Khu Đại học tập trung: Xu hướng, kinh nghiệm và nhận thức mới

Thứ tư, 22/07/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Mở đầuQuyết định 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/07/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020”, phần quan điểm quy hoạch mục “d” chỉ rõ “Phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng phải phù hợp với chiến lược phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội, tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước, gắn với từng vùng, từng địa phương; Xây dựng cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, bố trí theo vùng miền hợp lý; Xây dựng một số trung tâm đào tạo nhân lực trình độ cao, gắn với các vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực; Hình thành một số trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tập trung theo vùng, một số khu đại học, đáp ứng yêu cầu di dời của các trường trong khu vực nội thành TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhu cầu đầu tư mới”. Đồng thời, trong Đề án đổi mới giáo dục đại học (phần IV mục 5 điểm D) trong nhóm giải pháp đã chỉ rõ “Dành quỹ đất cho các trường đại học, có quy hoạch các khu đại học mới hiện đại, chuẩn hoá cơ sở vật chất và xây dựng một số cơ sở hạ tầng chung cho giáo dục đại học”.

Khảo sát thực trạng quy mô đất đai, quy hoạch xây dựng các trường đại học, cao đẳng nói chung và 2 vùng trọng điểm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nói riêng cho thấy những đặc điểm nổi bật như sau:

- Bình quân diện tích quá thấp (so với TCVN 3981: 1985), đồng thời tổng quỹ đất của từng trường rất nhỏ (chủ yếu dưới 10 ha)
- Thiếu các khu chức năng cơ bản
- Khu học tập có mật độ xây dựng quá cao
- Chất lượng quy hoạch thấp
- Môi trường sư phạm không đảm bảo
- Phân khu chức năng bị phá vỡ
- Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan nghèo nàn
- Không thuận tiện giao thông

Nguyên nhân cơ bản của những đặc điểm trên có thể được nhận diện bởi:

- Sự bùng nổ về quy mô
- Gia tăng số lượng cơ sở đào tạo
- Không gắn với sự phát triển của cơ sở vật chất kỹ thuật
- Đặc biệt quỹ đất không những không phát triển còn có xu hướng giảm do bị lấn chiếm sai mục đích
- Vị trí chưa phù hợp trong quy hoạch đô thị (không đồng bộ).

Sự phát triển bất cập trên tất yếu tạo ra áp lực lớn với sự phát triển đô thị ở các khía cạnh:

- Giao thông và các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp thoát nước, mạng lưới viễn thông...)
- Dịch vụ hạ tầng xã hội (y tế, thương mại, giáo dục)
- Quỹ nhà ở

Như vậy, trong khi nhu cầu đào tạo phát triển nguồn nhân lực là rất lớn (nhu cầu phát triển quy mô 400 sinh viên/ vạn dân; nhu cầu phát triển của từng vùng kinh tế, nhu cầu hoàn thiện mạng lưới trường...) thì việc mở rộng quy mô sinh viên và tăng số lượng trường là tất yếu, dẫn đến nhu cầu đất đai cần được tăng thêm đáng kể và cần được quy hoạch nhằm đưa các trường ra khỏi khu vực nóng, đảm bảo đủ bình quân đất theo tiêu chuẩn; Xây dựng các cơ sở đào tạo mới (công lập và ngoài công lập cũng như các trường quốc tế và liên doanh), đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại.

Do đó, có thể nói nhu cầu dãn các trường đại học ra khỏi các khuôn viên chật hẹp ở nội thành ngày một trở nên bức bách. Hướng đưa 30. 000 sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội lên Hoà Lạc cách 30 km với 1000 ha và hơn 40. 000 sinh viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh lên Thủ Đức đã mở đầu cho một giải pháp tất yếu như vậy, tuy nhiên so với nhu cầu vẫn còn là một khoảng cách khá lớn. Chắc chắn rằng trong quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô, Vùng TP Hồ Chí Minh, hệ thống trường Đại học, Cao đẳng và trường Chuyên nghiệp chiếm một vai trò, vị trí quan trọng. Và trước khi xác định những hướng quy hoạch mang tính khoa học cho hệ thống này, ta cần điểm lại một số yêu cầu cơ bản trong quy hoạch xây dựng Trường Đại học nói chung và tính chất quy mô xu hướng xây dựng các Khu Đại học tập trung nói riêng.

