Giàn giáo là một trong những vấn đề an toàn lao động chủ chốt trong thi công xây dựng. Giàn giáo là kết cấu tạm thời, phục vụ trong thi công xây dựng để chịu các lực của tải trọng bên trên tác động nhất thời trong khi bản thân kết cấu chưa đủ sức chịu tải hoặc chưa có kết cấu chịu lực khác thay thế. Hệ thống giàn giáo đỡ tải bên trên và truyền xuống cần được tính toán cẩn thận, gia công chế tạo và lắp dựng đúng quy cách theo thiết kế mới bảo đảm an toàn sử dụng.
Các yêu cầu về giàn giáo: giàn giáo cần được thiết kế cho mỗi trường hợp sử dụng: Theo Thông tư số 22/2010/TT- BXD quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng: “Trước khi khởi công xây dựng phải có thiết kế biện pháp thi công được duyệt, trong biện pháp thi công phải thể hiện được các giải pháp đảm bảo an toàn lao động cho người lao động và máy, thiết bị thi công đối với từng ông việc”. Nhà thầu thi công xây dựng công trình bao gồm cả tổng thầu, nhà thầu chính và nhà thầu phụ trên công trường có trách nhiệm: lập và phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình. Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra thực tế các diễn biến công trường để điều chỉnh biện pháp thi công, biện pháp an toàn lao động cho phù hợp. Tuyển chọn và bố trí người lao động kỹ thuật trên công trường đúng chuyên môn được đào tạo, đủ năng lực hành nghề, đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật. Đồng thời cung cấp đầy đủ các trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Quy định này trong Thông tư 22/2010/TT- BXD có thể được hiểu rằng trươc khi sử dụng giàn giáo làm hệ chống đỡ cốp pha hay sử dụng giàn giáo làm phương tiện tiếp cận vị trí thi công, nhà thầu cần lập biện pháp thi công và tổ chức phê duyệt biện pháp thi công này. Biện pháp thi công do nhà thầu phê duyệt phải được chủ đầu tư chấp thuận bằng văn bản và đồng ý cho sử dụng để thi công công trình.
Các yêu cầu khi thiết kế biện pháp thi công giàn giáo:
Có 2 tiêu chí quan trọng sử dụng khi thiết kế và thi công giàn giáo là:
- Đủ chịu lực (bảo đảm về cường độ)
- Bảo đảm độ ổn định của kết cấu giàn giáo
Để đảm bảo tiêu chí thỏa mãn các yêu cầu về cường độ cần:
+ Tính toán đủ các tải trọng liên hệ giàn giáo
Những tải trọng để tính toán giàn giáo cốp pha tham khảo Phụ lục 1 của TCVN 4453: 1995 kết cấu bê tông và bê tông cốt thép toàn khối- quy phạm tgi công và nghiệm thu.
+ Ngoài ra, với các kết cấu có tải trọng rất nặng tác động như giàn giáo đỡ hệ cốp pha cho kết cấu dầm chuyền trong việc xây dựng nhà cao tầng, phải kể hết tải trọng tác động liên hệ giàn giáo, sót tải trọng sẽ dẫn đến sự cố là hệ giàn giáo không đủ sức chịu tải nên vật liệu của thanh bị phá hoại mà hư hỏng.
+ Khi tính toán giàn giáo theo cường độ, phải kiểm tra sự chịu lực của từng thanh trong hệ giàn giáo và sự chịu lực của các thanh khi ghép các thanh thành hệ khung giáo.
+ Cần lưu tâm khi nối các thanh ngắn thành dài, cần kiểm tra cường độ ở mói ghép giữa các thanh.
+ Vật liệu làm giàn giáo còn đủ tốt để sử dụng được. Cần kiểm tra chặt chẽ chất lượng vật liệu sử dụng làm giàn giáo. Tre, gỗ, đã bị mục, bị mối xông hoặc bị khuyết do các tác động cơ học con người tạo nên, không được tiếp tục sử dụng. Thanh, ống kim loại trong giàn giáo thép nếu bị ăn mòn, gỉ sét hoặc bị biến hình do va đập, móp, bẹp cũng không được sử dụng .
Để đảm bảo độ ổn định của hệ thống giàn giáo phải kiểm tra:
+ Kiểm tra độ ổn định của từng thanh theo tiêu chí độ mảnh của thanh.
+ Kiểm tra độ ổn định của hệ khi ghép các thanh thành giàn phẳng hoặc giàn không gian.
+ Biện pháp bảo đảm độ tỳ sát (lực ép mặt) của đầu trên các thanh giàn với tải trọng bên trên tác động xuống giàn giáo.
+ Cần đảm bảo tuyệt đối về an toàn cho cấu trúc đỡ dưới giàn giáo. Cấu trúc đỡ này phải đủ sức chịu tải, không bị chuyển dịch do trơn trượt hay bị chuyển dịch cưỡng bức khác.
+ Hệ giàn giáo phải neo, gắn với công trình bảo đảm chống chuyển dịch toàn hệ thống do các tải trọng ngang như gió, lốc hay các rung chuyển đất vì những lý do khác nhau (nổ mìn gần, xe trọng tải lớn đi gần, những lý do tạo rung khác…).
+ Đặc biệt lưu tâm đến các liên kết giữa các thanh giàn giáo: phải bảo đảm liên kết đúng các điều kiện thiết kế để xuất. Vật liệu để liên kết phải mới, bảo đảm các tiêu chí thiết kế và những vị trí liên kết phải được thi công tốt, chặt, bền.
Vạt liệu làm giàn giáo phơi lộ mưa, nắng cần được kiểm tra định kỳ và thường xuyên. Kỳ kiểm tra nên là 10 ngày vào mùa khô và 7 ngày vào mùa mưa.
