Ngày 16/11/2007, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu “Hướng dẫn quy trình khảo sát và thi công bảo tồn di tích đền tháp Chămpa” do Tiến sỹ Trần Bá Việt thuộc Viện KHCN Xây dựng chủ trì thực hiện.
Dân tộc Chăm là một trong những dân tộc có lịch sử kiến trúc lâu đời tại Việt Nam với nhiều di tích đền tháp trải dài dọc miền Trung. Các đền tháp của người Chăm thường có tuổi thọ cao, mang nhiều dáng vẻ và phong cách khác nhau song cho đến nay, số lượng đền tháp còn lại không nhiều do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và bị chiến tranh phá hoại. Việc bảo tồn và phát huy kiến trúc truyền thống của người Chăm là hết sức cần thiết vì văn hoá của người Chăm cũng chính là tâm hồn của dân tộc. Việc xây dựng tài liệu “Hướng dẫn quy trình khảo sát và thi công bảo tồn di tích đền tháp Chămpa” mang tính định hướng đối với việc tu bổ và phát huy giá trị di tích đền tháp Chămpa tại miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam.
Tài liệu được chia thành 2 quy trình hướng dẫn cụ thể, bao gồm “Hướng dẫn quy trình khảo sát di tích đền tháp Chămpa” và “Hướng dẫn quy trình thi công bảo tồn di tích đền tháp Chămpa”, tạo thuận lợi cho quá trình tác nghiệp của các nhà khảo sát và thi công. Cả 2 hướng dẫn trên đều dựa trên nguyên tắc đáp ứng Luật di sản văn hoá Việt Nam và quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh, tôn trọng các công ước quốc tế về bảo tồn và trùng tu di tích, đồng thời phù hợp với truyền thống văn hoá địa phương.
2 quy trình hướng dẫn trên được biên soạn trên cơ sở tuân theo định hướng bảo tồn tối đa các thành phần nguyên gốc và các giá trị chân xác của di tích. Ưu tiên áp dụng các kỹ thuật truyền thống đã được làm sáng tỏ; tái định vị, phục hồi các thành phần kiến trúc khi có đủ căn cứ khoa học. Đối với các thành phần chưa hiểu biết đầy đủ , cần bảo vệ bằng mọi cách và tiếp tục nghiên cứu.
Tài liệu này được xây dựng trên kết quả nghiên cứu của đề tài khôi phục đền tháp Chămpa do tác giả thực hiện từ năm 1999 - 2004. Nội dung của “Hướng dẫn quy trình khảo sát và thi công bảo tồn di tích đền tháp Chămpa” rất hữu ích, có tính khả thi, phát huy được giá trị vật thể và phi vật thể của cộng đồng Chăm. Tài liệu đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và xếp loại Khá.
Hồng Trang - TTTH