Hội thảo "Các vấn đề ven đô và đô thị hoá"

Thứ sáu, 15/06/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay Việt Nam đang chứng kiến một quá trình đô thị hoá tốc độ cao chưa từng có trong lịch sử phát triển của mình. Lượng dân cư đô thị đã chiếm tới 28% tổng dân cư toàn quốc, và mỗi năm khoảng 1 triệu dân tiếp tục tham gia vào đại gia đình đô thị này. Toàn quốc hiện nay có trên 700 trung tâm đô thị lớn nhỏ, trong đó có 93 thành phố cấp tỉnh thành. Các đô thị là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, tạo ra sản lượng GDP ngày càng gia tăng, song cũng là nơi tạo ra những điểm nóng trong phát triển đô thị, đặc biệt theo quan điểm phát triển đô thị bền vững hiện nay.

Một trong những điểm nóng của sự phát triển đô thị hoá là khu vực ven đô thị, nơi đang chịu những áp lực nặng nề giữa hai xu hướng phát triển và bảo tồn, giữa lợi ích phát triển kinh tế và nhu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị văn hoá và bảo đảm phát triển bền vững cho cả thành phố.

Chính vì vậy, ngày 15/6/2007 Diễn đàn Đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo "Các vấn đề ven đô và đô thị hoá". Đến dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, đại diện các cục, vụ, viện liên quan, lãnh đạo các hiệp hội Đô thị, Quy hoạch, Tư vấn, lãnh đạo các Sở Xây dựng các tỉnh lân cận Hà Nội như Nam Hà, Bắc Ninh, Hà Tây.... Tham gia hội thảo có bà Hoonae Kim - Trưởng ban Phát triển bền vững WB tại Việt Nam, GS. David Dowal-Đại học California Berkeley, bà Teresa Serra-Cố vấn cao cấp khu vực Đông Á của WB, ông Dan Biller - Chuyên gia trưởng kinh tế WB và ông John Sawdon - Tư vấn.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày đô thị hoá và phát triển đất đô thị trên thế giới và các nước đang phát triển gồm các vấn đề:

- Các xu hướng dân số đô thị và nông thôn

- Sử dụng đất đô thị

- Tỷ lệ đô thị hoá hàng năm tại Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil

- Các loại hình mở rộng đô thị

- Kiểm soát mở rộng đô thị đòi hỏi phải có lựa chọn chính sách

- Quản lý mở rộng đô thị.

Một tổng quan "Phát triển bền vững vùng ven đô ở Đông Á" đã đề cập tới vấn đề mở rộng đô thị, các vấn đề môi trường và xã hội, các xu hướng, các lựa chọn chính sách và những bài học ở Đông Á kinh nghiệm quốc tế. So sánh với Châu Âu và Châu Mỹ, Đông Á có tốc độ đô thị hoá tương đối thấp. Nhưng trong thập kỷ tới, tốc độ đô thị hoá tại các quốc gia Đông Á sẽ thay đổi đáng kể. Các hệ quả và tác động về xã hội, môi trường và kinh tế của xu hướng này trên toàn khu vực có thể ảnh hưởng lớn hơn những vấn đề phát triển chủ yếu khác trong những thập kỷ tới.

Các vấn đề ưu tiên là: 1.Cấp đất; 2. Tài chính để phát triển hạ tầng cơ sở; 3. Nhà ở cho người thu nhập thấp; 4. Kiểm soát ô nhiễm. Và kinh nghiệm quốc tế như Trung Quốc và Hàn Quốc đang áp dụng các quy định về môi trường và quy hoạch cơ bản đối với khu vực ven đô; Phnom Penh, Campuchia vừa áp dụng tiêu chuẩn thiết kế cho khu định cư phi chính thức; Thuế gia tăng giá trị đất đai ở trung Quốc có hiệu lực từ tháng 2/2007; Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một chương trình tái cơ cấu đất quốc gia trong nhiều năm. Bolivia và Philippin thì giao quyền thu phí cho địa phương; Ai Cập đánh thuế quyền sở hữu bất động sản đã đăng ký hoặc chưa đăng ký do cơ quan thuế địa phương quản lý; Ở Indonesia thì thuế sử dụng đất được áp dụng, bất kể tài sản đó có được đăng ký hay không; Ở Đông Phi thuế tài sản được thu theo hệ thống đại chỉ đơn giản. Ở Trung Quốc thu phí ô nhiễm để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hội thảo lần này, hy vọng các đại biểu sẽ nghe được nhiều kinh nghiệm quí báu của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới về các cách tiếp cận trong quy hoạch và phát triển các khu ven đô, đặc biệt của các đô thị lớn. Qua đó sẽ nhìn nhận đánh giá tình hình phát triển ven đô tại các thành phố của Việt Nam để có thể rút ra những bài học cần thiết cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại các khu vực quan trọng này.


Minh Tâm

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)