Trong không khí tưng bừng, phấn khởi của nhân dân cả nước và của tỉnh BR-VT kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và ngày Quốc tế Lao động 1-5, hôm nay 28-4, Sở Xây dựng tỉnh long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của ngành 29-4-1958 - 29-4-2008. Trong 50 năm phát triển của ngành xây dựng Việt Nam, ngành xây dựng tỉnh BR-VT đã trưởng thành và có nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Mạnh, Giám đốc Sở Xây dựng tặng bằng khen cho những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 2007.
Những thành tựu quan trọng
Trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua các giai đoạn phát triển với những tên gọi khác nhau, ngành Xây dựng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, luôn khẳng định vai trò là một trong những ngành kinh tế then chốt của đất nước.
Một số công trình quan trọng đã được khởi công xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng, tiêu biểu như: Thủy điện Hoà Bình, Trị An, Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Nhà máy super phốt phát Lâm Thao, giấy Bãi Bằng, Apatit Lào Cai, Nhà máy Kính Đáp Cầu, Giấy Tân Mai, Xi măng Hà Tiên, công trình dầu khí Vũng Tàu, Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh... Các công trình có tầm vóc lớn như thế đã thể hiện bước tiến nhảy vọt và cống hiến đáng ghi nhận của ngành đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Từ năm 2001 đến nay, cùng với nền kinh tế cả nước đang trên đà phát triển và hội nhập, ngành Xây dựng Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả các kế hoạch và chiến lược phát triển trong các lĩnh vực của ngành như: Quy hoạch tổng thể vật liệu xây dựng đến năm 2010; Quy hoạch điều chỉnh sản xuất xi măng đến năm 2010; Định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2010; Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Định hướng phát triển cấp nước và thoát nước đô thị đến năm 2010; Chiến lược quản lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp đến năm 2010; Chiến lược cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2010. Mạng lưới đô thị quốc gia đã được sắp xếp lại, mở rộng và phát triển gồm 725 đô thị, cùng với các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đã góp phần tạo ra động lực phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở cả hai khu vực đô thị và nông thôn cả nước.
Với những thành tựu đã đạt được trong 50 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ngành Xây dựng các danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh.
Những đóng góp của ngành Xây dựng tỉnh BR-VT
Trong những năm qua, ngành Xây dựng tỉnh BR - VT đã có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thành tựu quan trọng và nổi bật nhất là mạng lưới đô thị của tỉnh đã được quy hoạch, mở rộng và phát triển gồm 8 đô thị, cùng với các khu công nghiệp đã góp phần tạo ra động lực phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở cả đô thị và nông thôn. Tất cả các đô thị trong tỉnh đều có quy hoạch xây dựng chung, được duyệt bảo đảm tính khoa học và khả thi; cơ bản đã phủ kín quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng đô thị quan trọng như khu công nghiệp, khu du lịch, khu trung tâm đô thị, các khu dân dụng quan trọng… làm cơ sở quản lý và kêu gọi đầu tư. Kiến trúc đô thị đã có sự định hướng theo phong cách hiện đại.
Trong thời gian qua, Sở Xây dựng đã làm tốt công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Các dự án đầu tư có xây dựng công trình đều được thẩm định thiết kế cơ sở hoặc thiết kế kỹ thuật bảo đảm giải pháp thiết kế phù hợp với chi phí xây dựng hợp lý. Không gian đô thị đã và đang phát triển mở rộng nhanh chóng ra các khu đô thị mới như Trung tâm Thương mại, Trung tâm Chí Linh, Bắc Sân bay TP. Vũng Tàu, đô thị mới Phú Mỹ, thị trấn Đất Đỏ, thị trấn Phước Hải… Đã hình thành vùng phát triển công nghiệp phía Tây của tỉnh bao gồm 10 KCN tập trung, trong đó 4 khu đã cơ bản được lấp đầy và hệ thống cảng nước sâu đã bước đầu hoạt động có hiệu quả. Đang hình thành vùng du lịch ven biển phía Đông của tỉnh với các tổ hợp du lịch tầm cỡ quốc tế ở khu vực Bàu Trũng, Cửa Lấp, Long Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu… thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và nhiều dự án lớn trong nước. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được cải tạo nâng cấp và phát triển khá đồng bộ,…
Song song đó, lực lượng lao động ngành xây dựng tỉnh có bước trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, từ tư vấn đến quản lý dự án và thi công xây lắp, đã làm chủ được công nghệ xây dựng tiên tiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành trên địa bàn. Khi mới thành lập tỉnh chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, đến nay đã có hơn 1.300 doanh nghiệp với giá trị sản xuất kinh doanh hàng năm đạt hơn 6.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Mạnh, Giám đốc Sở Xây dựng, những thành công đó là kết quả của sự phấn đấu không mệt mỏi, sự lao động cần cù, sáng tạo của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân lao động ngành xây dựng tỉnh dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành hữu quan, của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh. Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, chắc chắn trong những năm tới hoạt dộng kinh tế trên địa bàn tỉnh sẽ sôi động hơn. Với những thành quả đã được, tập thể cán bộ, công nhân lao động của tỉnh nhà sẽ nổ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nhà phát triển.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu