Các công ty trong nước còn nhỏ, lẻ, thiếu nhân lực giỏi nên khó hợp tác với nước ngoài, sản phẩm chuyển giao hạn chế do chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, đội ngũ tư vấn non nớt... là những trở ngại mà nhiều chuyên gia dự báo về phát triển thị trường phần mềm năm 2005.
Các công ty thiết kế và cung cấp phần mềm tại TP HCM nhận định, trong năm qua, ngành công nghệ thông tin Việt Nam nói chung, công nghệ phần mềm nói riêng vẫn trên đà phát triển tốt. Năm nay, các doanh nghiệp gia công với Nhật, xuất sản phẩm sang Nhật sẽ ký được những hợp đồng giá trị hơn năm 2004. Còn Mỹ đang đi lên sau giai đoạn thoái trào 1999-2002, có nhu cầu thu hút nhân sự, mở mang sản xuất, thị trường. Một số tập đoàn lớn của nước này thâm nhập Việt Nam, không dừng ở mức thăm dò mà sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác thực sự. Sản phẩm phần mềm phục vụ thị trường nội địa, vốn chiếm ưu thế, sẽ được triển khai ứng dụng nhiều hơn. Doanh nghiệp trong nước ngày càng có nhu cầu về sản phẩm nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp ERP.
Tuy nhiên, về phát triển thị trường nước ngoài, nhiều chuyên gia cho rằng, chủ yếu vẫn xuất sản phẩm gia công. Nhưng hầu hết các công ty phần mềm chưa sẵn sàng điều kiện cần thiết để tiếp nhận các dự án trọn gói lớn của đối tác.
Theo ông Nguyễn Thịnh, Giám đốc Công ty Pyramid Software Development PSD, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong nước là nguồn nhân lực thiếu cả về số lượng, kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ. "Với một dự án cần 100-200 người chẳng hạn, Ấn Độ có thể xoay trở trong một tháng nhưng Việt Nam thì phải tốn gấp 2-3 lần thời gian đó mà chưa chắc đã lo đủ", ông Thịnh nói. Ông cũng cho biết, các công ty phần mềm trong nước đang "nở rộ" song phần lớn quy mô nhỏ, hoạt động đơn lẻ, thiếu hấp dẫn nhà đầu tư.
Đồng quan điểm này, ông Phí Tuấn Anh, Công ty phần mềm AZ, phân tích thêm: "Sự phối hợp, hợp tác theo dạng chuỗi giữa các công ty phần mềm trong nước kém, nếu chưa muốn nói là chưa hình thành. Do đó, việc liên kết nhóm công ty để đảm đương được một đơn hàng lớn trọn gói từ đối tác nước ngoài rất khó khăn".
Với thị trường nội địa, ông Tuấn Anh cho rằng, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đóng gói sẽ chịu áp lực cạnh tranh hết sức nặng nề bởi các nhà sản xuất nước ngoài bắt đầu nhận thấy thị trường Việt Nam có tiềm năng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, kể cả đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin chưa tin dùng sản phẩm trong nước, do tư tưởng "Tây mới tốt - ta không làm được".
Còn theo ông Phan Quốc Khánh, Giám đốc Công ty phần mềm FAST, việc triển khai ứng dụng những giải pháp, nhất là giải pháp ERP phổ biến hơn nhưng vẫn vướng mắc do đội ngũ tư vấn quá non trẻ và yếu chuyên môn. Phần mềm cho đào tạo, giải trí... tiếp tục phát triển song vẫn sẽ khổ vì nạn vi phạm bản quyền.
"Muốn sản phẩm phần mềm triển khai rộng trong doanh nghiệp thì nhà sản xuất không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải thông hiểu lĩnh vực mà sản phẩm sẽ ứng dụng. Nhưng thực tế chưa đáp ứng yêu cầu này. Vì vậy, nhu cầu thị trường thì có song nhà sản xuất phần mềm trong nước chưa thật sự tận dụng được", ông Phạm Tấn Công, Phó chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt Nam, nhận định.
Cũng theo ông Công, tốc độ chuẩn hóa chất lượng phần mềm còn chậm, số đơn vị đạt quy trình chất lượng quốc tế hiện quá ít. "Cơ hội hợp tác của doanh nghiệp trong nước với nước ngoài đang mở. Việt Nam phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế trên mới có thể cạnh tranh với những nước có truyền thống gia công phần mềm như: Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines", ông Công nói.
Lương Nga
Các tin khác:
25/01/05
Phiên bản in