Nghiệm thu "Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 239 : 2005 : Bê tông nặng - Chỉ dẫn đánh giá cường độ bê tông trên kết cấu công trình"

Thứ sáu, 10/03/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 3/3/2006 Hội đồng Khoa học công nghệ chuyên ngành Bộ Xây dựng đã nghiệm thu đề tài Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 239 : 2005: Bê tông nặng - Chỉ dẫn đánh giá cường độ bê tông trên kết cấu công trình. Đề tài do Viện Khoa học công nghệ xây dựng thực hiện.
Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXD 239 : 2000 được biên soạn và đưa vào sử dụng từ năm 2000. Đây là một trong những tiêu chuẩn đầu tiên trong hệ thống tiêu chuẩn xây dựng của ngành Xây dựng trình bày chi tiết và tổng hợp về phương pháp tổ chức, lựa chọn, thí nghiệm và đánh giá cường độ bê tông trên kết cấu công trình. Việc ra đời của tiêu chuẩn góp phần cho công tác kiểm tra, kiểm định, đánh giá phục vụ công tác khảo sát, điều tra và nghiệm thu chất lượng các công trình xây dựng.
Tuy nhiên, do tiêu chuẩn phải bao trùm một vấn đề kỹ thuật tương đối lớn và phức tạp nên nội dung còn một số vấn đề chưa được trình bày sáng tỏ, rõ ràng và đã gây sự hiểu lầm dẫn đến không thống nhất trong áp dụng. Các nội dung chi tiết trong tiêu chuẩn còn dài dòng và trùng lặp nhiều, gây khó khăn cho sự tiếp cận của người áp dụng.
TCXD 239 : 2000 là một tiêu chuẩn kỹ thuật rất quan trọng sử dụng cho công tác thí nghiệm, đánh giá chất lượng công trình. Mặc dù mới được ban hành trong vòng 5 năm trở lại đây, nhưng để việc áp dụng tiêu chuẩn đạt tính thống nhất và chính xác, việc soát xét tiêu chuẩn này trên cơ sở đó ban hành tiêu chuẩn mới TCXDVN 239 : 2005 là rất cần thiết.
Như đã được trình bày ở phần trên, một trong những lý do của việc soát xét tiêu chuẩn là do nội dung còn rườm rà, trùng lặp, một số mục không cần thiết. Mặt khác để tiêu chuẩn ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo sự mạch lạc và đầy đủ đồng thời phù hợp với cấu trúc thông thường yêu cầu của một tiêu chuẩn kỹ thuật, bố cục dự thảo của tiêu chuẩn TCVNXD 239:2005 được đề xuất gồm những phần sau:
1. Phạm vi áp dụng.
2. Tiêu chuẩn viện dẫn.
3. Thuật ngữ và định nghĩa.
4. Mục đích xác định cường độ bê tông trên kết cấu công trình.
5. Phạm vi thí nghiệm.
6. Các phương pháp thí nghiệm xác định cường độ bê tông trên kết cấu công trình.
7. Lựa chọn phương pháp thí nghiệm.
8. Quy trình thí nghiệm xác định cường độ bê tông trên kết cấu công trình.
9. Đánh giá cường độ trên kết cấu công trình.
Phụ lục A: Giá trị hệ số tα với xác suất đảm bảo 0,95 và số vùng kiểm tra.
Phụ lục B: Tương quan mác và cấp bê tông.
Do bố cục của tiêu chuẩn mới có thay đổi nên thuyết minh về kết quả soát xét cụ thể được nêu theo từng phần mới của dự thảo tiêu chuẩn.
Dự thảo đề nghị tên của tiêu chuẩn vẫn được giữ nguyên như cũ, nhưng sắp xếp lại cách diễn đạt để nội dung mục Phạm vi áp dụng vẫn đầy đủ nhưng rõ nghĩa và dễ hiểu hơn.