2. Các yếu tố tác động chính tới số hình thành và tổ chức không gian kiến trúc quy hoạch Khu Đại học tập trung

Hệ thống đào tạo hiện đại của các nước phát triển đã có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách hoàn chỉnh và toàn diện đã đi tới những biện pháp cơ bản trong công cuộc cải cách giáo dục của mình:

- Thay đổi và hoàn chỉnh chương trình và phương pháp giảng dạy
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường, cả về lượng lẫn về chất
- Nâng cao yêu cầu đối với các điều kiện giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt của sinh viên và cán bộ công nhân viên nhà trường

- Tăng số lượng đào tạo
- Hoàn chỉnh mô hình học tập - nghiên cứu khoa học sản xuất thực hành.

Để thực hiện được các biện pháp trên đòi hỏi phải có một sự thay đổi và phát triển hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường bằng cách:

- Cải tạo lại và hiện đại hoá các cơ sở trường hiện hữu, trang thiết bị lại những phương tiện áp dụng các thành tựu tiến bộ KHKT
- Xây dựng những cơ sở mới với trang thiết bị hiện đại phù hợp với dây chuyền đào tạo
- Mở rộng các cơ sở phục vụ sinh hoạt, dịch vụ văn hoá

Hiện nay, cũng chính từ góc độ đào tạo mà cách nhìn về vai trò của cơ sở vật chất của nhà trường đã thay đổi một cách cơ bản. Trường Đại học giờ đây đã trở thành một cơ thể sống động luôn phát triển và phải có khả năng để phát triển, là nới diễn ra một quá trình đào tạo như một quá trình sản xuất đặc thù mà nguyên liệu là sinh viên và sản phẩm là chuyên gia KHKT. Về cơ bản, cơ sở vật chất trường Đại học phải đáp ứng được các yêu cầu học tập - nghiên cứu, rèn luyện thể chất, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giao lưu văn hoá... đặc biệt tạo điều kiện cho người học tự thiết kế được một chương trình - kế hoạch học tập hiệu quả nhất. Như vậy, yêu cầu đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy và học cũng như yêu cầu tăng hàm lượng nghiên cứu khoa học và kỹ năng ứng dụng đòi hỏi phải có một cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại tương ứng.

Thực tế cho thấy rằng, việc cải tạo lại và hiện đại hoá các cơ sở vật chất hiện có chỉ là những biện pháp đối phó và trước mắt nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách của nền kinh tế quốc dân chứ chưa phải là biện pháp cơ bản để giải quyết cơ bản nhiệm vụ và yêu cầu của hệ thống đào tạo hiện đại. Trong khi vấn đề đặt ra phải là: xây dựng những cơ sở mới với trang thiết bị hiện đại phù hợp với dây chuyền công nghệ đào tạo mới trong một diện tích đất phù hợp.

Như vậy, yếu tố đầu tiên là những yêu cầu về cơ sở vật chất thật hiện đại phù hợp với công nghệ dạy và học hiện đại.

Yếu tố thứ 2 là yêu cầu sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo tiền đề cho các mô hình liên thông đào tạo, sử dụng hữu hiệu các tài nguyên về vật chất và con người, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cơ sở đào tạo - nghiên cứu.

