Để tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại theo hướng đa phương, đa dạng hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình gia nhập WTO, việc xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam theo phương pháp chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO là việc làm cần thiết. Trong chươngtrình hành động của các nước ASEAN cũng đã thống nhất hài hoà các tiêu chuẩn thông qua tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả các thành viên của Tổ chức này đều chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế có ảnh hưởng tới thương mại hàng hoá, giao dịch, dịch vụ, sức khoẻ, an toàn, vệ sinh môi trường.
Nhận rõ tầm quan trọng của việc chuyển dịch tiêu chuẩn quốc tế ISO thành tiêu chuẩn Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội, Bộ Xây dựng đã giao Viện Nghiên cứu Kiến trúc quốc gia biên soạn dự thảo 8 tiêu chuẩn:
- ISO 10209-4: 1996 Lập hồ sơ kỹ thuật - Từ vựng - Phần 4: Các thuật ngữ liên quan đến hồ sơ xây dựng;
- ISO 834 -9: 2003: Thử nghiệm chịu lửa - Các bộ phận kết cấu của ngôi nhà - Phần 9 - Yêu cẩuiêng đối với cấu kiện trần không chịu lực;
- ISO 6707/1: 2003: Nhà và công trình dân dụng - Từ vựng - Thuật ngữ chung;
- ISO 6512: 1982: Xây dựng nhà - Điều hợp Môđun - Chiều cao tầng và chiều cao phòng;
- ISO 13943: 2000 - An toàn cháy - Từ vựng;
- ISO 7737: 1986: Dung sai trong xây dựng - Cách trình bày độ chính xác kích thước;
- ISO 6511 - 1982: Xây dựng nhà - Điều hợp Môđun - Kích thước chiều đứng của mặt sàn theo môđun;
- ISO 128-23: 1999: Bản vẽ kỹ thuật - Những nguyên tắc chung về trình bày - Phần 23 - Đường nét trong bản vẽ xây dựng.
8 dự thảo này do TS Trần Thanh Ý chủ trì thực hiện. Ngày 21/02/2008 Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã nghiệm thu 8 tiêu chuẩn này và đánh giá đạt loại khá.
Hồng Trang