Mục Tiêu chuẩn trích dẫn được thay bằng tên mới Tiêu chuẩn viện dẫn cho phù hợp với hướng dẫn mới về trình bày tiêu chuẩn. Mục này còn được bổ sung các tiêu chuẩn liên quan có sử dụng đến trong quá trình thực hiện, gồm: TCXDVN 356:2005. Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Tiêu chuẩn thiết kế; TCVN 4453:1995. Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép toàn khối - Quy phạm thi công và nghiệm thu; TCXD 240:2000. Kết cấu bê tông cốt thép - Phương pháp điện từ xác định chiều dày lớp bê tông bảo vệ, vị trí và đường kính cốt thép trong bê tông; sửa đổi tiêu chuẩn 20 TCN 162:1997 do tiêu chuẩn này đã được soát xét lại thành TCXDVN 162:2004 cho phù hợp; bỏ tiêu chuẩn TCVN 6025:1995 vì hiện nay việc biên soạn hệ thống tiêu chuẩn xây dựng mới có xu hướng phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn Eurocode, một số định nghĩa liên quan đến mác bê tông có thay đổi. Trong khi tiêu chuẩn cũ đưa ra định nghĩa về mác bê tông không thống nhất với định nghĩa trong các tiêu chuẩn khác.
Mục Thuật ngữ được thay bằng tên mới Thuật ngữ, định nghĩa. Nội dung mục này sẽ bỏ một số thuật ngữ không sử dụng trong tiêu chuẩn mới như: Cường độ mẫu lập phương bổ sung; Khả năng chịu tải của kết cấu; Sức chịu tải tới hạn của kết cấu. Mục này được bổ sung thêm một số thuật ngữ do được sử dụng lần đầu trong tiêu chuẩn, được định nghĩa để sử dụng chính xác sau này như: Cường độ hiện trường; Mác bê tông theo cường độ chịu nén; Cấp độ bền chịu nén của bê tông; Cường độ bê tông yêu cầu; Đánh giá cường độ bê tông trên cấu kiện hoặc kết cấu công trình. Các thuật ngữ khác được giữ lại nhưng có chỉnh sửa cho đúng và để người đọc dễ hiểu hơn.
Mục Xác định cường độ bê tông trên kết cấu công trình về nội dung không thay đổi nhiều so với tiêu chuẩn cũ, chỉ đưa thành một mục riêng và sửa câu chữ cho rõ hơn.
Mục Phạm vi thí nghiệm được đưa thành một mục riêng trong đó đề cập hai phạm vi thí nghiệm là: Thí nghiệm trên cơ sở khối lượng thực hiện và Thí nghiệm trên cơ sở bản chất của phương pháp tiến hành: Trên bề mặt hay trong các vùng sâu trong kết cấu bằng các phương pháp thích hợp.
Mục Các phương pháp thí nghiệm xác định cường độ bê tông trên kết cấu công trình chỉ giới thiệu về các loại phương pháp thí nghiệm có thể sử dụng để xác định cường độ bê tông trên kết cấu công trình trong đó có nêu các tiêu chuẩn hiện hành tương ứng cho các phương pháp, chưa đi sâu phân tích và nêu các quy định liên quan khi sử dụng các phương pháp thí nghiệm.
So với tiêu chuẩn cũ, phần này viết ngắn gọn lại, bỏ các điều quy định, mô tả không cần thiết, nhất là đối với các phương pháp thử đã có tiêu chuẩn kỹ thuật riêng quy định.
Mục Lựa chọn phương pháp thí nghiệm được biên soạn với mục đích đưa ra cơ sở để lựa chọn phương pháp thí nghiệm phù hợp. Về nội dung, mục này tóm tắt một số nội dung nằm ở một số mục của tiêu chuẩn cũ nhưng sắp xếp lại cho lôgich và hợp lý hơn.
Với các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm, với phương pháp khoan lấy mẫu: đưa thêm yếu tố ảnh hưởng của kích thước hạt cốt liệu lớn trong việc lựa chọn đường kính mũi khoan phù hợp.