Nhưng xây dựng những cơ sở trường mới bằng con đường nào ngắn nhất, phù hợp nhất và kinh tế nhất, một khi những yêu cầu phục vụ cho hệ thống đào tạo mới lại vô cùng phức tạp và đa dạng. Thực chất đó là yêu cầu đối với một tổ hợp kiến trúc đa chức năng: học tập, nghiên cứu khoa học, sản xuất thực hành; Đời sống sinh hoạt, nghỉ ngơi, văn hoá, dịch vụ, TDTT. Đúng nghĩa, có thể gọi đó là một “đô thị đặc thù” với đầy đủ chức năng của nó. Đây cũng chính là yếu tố thứ 3 yếu tố đô thị, xác định tác động tương hỗ giữa đại học và đô thị.

Như trên đã nói, trường Đại học là một quần thể kiến trúc đa chức năng, nên nó đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan đô thị. Mọi giải pháp của nó ảnh hưởng rất nhiều tới đô thị cũng như ngược lại. Thực tiễn thiết kế và xây dựng trường Đại học cho thấy rằng khả năng hữu hiệu để có thể tạo mọi điều kiện cho việc hoạt động và phát huy khả năng phù hợp với tính chất đa chức năng của trường Đại học là đưa trường ra ngoại vi thành phố hoặc xa hơn, thuộc khu vực phụ cận các đô thị vệ tinh của thành phố lớn, nơi có những khả năng tương đối về đất đai, đồng thời vẫn là một bộ phận của thành phố nên vẫn không bị tách biệt khỏi đời sống tinh thần và hoạt động vật chất của thành phố. Đó cũng chính là một khuynh hướng tiên tiến và đang được lưu ý đặc biệt trong quá trình thiết kế và xây dựng trường đại học ở các nước có những yêu cầu cải cách hệ thống đào tạo: khuynh hướng tổ chức, xây dựng các Tổ hợp Đại học đa ngành hay còn gọi là Cụm Đại học hoặc Khu Đại học tập trung.

3. Các khái niệm cơ bản và xu hướng

Khu Đại học tập trung trong hệ thống đô thị không phải là một vấn đề hoàn toàn mới trong lịch sử thiết kế và xây dựng trường đại học. Trước đó nó cũng tồn tại ở dạng các tổ hợp trường như ở Pari (Pháp), ở Noridge hay Lafboro (Anh) hoặc dạng tổ hợp các trường nhỏ (mà mỗi trường nhỏ có quy mô như một khoa) - loại khá phổ biến ở các nước đang phát triển trong thế giới thứ 3 như Ấn Độ, An giê ri... hoặc dưới dạng trường đại học khổng lồ kiểu trường Lomonoxop (Matxcova - Nga) hay Cambridge (Anh), Harvard (Mỹ), Sorbonne (Pháp)..... Song vấn đề Khu Đại học tập trung được thực sự chú ý và thể nghiệm bắt đầu từ cuối những năm 60 và đặc biệt trong thập kỷ 70. Cũng bắt đầu từ những năm này, Khu Đại học tập trung được xem xét thiết kế thể nghiệm phục vụ cho những yêu cầu của hệ thống đào tạo hoàn chỉnh. Cho tới nay, tuy các lý thuyết vẫn ở trong giai đoạn đi tới một hướng tương đối thống nhất quan điểm, song trong thực tiễn có rất nhiều Khu Đại học tập trung đã được thiết kế và xây dựng như ở Liên Xô cũ, Phần Lan, các nước Đông Âu và đặc biệt là các nước phát triển ở Châu Á..., tuỳ theo các quan điểm tổ hợp khác nhau.

