình cung cầu XM lại thêm một lần nữa khẳng định tại các nhà máy XM khu vực phía Nam không có việc đầu cơ, găm hàng, lợi dụng thời điểm khan hiếm hàng để nâng giá. Song trên thực tế giá bán XM tại thị trường phía Nam đã tăng khoảng 20 - 30% so với giá bán tại thời điểm tháng 2/2008. Nguyên nhân việc tăng giá XM trên thị trường được nhìn nhận ở một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Mất cân đối cung - cầu. Theo tính toán dự báo nhu cầu XM năm 2008 khu vực các tỉnh Đông Nam bộ và TP.HCM tăng khoảng 14% so với năm 2007, trên thực tế nhu cầu XM 4 tháng đầu năm 2008 tăng cao hơn dự báo và đạt 21%. Đầu năm có nhiều công trình được khởi công xây dựng, mặt khác cũng do tâm lý chủ đầu tư chủ yếu là nhà dân và các công trình nhỏ tích trữ XM cho xây dựng công trình bởi chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm cũng đã tăng 11,6%, thêm vào đó là tâm lý lo sợ sau tháng 6/2008 các mặt hàng trọng yếu mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không được tăng giá sẽ tăng. Những nguyên nhân trên tác động vào tâm lý người tiêu dùng đã tạo ra cầu tăng cao đột biến, gây hiện tượng khan hiếm nguồn hàng.
Mặc dù nguồn cung đã tăng cao hơn 21% so với năm 2007 song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Trong khi các nhà máy khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung dù gặp khó khăn vẫn duy trì sản xuất ổn định thì các nhà máy khu vực phía Nam chủ yếu là các trạm nghiền XM, nguồn nguyên liệu cho sản xuất clinker phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu và vận chuyển từ phía Bắc vào. Nguồn clinker xuất khẩu từ Thái Lan sang Việt Nam bị hạn chế do các nước ấn Độ, Indonesia có chính sách giảm xuất khẩu XM nên các nước nhập khẩu truyền thống như Bănglađét, Srilanka chuyển sang mua của Thái Lan với giá cao.
Tại thời điểm này giá FOB clinker Thái Lan là 41 - 41,5 USD/tấn giá tháng 12/2007 là 28 USD/tấn, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu, chi phí bốc dỡ trung chuyển thì giá về tới các nhà máy nghiền dao động từ 1 - 1,04 triệu đồng/tấn. Còn nguồn clinker từ Bắc vào do thiếu phương tiện vận chuyển nên cước phí vận chuyển cao dao động từ 300 - 350 nghìn đồng/tấn tương đương mức giá 1,02 - 1,05 triệu đồng/tấn. Trong khi các nhà máy vẫn thực hiện nghiêm chỉnh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng nên các cơ sở sản xuất XM vẫn giữ nguyên mức giá 1,02 - 1,07 triệu đồng/tấn. Rõ ràng với mức giá mua clinker như trên thì các trạm nghiềm XM sử dụng nguồn clinker nhập khẩu hay chuyển từ Bắc vào đều lỗ. Cụ thể: Hà Tiên 1 lỗ từ 100 - 150 nghìn đồng/tấn; Holcim lỗ 110 nghìn đồng/tấn; Cẩm Phả lỗ 200 nghìn đồng/tấn; FiCO lỗ 200 nghìn đồng/tấn; COTEC lỗ 100 nghìn đồng/tấn. Nhiều trạm nghiền công suất nhỏ sản xuất cầm chừng hoặc phải dừng sản xuất như XM ChinFon dẫn đến lượng cung XM giảm tương đối.
Thứ hai, không thể quản lý được giá bán lẻ ở các đại lý đến tay người tiêu dùng. Các cơ sở đều thực hiện mô hình bán hàng thông qua nhà phân phối nên chỉ kiểm soát được giá bán tại các nhà phân phối, còn các đại lý thì không thể. Chính vì thế mặc dù giá bán XM tại các nhà máy không tăng song do thiếu nguồn hàng nên giá bán lẻ vẫn tăng. Và do cung không đủ cầu nên bình thường 1 xe một ngày có thể vận chuyển từ 2 - 3 chuyến hàng thì nay chỉ còn 1 chuyến nên cước phí vận chuyển tăng, chi phí bốc dỡ cũng tăng, giá thành mỗi bao xi măng tăng từ 5 - 8 nghìn đồng. Do nguồn cung không dồi dào nên các đại lý bán lẻ nâng giá bán và giá bán XM hiện tại còn phụ thuộc rất nhiều vào cung đường, cự ly vận chuyển, số lượng, chủng loại XM…
Trước tình hình thị trường XM khu vực phía Nam có nhiều biến động, để góp phần bình ổn thị trường 5 nhóm giải pháp được xem là tích cực vừa được Bộ Xây dựng đưa ra là:
Thứ nhất, tăng lượng clinker, XM bột, XM bao vận chuyển từ phía Bắc vào TP.HCM. VICEM đã chỉ đạo các Cty XM như Hoàng Thạch, Hoàng Mai, Tam Điệp, Hải Phòng tăng cường vận chuyển vào phía Nam. Tuy nhiên do lượng XM vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo VICEM tập trung mọi phương tiện, biện pháp trong vòng từ 10 -15 ngày phải đưa được từ 30 - 50 ngàn tấn XM vào phía Nam, bên cạnh đó Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Cty XM Nghi Sơn, Phúc Sơn tăng lượng XM đưa vào Nam.
Thứ hai, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 870/BXD-KHTC ngày 9/5/2008 gửi Bộ Tài chính cho phép giảm thuế nhập khẩu clinker, từ nay đến cuối năm 2008, giảm thuế nhập khẩu clinker trong khối ASEAN từ 5% xuống 0% và ngoài khối ASEAN từ 10% xuống 0%. Với việc giảm thuế nhập khẩu clinker chắc chắn sẽ tăng nguồn cung từ các nước Trung Quốc, Đài Loan và hạn chế được tăng giá từ nguồn clinker Thái Lan.
Thứ ba, Bộ GTVT cần chỉ đạo TCty Vận tải đường thuỷ ưu tiên bố trí đủ phương tiện tàu vận chuyển clinker, XM từ Bắc vào Nam.
Thứ tư, theo tiến độ từ nay đến cuối năm 2008 sẽ có 7 dây chuyền mới đưa vào hoạt động với tổng công suất 7,81 triệu tấn/năm. Vì thế, cần phải đẩy mạnh thi công xây dựng các nhà máy XM đang triển khai đầu tư để nhanh chóng đưa các nhà máy vào hoạt động, tăng nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường.
Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung chính xác, đúng thực tế, tránh gây tâm lý hoang mang cho người sử dụng.
Nếu như các nhóm giải pháp trên không được thực hiện một cách đồng bộ, tích cực thì có lẽ nhiệm vụ không gây biến động cho thị trường XM có nguy cơ vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Báo Xây dựng điện tử