Ngày 30/9/2024, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức Diễn đàn Công nghệ ngành Xây dựng, với sự tham dự của đông đảo nhà quản lý; chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đại diện các doanh nghiệp, đại diện sinh viên các trường Đại học thuộc Bộ Xây dựng.
Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh phát biểu khai mạc diễn đàn
Phát biểu khai mạc diễn đàn, được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết, diễn đàn Công nghệ ngành Xây dựng là dịp để Bộ Xây dựng giới thiệu các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: quy hoạch kiến trúc, hạ tầng đô thị, hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của một số lĩnh vực khác thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành Chiến lược khoa học công nghệ giai đoạn 2012-2021, đang triển khai thực hiện Chiến lược khoa học công nghệ giai đoạn 2022-2030 và đã đạt được những thành tựu nổi bật trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như: nghiên cứu hoàn thiện thể chế; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn; nghiên cứu ứng dụng, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu xử lý tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đốt than để làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp, nghiên cứu xây dựng đường cơ sở phát thải khí nhà kính của các nhà máy sản xuất xi măng, sản xuất gạch, sản xuất vôi, sản xuất kính xây dựng để phục vụ quá trình kiểm kê khí nhà kính và xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP26.
Toàn cảnh diễn đàn
Để ngành Xây dựng tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, theo Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh, thời gian tới ngành Xây dựng sẽ tập trung nâng cao hơn nữa trình độ làm chủ việc thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp (không gian ngầm, công trình ngầm, dạng điểm, dạng tuyến có chiều sâu lớn hơn 30m, nhà cao trên 150m...); ứng dụng và chuyển giao các công nghệ xây dựng tiên tiến, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm mức phát thải ròng bằng 0 theo lộ trình của Chính phủ; nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, tính năng cao, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện và bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng vật liệu tái chế trong công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương pháp luận công tác quy hoạch xây dựng; hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý đô thị, kiến trúc đô thị và nông thôn, theo hướng bền vững, hiện đại, có bản sắc và phù hợp với điều kiện phát triển từng địa phương; ứng dụng các công nghệ thông minh, tiên tiến hiện đại trong quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống kỹ thuật trong và ngoài nhà; nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Xây dựng; nghiên cứu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để hoàn thành việc biên soạn bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo lộ trình đã được phê duyệt; đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Xây dựng.
Viện trưởng Nguyễn Hồng Hải phát biểu tại diễn đàn
Tại diễn đàn, thông qua tham luận Đổi mới sáng tạo trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng, TS. Nguyễn Hồng Hải - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng cho biết, năm 2018, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 198/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng (Đề án 198), trong đó yêu cầu hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phải ngắn gọn, mang tính hội nhập khu vực và quốc tế. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiên cứu, cơ cấu toàn bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật xây dựng thành 12 Quy chuẩn. Đến nay, 9/12 Quy chuẩn đã được ban hành. Theo kế hoạch, đến hết 2025, toàn bộ 12 Quy chuẩn sẽ được hoàn thành và ban hành. Về Tiêu chuẩn, 128 tiêu chuẩn cốt lõi, theo định hướng mới (Châu Âu), dự kiến đến năm 2025 cũng sẽ được xây dựng, ban hành và triển khai áp dụng thực tiễn trong giai đoạn đến năm 2030, song song với việc soát xét một số tiêu chuẩn của Nga.
Về đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất và thử nghiệm vật liệu xây dựng, TS. Vũ Văn Dũng - Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng cho biết, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đang trở thành một xu hướng quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, tính bền vững và hiệu quả kinh tế của công trình. Sự đổi mới trong lĩnh vực vật liệu xây dựng không chỉ giúp cải thiện hiệu suất và độ bền của công trình mà còn hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Các chuyên gia, nhà quản lý tham gia trao đổi ý kiến tại diễn đàn
Thời gian qua, Viện Vật liệu xây dựng đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng mô hình in 3D trong chế tạo bê tông. Đây là một phương pháp xây dựng tiên tiến sử dụng máy in 3D để tạo ra các cấu kiện bê tông thông qua việc xếp chồng lớp bê tông theo mô hình kỹ thuật số đã thiết kế sẵn; phù hợp với chiến lược phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong ngành Xây dựng ở nước ta nhằm hiện thực hoá Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Viện Vật liệu xây dựng cũng đã nghiên cứu công nghệ sử dụng tro bay nhiệt điện thay thế cốt liệu tự nhiên để chế tạo tấm tường rỗng đúc sẵn theo công nghệ đùn ép. Theo đó, có thể sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có trong nước để chế tạo tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép với hàm lượng tro xỉ nhiệt điện thay thế tối đa 100% cốt liệu thiên nhiên. Việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm cốt liệu cho sản xuất bê tông nói chung và sản phẩm tấm tường nói riêng là một giải pháp hữu ích về cả mặt kinh tế, kỹ thuật, xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, Viện cũng đã nghiên cứu sử dụng thạch cao phospho để sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền móng đường giao thông, vật liệu san lấp mặt bằng công trình xây dựng.
Tại diễn đàn, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng trình bày những kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua ứng dụng Hệ thống tin địa lý (GIS) trong quy hoạch. Bên cạnh đó, các diễn giả, chuyên gia, đại biểu khách mời cũng tham gia trao đổi, thảo luận về chính sách phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Bộ Xây dựng cũng như thông tin khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng trong nước và quốc tế, nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành Xây dựng.