Phân tích quá trình hình thành Khu Đại học tập trung và các lý thuyết khác nhau cũng như thực tiễn thể nghiệm ở các công trình của các nước kể trên, ta có thể đi tới định nghĩa đơn giản nhất là: Khu Đại học tập trung là tổ hợp của hai trường đại học trở lên trong cùng một khu đất xét về cơ cấu tổ hợp. Khu Đại học tập trung có dạng sau:

a. Tổ hợp của những trường có liên quan theo ngành dọc như các trường kỹ thuật, nghệ thuật, kinh tế, xã hội... như khu các trường nghệ thuật ở CuBa, khu trường kỹ thuật ở Sophia (Bungari), khu trường kỹ thuật ở Otanien (Phần Lan), khu trường nghệ thuật ở La Villentte (Pari - Pháp).

b. Tổ hợp của những trường khác ngành dọc hay còn gọi là đa ngành như thành phố sinh viên ở Tasken (Uzbekistan). Khu các trường đại học trên đại lộ Vemadskiy - Matxcova, thành phố đại học Tulouse - Pháp và đặc biệt là mô hình University lớn phổ biến ở các nước phương tây và các nước phát triển.

c. Tổ hợp các trường đại học với các trung tâm nghiên cứu khoa học (như khu ở Roxtock trên sông Đông (Liên Xô cũ), khu đại học ở Bydgose (Balan), Tsukuba - Tokyo (Nhật Bản).

d. Tổ hợp của các trường đại học với các khu chế xuất, khu công nghệ cao...

 Xét về tính chất cũng có thể phân Khu Đại học tập trung thành 2 thể loại:

- Đứng cạnh nhau do vị trí phân đất của thành phố.
- Có những phần tử chung nhau.

Xuất xứ của khu đại học theo quan điểm hiện đại là từ ý đồ quy hoạch đô thị chung nhằm tạo lập một khu vực học tập trong toàn bộ đô thị, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển phù hợp với tính chất đa chức năng của một tổ hợp kiến trúc phức tạp như đã nói ở trên, thể loại 1 thực chất chỉ là khu trên hình thức và chỉ mói đáp ứng phần nào về yêu cầu phân khu trong đô thị. Xây dựng theo thể loại 1, tức là ta tiến hành xây dựng:

- Những công trình cho từng khu, từng trường mà không căn cứ vào điều kiện và nhu cầu của trường và toàn khu đại học cũng như toàn trung tâm khoa học của khu vực.

Khuynh hướng này dẫn tới việc không tận dụng hết các công suất của cơ sở vật chất, không phát huy được hết khả năng của trang thiết bị cũng như đội ngũ cán bộ giảng dạy và phải xây dựng lặp lại các công trình giống nhau riêng cho từng trường.

Bởi vậy, ở đây chủ yếu đề cập tới thể loại 2 của khu đại học tổ hợp của các trường đại học có những phần tử chung nhau. Song vấn đề tìm những cái chung và để lại những cái gì riêng là một vấn đề còn đang được tranh cãi khá sôi nổi. Tìm ra được mức độ sử dụng những cái gì chung trong tổ hợp trường là tìm ra chìa khoá của bài toán.

Phương pháp luận của khoa học đòi hỏi phải bắt đầu từ cơ cấu từng trường trong tổ hợp, mối liên quan giữa các phần tử giống nhau và không giống nhau của các trường, từ đó đi sâu vào phân tích các liên quan đó và cuối cùng mới có thể đi tới cơ sở để thiết lập những phần tử chung trong khu các trường đại học.

Mỗi một trường đại học theo bố trí cơ cấu hiện đại bao giờ cũng phải tuân theo sự phân khu chức năng chặt chẽ. Bất kỳ một trường nào cũng gồm các khu chức năng: học tập, các trung tâm (hiệu bộ, hành chính, văn hoá, thông tin, thư viện); khu ở, khu dịch vụ, nghiên cứu khoa học, TDTT, nghỉ ngơi (các khu chức năng tuỳ theo quy mô và mô hình tổ chức có các sơ đồ phân khu chức năng của: đại học đơn ngành, đại học đa ngành, đại học vùng, đại học quốc gia).

Về lý thuyết và thực tiễn ứng dụng, Khu Đại học tập trung bao gồm các mô hình dưới đây:

a. Tập hợp các trường độc lập được xếp cạnh nhau trong cùng một khu đất, đóng vai trò là một khu chức năng chuyên ngành của thành phố.

b. Một đại học có quy mô thật lớn bao gồm các trường, khoa thành viên, có một sự quản lý nội tại chặt chẽ như một đơn vị đô thị độc lập với thành phố.

c. Liên hệ các trường đại học, cao đẳng độc lập về cơ sở đào tạo nhưng lại có những cơ sở, trung tâm dùng chung khác (thư viện - thông tin thư viện, hội nghị hội thảo, TDTT, khu ở và dịch vụ).

Tham gia các khu đại học này là các trường đại học, cao đẳng và một số loại hình khác, nên cũng có thể hình thành các khu đại học - nghiên cứu khoa học đa ngành đa cấp.

Như vậy theo mô hình thứ nhất, khu đại học là một tổ hợp các trường độc lập tối đa, mỗi trường đều có các khu chức năng của mình. Phần chung trong loại khu này là các trung tâm dịch vụ và văn hoá, hạ tầng kỹ thuật.

Mô hình thứ hai: Khu đại học như một liên hợp các trường đại học mang tính liên kết trong đào tạo, có chung các khu trung tâm nghiên cứu, thông tin lưu trữ, máy tính, văn hoá, dịch vụ... khu ở, TDTT và nghỉ ngơi.

Như vậy, mô hình thứ nhất chú trọng việc ưu tiên các liên hệ nội tạng của từng trường, cho nên đã đề ra hướng đảm bảo sự độc lập tối đa cho từng trường. Do đó, khu đại học trong trường hợp này chỉ dừng ở phạm vi là một đơn vị đô thị bình thường có những trung tâm dịch vụ và văn hoá phục vụ cho những đơn vị đô thị nhất định. Chính vì vậy mà những ưu việt của tính chất khu không được phát huy.

Mô hình thứ hai, trái lại đã chú trọng hàng đầu tới việc tổ chức các khu chức năng chung, nhằm sử dụng đến tối đa các công trình của tất cả các khu chức năng. Mô hình này chỉ thực sự chứng minh được tính ưu việt của nó khi con số sinh viên và tính chất cũng như số lượng trường thành viên trong khu có giới hạn.

Vượt quá giới hạn đó, các khu chức năng sẽ trở nên khó hoạt động theo đúng chức năng của mình. Đặc biệt trong khâu quản lý, trường đại học ở đây đã vượt quá phạm vi trường đại học thông thường và tổ chức quản lý của nó cũng vượt khỏi phạm vi tổ chức quản lý một trung tâm đào tạo. Đồng thời, liên hệ giữa các sinh viên bị hạn chế, các yếu tố đào tạo, xã hội... không giữ được những tác dụng nhất định trong guồng máy khổng lồ đó. Vậy vấn đề của mô hình này là giới hạn giới sinh viên trong khu đại học. Thực tiễn ở các nước tiên tiến cho thấy, giới hạn trong loại khu này là 30.000 sinh viên. Dĩ nhiên con số đó đối với những nước, những vùng mà nhu cầu đào tạo không đòi hỏi nhiều về số lượng, đồng thời các khả năng kỹ thuật chưa cao lắm thì giới hạn đó sẽ còn thấp hơn.

Mô hình thứ ba thực tế đã xuất phát từ cơ cấu chức năng của từng trường thành viên, rồi từ đó giữ lại cho từng trường tính đặc thù được thể hiện rõ nét nhất trong khu chức năng cơ bản khu học tập. Còn lại các chức năng khác ít nhiều mang những nhiệm vụ giống nhau nên có khả năng tạo thành những khu chức năng chung.

Đây chính là mô hình liên kết sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật tạo tiền đề cho các mô hình liên thông trong đào tạo và sử dụng chuyên gia. Xây dựng hệ thống kỹ thuật hạ tầng đồng bộ, khai thác hiệu quả các tài nguyên đất đai và công trình nhằm phát huy hiệu quả cơ sở đào tạo và nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực khu vực. Đặc biệt việc sử dụng liên thông giữa các trường trong khu cho phép tiết kiệm đáng kể diện tích đất (gần 30%).

