Phần mềm xây dựng phi bản quyền: lợi bất cập hại
Theo chân anh bạn làm kiến trúc sư, tôi tới một cửa hàng bán đĩa CD trên phố Hàng Bạc. Tại đây bày bán hàng trăm đĩa CD phần mềm trong nhiều lĩnh vực: cài đặt máy tính, kế toán, đặc biệt là các phần mềm phổ biến trong ngành Xây dựng hiện nay như Autocard, SAP2000, STAAD III, Photoshop, Corel Draw đều xuất hiện ở đây.
Tuy đều là những phần mềm có tiếng tăm của nước ngoài, nhưng mỗi đĩa CD phần mềm lại có giá bán rất thấp từ 7.000-10.000 đồng/đĩa do không có bản quyền. Kèm theo mỗi đĩa CD đều có chương trình cài đặt, mã số seria number để cài đặt, hoặc chương trình bẻ khóa crack cùng hướng dẫn crack. Anh bạn tôi cho biết, có thể dễ dàng mua những phần mềm loại này ở hầu hết các cửa hàng bán đĩa CD. Khi được hỏi về chất lượng, anh cười và mặc nhiên tin tưởng như chúng là những phiên bản chính thức có bản quyền. Và cũng có nhiều người cùng chung suy nghĩ như vậy.
Từ khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, máy tính cùng các phần mềm hỗ trợ thiết kế kiến trúc và tính toán kết cấu trong xây dựng đã là phương tiện không thể thiếu trong công tác hành nghề của giới kiến trúc sư và xây dựng, thì thị trường các phần mềm phi bản quyền càng có đất dụng võ. Từ những kiến trúc sư hành nghề đơn lẻ, đến các công ty tư vấn thiết kế xây dựng, từ những bài thực tập của các sinh viên đến cả bài giảng của một số giáo viên trên lớp... đều sử dụng các phần mềm phi bản quyền. Trong cuộc hội thảo khoa học gần đây về phần mềm ứng dụng trong xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức, một số công ty tư vấn thiết kế phần mềm Việt Nam đã ngồi lại với nhau cùng đánh giá lại tình hình sử dụng phần mềm trong xây dựng hiện nay, và bàn phương hướng phát triển phần mềm Việt Nam. Theo phân tích của ông Phạm Văn Hạc, giám đốc Công ty tin học Xây dựng CIC thì cái lợi trước mắt là người sử dụng chỉ phải bỏ ra một chi phí rất nhỏ so với việc mua phần mềm có bản quyền mà vẫn được sử dụng các phần mềm có khả năng tính toán được nhiều dạng kết cấu, để chỉnh và phối cảnh một cách dễ dàng. Tuy nhiên, cái hại lớn hơn là không ai dám khẳng định độ tin cậy của các phần mềm này như những phiên bản chính thức. Bên cạnh đó, vì hầu hết các phần mềm này đều viết bởi các chuyên gia nước ngoài, nên giao diện chương trình chủ yếu bằng tiếng Anh, cùng tiêu chuẩn tính toán nước ngoài, nên việc ứng dụng vào thực tế công trình Việt Nam còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch Hội Tin học xây dựng cho biết, hầu hết các phần mềm kết cấu như SAP, STAAD, ADINA, ANSYS... đều sử dụng phương pháp phần tử hữu hạn để tính toán. Do vậy, tính vạn năng của phần mềm kết cấu rất cao. Vấn đề là người sử dụng cần có kiến thức tốt về chương trình, đặc biệt là hiểu sâu sắc phương pháp phần tử và một số tiêu chuẩn nước ngoài tương ứng, mới bảo đảm dùng đúng các chương trình. Ðây là nguyên nhân chủ yếu hình thành nên sự lộn xộn và không biết tin vào kết quả tính toán nào của phần mềm trong tình trạng sử dụng phần mềm của ngành Xây dựng hiện nay.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có đơn vị chuyên môn nào đứng ra kiểm định độ chính xác của những phần mềm phi bản quyền này. Trong thời gian tới, việc sử dụng các phần mềm không rõ xuất xứ và vi phạm bản quyền cũng không thể kéo dài mãi, đặc biệt là khi Việt Nam đang từng bước tham gia vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN AFTA, đàm phán song phương Hiệp định thương mại Việt - Mỹ. Vì nội dung các hiệp định trên đều ghi khá rõ quy định về thực thi luật bảo vệ sở hữu trí tuệ, mà bản quyền phần mềm là một trong những vấn đề trọng tâm. Ðồng thời ngay từ bây giờ, trong đấu thầu tư vấn thiết kế phạm vi quốc tế, nếu nhà thầu sử dụng một phần mềm tính toán kỹ thuật nào đó thì khi nộp hồ sơ thầu thường được yêu cầu đưa ra giấy phép sử dụng phần mềm có bản quyền cung cấp bởi nhà cung cấp phần mềm. Như vậy, một khi thị trường ngành Xây dựng Việt Nam được mở rộng hơn với quốc tế thì việc sử dụng những phần mềm có bản quyền đầy đủ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong cạnh tranh sau này.
Nguồn tin: ashui.com