Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Đan Phượng

Thứ năm, 21/04/2016 13:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Người dân Đan Phượng phấn khởi và tự hào khi được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố Hà Nội. Có một Đan Phượng như hôm nay chính là sự đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị với tinh thần làm việc quyết liệt, hiệu quả.  

Nghề trồng hoa ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng cho hiệu quả kinh tế cao

Phát huy lợi thế

Trước khi xây dựng NTM, huyện Đan Phượng đã đạt bình quân 10 tiêu chí/xã, trong đó, hệ thống hạ tầng đã cơ bản đạt chuẩn. Đây là tiền đề quan trọng để huyện sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Dù có nhiều điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM nhưng Đan Phượng vẫn chịu tác động rất lớn của quá trình đô thị hóa, khó khăn cho việc thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp ổn định lâu dài, nhất là sản xuất nông nghiệp chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao. Hơn nữa, môi trường nơi đây bị ảnh hường từ hoạt động sản xuất tại các làng nghề, việc xử lý rác thải, tiêu thoát nước thải sinh hoạt trong khu dân cư luôn là áp lực lớn. Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất nông nghiệp có nhiều khó khăn hơn so các địa phương khác...

Chính vì vậy, trong xây dựng NTM, Đan Phượng xác định lợi thế là huyện ven đô nên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Đồng thời, quy hoạch và xây dựng được 6 cụm công nghiệp làng nghề, phát triển 534 doanh nghiệp, thu hút 6.200 lao động. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28,8 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%. Cùng với đó, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ vượt bậc với 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng nâng cao. Đến nay, 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang luôn được duy trì. Toàn huyện có 45 làng đạt danh hiệu văn hóa, 90% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với hàng nghìn mô hình sản xuất hiệu quả; đưa cây, con có giá trị cao vào thay thế sản xuất truyền thống, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường tiêu thụ. Do đó, bình quân 4 năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,4%/năm.

Nhiều cách làm hay

Với khâu đột phá là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa số các xã trong huyện đã chuyển sang trồng hoa, cây ăn quả, hình thành các vùng chuyên canh cho giá trị kinh tế cao. Điển hình là mô hình chuyển đổi trồng lúa và hoa màu năng suất thấp sang trồng hoa ly của anh Nguyễn Đăng Thắng ở xã Song Phượng. Sau khi được người bạn ở Mộc Châu chia sẻ kinh nghiệm, anh bắt đầu thực hiện và dần dần có thu nhập khá cao từ mô hình này. Theo anh Thắng, để trồng hoa ly phải chú ý khá nhiều về thời tiết; bởi, hoa ly không chịu được khí hậu khắc nghiệt, cần phải che mát bằng lưới để giữ lượng ánh sáng vừa phải; đồng thời, đất phải được làm trước hai tháng cho đủ độ tơi và ẩm cho cây phát triển. Những củ hoa ly phần lớn được gia đình anh nhập từ các nước Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển... Qua hơn ba năm làm kinh tế từ mô hình trồng hoa ly, diện tích trồng của gia đình anh Thắng đã mở rộng thành 4 mẫu, thu nhập 400 triệu đồng/năm; thị trường tiêu thụ không chỉ ở chợ hoa Quảng Bá (Hà Nội), mà cả các tỉnh phía Bắc.

Ngoài xã Song Phượng, xã Hạ Mỗ cũng là địa phương thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới của Đan Phượng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng hoa ly; như thành công của gia đình anh Tạ Văn Tượng tại thôn Hạ Mỗ. Gia đình anh Tượng đã đầu tư sản xuất gần 1 ha hoa ly, với giá bán bình quân 150.000 - 200.000 đồng/bó, cho thu nhập 600 - 700 triệu đồng/năm. Bà Tạ Thị Bình, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp xã Hạ Mỗ chia sẻ, từ năm 2012 người dân Hạ Mỗ bắt đầu chuyển sang mô bình trồng hoa ly cao cấp, đến nay, hầu hết các hộ tham gia mô hình đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài làm giàu cho gia đình, các hộ trồng ly còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho rất nhiều lao động địa phương với tiền công trung bình 120.000 đồng/ngày.

Đột phá từ tiêu chí môi trường

Tiêu chí bảo vệ và cải thiện môi trường hướng tới sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội luôn được huyện Đan Phượng coi trọng. Một vấn đề nan giải của nhiều địa phương nói chung, Đan Phượng nói riêng đó là rác thải. Theo đó, địa phương đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và bảo vệ môi trường tới các tầng lớp nhân dân. Các mô hình bảo vệ môi trường cũng được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể và địa phương. Tiêu biểu cho cách làm đó là dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý và chế biến rác tại xã Phương Đình được triển khai xây dựng quy mô hoành tráng với hạ tầng kỹ thuật, cây xanh đồng bộ khang trang trong sự phấn khởi của người dân nơi đây. Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình (Đan Phượng) được xây dựng trên diện tích hơn 4,7 ha, với tổng mức đầu tư gần 251 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang (trong đó huyện đóng góp 50 tỷ đồng). Dự án có công suất giai đoạn 1 đạt 300 tấn/ngày đêm, đảm nhiệm xử lý toàn bộ chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đan Phượng, khu vực lân cận (Hoài Đức, Quốc Oai) và rác thải công nghiệp không nguy hại các làng nghề, khu công nghiệp... trên địa bàn thành phố.

Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình được thiết kế khép kín hoàn toàn, tích hợp bởi các modul công nghệ chính như: Hệ thống lò đốt Martin; hệ thống đốt xử lý mùi hôi, xử lý khói thải tiên tiến; công nghệ hồi phun đốt xử lý nước rỉ rác thông minh... Toàn bộ nhà máy vận hành thông qua trung tâm điều khiển tự động PLC với công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Công nghệ ứng dụng vào nhà máy bảo đảm không phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Tính ưu việt của công nghệ này không gây ô nhiễm môi trường; những khí thải sinh ra sau quá trình đốt rác được xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải quốc gia; có thể vận hành liên tục, đạt 8.000 giờ/năm; chi phí quản lý, vận hành thấp. Sau khi đưa vào vận hành, Công ty Thành Quang tiếp tục mở rộng quy mô nhà máy và tích hợp hệ thống phát điện với công suất 4-5 MWh nhằm tận dụng tối đa lượng nhiệt dư trong quá trình đốt rác. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý và chế biến Phương Đình là yêu cầu hết sức cấp thiết, phù hợp với chủ trương chính sách của Chính phủ và thành phố Hà Nội trong xử lý ô nhiễm môi trường; không những góp phần cải thiện công tác vệ sinh đô thị Hà Nội, mà còn nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của huyện Đan Phượng.


Theo hanoi.gov.vn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)