Như vậy Khu Đại học tập trung được tổ chức như một đô thị đặc thù (tính chất cư dân, quan hệ xã hội, cơ cấu chức năng, mật độ xây dựng, môi trường sinh thái ecopark...) là một tổ hợp kiến trúc đa chức năng (học tập, nghiên cứu, sản xuất, thực hành, sinh hoạt, nghỉ ngơi, dịch vụ, văn hoá, TDTT).

Trong mối quan hệ hữu cơ với đô thị và trong quá trình phát triển, tuỳ thuộc vào tính chất quy mô, vị trí của đại học và đô thị sẽ diễn ra quá trình đô thị hoá đại học hoặc ngược lại đại học hoá đô thị.

4. Kinh nghiệm quốc tế tiêu biểu và Việt Nam

- Thành phố Khoa học - Đào tạo Tsukuba - Nhật Bản
- Tổ hợp Đại học Quảng Châu - Trung Quốc

- Đại học Quốc gia Hà Nội
- Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
- Khu Đại học Phố Hiến - Hưng Yên
- Khu Đại học Kinh Bắc - Bắc Ninh
- Khu Đại học Sài Gòn - Long An
- Khu Đại học Bình Thuận
- Khu Giáo dục - Đào tạo tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc

 5. Kết luận

Đối với Việt Nam, một đất nước trải qua 30 năm chiến tranh cơ sở vật chất của các trường quá nghèo nàn, mâu thuẫn với một truyền thống đào tạo có nhiều thành tựu của ngành đại học. Trong công cuộc xây dựng nền kinh tế của đất nước, yêu cầu về đào tạo ngày một cao. Xuất phát từ chỗ chưa có gì và còn ít quá đồng thời trong những điều kiện khó khăn của nền kinh tế, việc xây dựng cơ sở vật chất trường đại học càng cần phải có con đường ngắn đồng thời phải áp dụng được những tiến bộ KHKT trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng trường đại học trên thế giới. Khuynh hướng tổ chức Khu Đại học tập trung như một đô thị đặc thù, một mô hình đang có nhiều triển vọng ở nhiều nước trên thế giới, hoàn toàn đáng được chú trọng và coi đó là một trong những hướng cơ bản để quy hoạch mạng lưới và xây dựng hệ thống cơ sở vật chất của các trường đại học. Sự ra đời của các Đại học Quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các Đại học vùng (mang tính đa ngành) Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Cần Thơ... cũng như các dự án, đề án xây dựng các Khu đại học Phố Hiến - Hưng Yên, Khu đại học Kinh Bắc - Bắc Ninh, Khu Đại học Sài Gòn - Long An, Khu Đại học Bình Thuận, Khu Giáo dục - Đào tạo tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc đang được xem xét chấp thuận và triển khai đã đánh dấu một bước quan trọng về mặt tổ chức và tiền đề cho việc xây dựng các tổ hợp đại học hiện đại.

Đặc biệt, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và 2 thành phố Hà Nội & Hồ Chí Minh lập Quy hoạch xây dựng Hệ thống trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Vùng Thủ đô và Vùng Hồ Chí Minh, mà một trong những định hướng chính là Quy hoạch những Khu Đại học tập trung - Đô thị vệ tinh ở các quỹ đất ngoại vi thành phố.

Trong tình hình đó, công tác nghiên cứu ứng dụng lý thuyết tổ hợp Khu Đại học tập trung đã có thể phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ thiết kế quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất các khu trường theo mô hình tiên tiến nhằm đáp ứng được nhu cầu của công nghệ đào tạo.

 

 Nguồn: Sài Gòn Đầu tư & Xây dựng số 3/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)