+ cần hết sức lưu tâm khi thiết kế, kiểm tra và lắp dựng hệ giàn giáo là những thanh giằng, kết cấu giằng. Thanh giằng và kết cấu giằng tạo ổn định cho hệ giàn giáo, chống biến hình và mất ổn định.
Nguy cơ mất an toàn: ngã cao khi làm việc trên giàn giáo (thi công, sửa chữa, làm vê sinh…) do sập, đổ giàn, trơn trượt…Ngã cao khi di chuyển, leo trèo theo đường giàn giáo, đi lại trên giàn giáo. Ngã cao do vi phạm quy trình an toàn không sử dụng đai an toàn, ngã cao do làm việc trên giàn giáo không được lắp đặt đúng kỹ thuật, giàn giáo không có sàn công tác hoặc không đảm bảo an toàn, do gãy, sụp sàn công tác. Nga xcao do di chuyển, trèo lên, xuống giàn giáo. Ngã cao do ảnh hưởng hàn làm chói mắt, do không đủ ánh sáng ban đêm, do giật mình trong lúc làm việc.
Do đó, để đảm bảo an toàn người làm việc trên cao phải đảm bảo các yêu cầu: từ 18 tuổi trở lên, có giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe làm việc trên cao do cơ quan y tế cấp. Định kỳ 6 tháng phải được kiểm tra sức khỏe một lần. Phụ nữ có thai, người bệnh tim, huyết áp, tai điếc, mắt kém không được làm việc trên cao. Có giấy chứng nhận đã được học tập và kiểm tra đạt yêu cầu về an toàn lao động do Giám đốc đơn vị xác nhận. Đã được trang bị và hướng dẫn sử dụng các phương tiện bảo vệ khi làm việc trên cao: giây an toàn, quần áo, mũ bảo hộ lao động. Công nhân phải tuyệt đối chấp hành kỷ luật và nội quy an toàn lao động làm việc trên cao. Thực hiện tốt các nội quy kỷ luật và an toàn lao động khi làm việc trên cao: nhất thiết phải đeo dây an toàn tại những nơi đã quy định. Việc đi lại, di chuyển chỗ làm việc phải thực hiện theo đúng nơi, đúng tuyến quy định, cấm leo trèo để lên xuống vị trí ở trên cao, cấm đi lại trên đỉnh tường, đỉnh dầm, xà, dàn mái và các kết cấu đang thi công khác. Lúc tối trời, mưa to, gió lớn, giông bão hoặc gió mạnh từ cấp 5 trở lên không được làm việc trên giàn giáo cao, ống khói, đài nước, cột tháp, trụ hoặc dầm cầu, mái nhà 2 tầng trở lên.
Việc bắc giàn giáo cho công nhân làm việc ở trên cao cũng như việc tháo giàn giáo và cải tiến giàn giáo đều phải do cán bộ phụ trách kỹ thuật cho phép mới được thực hiện.
Giàn giáo phải chắc chắn. Tay vịn lan can phải phải có chiều cao từ 0,9- 1,15m so với mặt sàn. Khoảng cách giữa giàn và tàu không quá 200mm.
- Giàn giáo phải cố định tránh đung đưa (nếu là giàn treo).
- Giàn giáo chồng phải đảm bảo độ cứng vững, chắc chắn.
Dây cáp treo giàn phải thỏa mãn yêu cầu về kỹ thuật, mỗi tháng phải kiểm tra một lần nếu không đảm bảo phải thay thế. Các đầu giàn giáo chồng lên nhau phải cố định chắc chắn bằng dây thép, dây cáp. Bảo đảm không đứt, trượt giữa 2 giàn với nhau. Tất cả nguyên vật liệu dùng làm giàn giáo, bệ đứng phải được kiểm tra định kỳ với thời gian không quá 6 tháng để xác định chất lượng, kể cả chất lượng các mối hàn. Khi làm việc ở độ cao trên 2 m mọi người đều phải đeo dây an toàn. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, nếu ở bên dưới có nhiều chướng ngại: các vật sắc nhọn, điện, các vật di chuyển có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người lao động, phải đeo dây an toàn khi làm việc ở độ cao từ 0,5m trở lên.
Thực hiện các quy định về an toàn lao động khi làm việc trên cao. Có hệ thống chống sét đối với giàn giáo cao. Giàn giáo cao làm bằng kim loại nhất thiết phải có hệ thống chống sét riêng. Khi nghiệm thu và kiểm tra giàn giáo phải xem xét những vấn đề sau: sơ đồ giàn giáo có đúng thiết kế không , cột có thẳng đứng và chân cột có đặt lên tấm gỗ kê để phòng lún không? Có lắp đủ hệ giằng và những điểm neo giàn giáo với công trình để đảm bảo độ cứng vững và ổn định không? Các mối liên kết có vững chắc không? Mép sàn thao tác, lỗ chừa và chiếu nghỉ cầu thang có lắp đủ lan can an toàn không. Đối với giàn giáo di động (giàn giáo ghế), lúc đứng tại chỗ, các bánh xe phải được cố định chắc chắn. Đường để di chuyển giàn giáo phải bằng phẳng. Việc di chuyển giàn giáo di động phải làm từ từ. Cấm di chuyển giàn giáo di động nếu trên đó có người, vật liệu, thùng đựng rác… Sàn công tác phải chắc chắn, đảm bảo chịu được tải trọng tính toán, không trơn trượt, khe hở giữa các ván sàn không được vượt quá 10mm. Vật liệu được lựa chọn làm sàn phải có đủ cường độ, đáp ứng các yêu cầu thực tế, không bị ăn mòn hóa học và chống xâm thực của khí quyển.
Nguồn: Tạp chí Xây dựng, số 11/2013