Qua đó, các địa phương trong vùng tích cực triển khai nhiều giải pháp nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.
Khu Công nghệ cao, quận 9, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Quang Nhựt/TTXVN
Xu hướng chuyển đổi xanh
Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh là việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với sự quan tâm dành cho môi trường, nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng cuộc sống cao cho thế hệ hiện tại và tương lai, đạt được thông qua phát triển văn minh và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Trong bối cảnh tài nguyên tự nhiên dần cạn kiệt do khai thác quá mức, các quốc gia và doanh nghiệp có xu hướng tìm đến chuyển đổi xanh nhằm ứng phó với khủng hoảng cạn kiệt tài nguyên.
Kinh tế xanh là quá trình chuyển đổi mà Việt Nam phải trải qua để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và chống chọi với biến đổi khí hậu; trong đó, trung tâm công nghiệp, tài chính của cả nước là TP Hồ Chí Minh đóng vai trò then chốt. Có nhiều lĩnh vực tác động chủ yếu đến kinh tế xanh của TP Hồ Chí Minh như: phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển…
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 là mục tiêu đầy tham vọng. TP Hồ Chí Minh xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới và mong muốn, kêu gọi sự đồng hành, hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện được mục tiêu.
Nằm ở trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, tỉnh Bình Dương có số lượng lớn các khu công nghiệp. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, tỉnh đang tiếp tục quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút các ngành công nghệ cao. Từ đó, xác định thực hiện cải thiện kết cấu và hình thái không gian đô thị khu vực phía Nam, dịch chuyển công năng các khu sản xuất công nghiệp lên vùng lõi mới phía Bắc, gắn với tái cơ cấu để trở thành các khu, cụm công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn và khu công nghiệp khoa học - công nghệ, để lại không gian phía Nam cho phát triển đô thị, dịch vụ và thương mại.
Thực tế, Bình Dương đã khởi công xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) có diện tích 1.000 ha với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng, tại huyện Bắc Tân Uyên. Đây là minh chứng cho quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới - hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao của tỉnh Bình Dương. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, dự án VSIP III đánh dấu một bước phát triển mới của Bình Dương. Đặc biệt, dự án được triển khai theo hướng xanh hơn, thông minh hơn, bền vững hơn, bao trùm hơn, phù hợp với xu thế của thế giới và Việt Nam.
Tại tỉnh Đồng Nai, do công nghiệp phát triển sớm và nhanh nên đã đón được nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư ồ ạt trong thời gian dài gây ra không ít thách thức về môi trường, hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội.
Hơn một thập kỷ trở lại đây, Đồng Nai đã thu hút đầu tư có chọn lọc, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh và tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Nhiều tập đoàn nước ngoài đã tiên phong đổi mới, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm năng lượng như: Bosch, Hyosung, Schaeffler, Nestlé…
Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai Thái Thanh Phong cho biết, từ năm 2010, tỉnh Đồng Nai triển khai chương trình sản xuất sạch hơn với nhiều giải pháp thiết thực; trong đó, có hỗ trợ tập huấn kiến thức, chi phí đổi mới công nghệ, kiểm toán năng lượng. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp trở thành bạn hàng với các thương hiệu đa quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn.
Bên cạnh đó, tỉnh còn nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ vào thực tiễn lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động… để hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện, bền vững.
Triển khai nhiều giải pháp
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố đã và đang tiến hành các biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Cuối năm 2022, việc ban hành Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh và gần đây, Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế chính sách đột phá phát triển TP Hồ Chí Minh đã tạo nên khung pháp lý và định hướng cho quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
TP Hồ Chí Minh cũng đang tập trung vào việc nâng cao hạ tầng xanh, xây dựng lực lượng lao động có kiến thức về phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác quốc tế và hợp tác công - tư để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Đặc biệt, thành phố cũng đặt mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050 và đang thực hiện kế hoạch "Cần Giờ không phát thải đến năm 2030" tại huyện Cần Giờ.
Với tỉnh Bình Dương, hàng loạt khu dân cư, khu đô thị mới, đường giao thông, các công trình phúc lợi được hình thành làm thay đổi diện mạo hạ tầng kỹ thuật của tỉnh, trong đó có cây xanh. Nhiều tuyến đường trục chính đô thị, đường liên khu vực được đầu tư đồng bộ kết hợp trồng mới hoặc thay thế cây xanh. Tại nhiều tuyến đường thuộc thành phố Thủ Dầu Một, trung tâm tỉnh Bình Dương như: 30/4, Thích Quảng Đức, Huỳnh Văn Nghệ, Lê Thị Trung, Yersin, Huỳnh Văn Lũy, Phạm Ngọc Thạch là những hàng cây sum suê cành lá tỏa bóng mát. Tất cả các loại cây được trồng trên mỗi tuyến đường đã tạo không gian xanh, cảnh quan, mỹ quan đô thị, trở thành nét đặc trưng của thành phố Thủ Dầu Một.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh đang định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp thông minh - sinh thái. Từ đó, tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch; dành tối thiểu 25% diện tích khu công nghiệp cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung; có giải pháp bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động…
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để phát huy hiệu quả mô hình khu công nghiệp sinh thái, thời gian tới cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ, ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, cần bổ sung chính sách ưu đãi cho các khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái… để khuyến khích doanh nghiệp và địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai, hưởng ứng việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Tại tỉnh Đồng Nai, thực hiện chuyển đổi xanh kết hợp tăng trưởng kinh tế, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tính tự chủ và khả năng thích ứng với môi trường của kinh tế tỉnh Đồng Nai; gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai phát triển các ngành công nghiệp - xây dựng có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch đi đôi với bảo vệ môi trường; Tỉnh tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng; trong đó, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh, về nguồn kết hợp khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa, sản phẩm của địa phương… Tỉnh xác định, đô thị hóa phải trở thành động lực phát triển quan trọng của địa phương, tương xứng với sự phát triển của công nghiệp, kiến tạo môi trường sống tốt hơn cho người dân.