Ý kiến đối với các nội dung trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn

Thứ ba, 02/01/2018 15:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
 Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn 43/BXD-HTKT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh về ý kiến đối với các nội dung trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn

Sau khi nhận được văn bản số 10978/STNMT-CTR của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đề nghị có ý kiến đối với các nội dung trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn. Bộ Xây dựng đã nghiên cứu và có ý kiến như sau:
1. Về tiêu chí xét chọn dự án đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải.

Việc lựa chọn dự án đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: quy hoạch chất thải rắn được phê duyệt (xác định vị trí, quy mô, quỹ đất, định hướng công nghệ cơ sở xử lý chất thải rắn,...), khả năng tài chính, quy chuẩn – tiêu chuẩn, điều kiện của địa phương, các yếu tố ảnh hưởng khác,…

Thời gian qua, trước nhu cầu cấp thiết trong việc lựa chọn các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn trên địa bàn, một số địa phương trên cơ sở quy hoạch chất thải rắn được phê duyệt đã chủ động xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý chất thải rắn phù hợp với các điều kiện của địa phương như Hà Nội, Cần Thơ,…

Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tổ chức lập quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn, làm cơ sở lập kế hoạch đầu tư xây dựng, tổ chức thu hút, lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn phù hợp với mục tiêu quản lý tổng hợp chất thải rắn trên địa bàn thành phố.

2. Về quy định kiểm tra, giám sát và nghiệm thu hoạt động cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.

Tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích quy định: “Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là Bộ quản lý ngành) và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm xây dựng và ban hành các quy định về quản lý sản phẩm, dịch vụ công ích trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó phải quy định về chất lượng, quy cách, định mức thực hiện, giá, đơn giá theo quy định của Nhà nước để chủ yếu thực hiện theo phương thức đấu thầu, đặt hàng”.

Tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt:Ban hành các quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích việc thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Vì vậy, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu trình Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt cho phù hợp.

3. Về khoảng cách an toàn môi trường của trạm trung chuyển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Khoảng cách an toàn môi trường của trạm trung chuyển chất thải rắn được quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam – Quy hoạch xây dựng QCVN 01:2008/BXD nhằm đảm bảo khoảng cách ly tối thiểu phù hợp với các công nghệ, quy trình quản lý vận hành cơ bản của trạm trung chuyển xây dựng theo quy hoạch.

Đối với các trạm trung chuyển hiện hữu, trong điều kiện không đáp ứng khoảng cách an toàn môi trường theo quy chuẩn thì cần có các giải pháp phù hợp về quy trình, công nghệ quản lý vận hành nhằm đảm bảo yêu cầu không gây ô nhiễm môi trường, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định. Trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cần có kế hoạch di dời, đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng cho phù hợp.

4. Về hướng dẫn xác định cự ly thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Đối với công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt quy định tại mã hiệu định mức MT2.02.00 và MT2.03.00 trong tập Định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị công bố kèm theo Quyết định số 592/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thì cự ly thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong định mức được xác định từ khi phương tiện di chuyển đến địa thu rác đầu tiên (không tải), sau đó di chuyển đến điểm kế tiếp và điểm đổ rác (có tải) và quay trở về bãi tập kết (không tải).

Trường hợp công tác thu gom chất thải rắn của thành phố trong thực tế có yêu cầu kỹ thuật và điều kiện thực hiện khác với quy định trong định mức ban hành kèm theo Quyết định số 592/QĐ-BXD (sử dụng phương tiện xe tải dưới 500kg để thu gom rác tại nguồn), Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan tổ chức xây dựng định mức phù hợp trình Uỷ ban nhân dân thành phố quy định áp dụng, đồng thời báo cáo Bộ Xây dựng.

5. Về hướng dẫn mẫu hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn mẫu hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, dự kiến ban hành trong năm 2017.


Trung tâm Thông tin

Nguồn: Công văn 43/BXD-HTKT. 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)