Mục Quy trình thí nghiệm xác định cường độ bê tông trên kết cấu công trình được biên soạn theo yêu cầu đặt ra là nội dung ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ và theo một lôgich hợp lý để người sử dụng dễ áp dụng. Mục này được biên soạn lại bao gồm những nội dung sau:
8.1. Xác định khối lượng, vị trí và vùng kiểm tra. Mục này được phân ra các mục sau:
8.1.1. Xác định khối lượng kết cấu, cấu kiện cần kiểm tra: So với tiêu chuẩn cũ, dự thảo chỉ đưa ra quy định việc xác định khối lượng thí nghiệm cho hai trường hợp sau:
- Trường hợp thí nghiệm kết cấu, cấu kiện, vùng đơn lẻ: Cơ bản vẫn giữ nguyên như tiêu chuẩn cũ.
- Trường hợp thí nghiệm đánh giá tổng thể một công trình: Phần này được bổ sung so với tiêu chuẩn cũ nhằm mục đích hướng dẫn cho người sử dụng xác định số lượng cấu kiện cần kiểm tra một cách phù hợp.
8.1.2. Lựa chọn vị trí và vùng kiểm tra: Phần này cơ bản vẫn giữ nguyên như tiêu chuẩn cũ. Nhưng trong mục 8.1.3 có quy định thêm về số lượng mẫu khoan cho 1 tổ mẫu.
8.1.3. Xác định số lượng mẫu khoan và các vùng kiểm tra trên mỗi kết cấu, cấu kiện.
8.2. Về lựa chọn phương pháp thí nghiệm: So với tiêu chuẩn cũ mục này chỉ quy định tham chiếu các nội dung đã được quy định trong mục 7 của dự thảo tiêu chuẩn chứ không quy định thêm để tránh trùng lặp.
Các mục 8.3 và 8.4 cơ bản vẫn giữ nguyên như tiêu chuẩn cũ.
8.5. Tiến hành các thí nghiệm hiện trường và trong phòng. Mục này được phân ra các phần nhỏ sau:
8.5.1. Tiến hành các thí nghiệm hiện trường và trong phòng.
8.5.2. Xây dựng đường chuẩn để xác định cường độ bê tông hiện trường bằng các phương pháp không phá huỷ.
8.5.3. Tính toán xác định cường độ bê tông hiện trường Rm: Sau khi đã thực hiện các bước thí nghiệm hiện trường, trong phòng và xử lý số liệu thí nghiệm trên cơ sở số liệu thu được, dự thảo đề xuất đưa một mục riêng chỉ dẫn về cách tính toán xác định cường độ bê tông hiện trường. So với tiêu chuẩn cũ, dự thảo đưa phần tính toán vào mục này nhằm trình bày theo một tiến trình lôgich để người áp dụng dễ sử dụng.
Mục này phân rõ hai trường hợp:
8.5.3.1. Trường hợp khoan lấy mẫu bê tông.
8.5.3.2. Trường hợp sử dụng các phương pháp không phá huỷ.
Mục Đánh giá cường độ bê tông trên kết cấu công trình: Về các yếu tố ảnh hưởng đến việc phân tích và đánh giá cường độ bê tông trên kết cấu công trình, dự thảo vẫn giữ nguyên như tiêu chuẩn cũ. Nội dung của phần này chỉ thay đổi so với tiêu chuẩn cũ là bỏ chỉ dẫn về tộc độ tăng cường độ bê tông vì trong phạm vi như tiêu chuẩn cũ quy định thì khoảng giá trị này dao động rất lớn 0 - 25% và 0 - 35%.
Trong phần đánh giá tiếp theo dự thảo đưa thành các mục sau:
9.1. Xác định cường độ bê tông yêu cầu.
9.2. Đánh giá cường độ bê tông hiện trường so với cường độ bê tông yêu cầu.
Đề tài đã được Hội đồng Khoa học công nghệ chuyên ngành Bộ Xây dựng đánh giá đạt loại Khá.

H. Phước
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)