Bổ sung, hoàn thiện nâng cao chất lượng quy hoạch Thủ đô
Trước nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng dân cư cùng các cơ quan chức năng, cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) là Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã khẩn trương tiếp thu, bổ sung nhằm hoàn thiện một số nội dung. Bản Quy hoạch sau khi hoàn thiện vừa mang tính khái quát, vừa làm rõ nét hơn các không gian phát triển cho Thủ đô trong giai đoạn tới.
Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Từ cuối tháng 2/2024 đến nay, Quy hoạch Thủ đô đã tiến thêm những bước đặc biệt quan trọng: Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thống nhất thông qua ngày 23/2; Đảng đoàn Quốc hội góp ý tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 5/3; Thường trực Thành ủy thông qua ngày 13/3; Ban Thường vụ Thành ủy thông qua ngày 20/3; Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội thông qua ngày 27/3; HĐND TP. Hà Nội thông qua tại kỳ họp chuyên đề ngày 29/3 vừa qua.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, qua các hội nghị, với tinh thần khẩn trương và mong muốn Quy hoạch Thủ đô đạt chất lượng cao nhất, Viện đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, góp ý nhằm hoàn thiện một số nội dung. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thủ đô trong suốt quá trình lịch sử; đây là cơ sở khai thác, phát huy các giá trị truyền thống để phát triển Thủ đô.
Đặc biệt, về quan điểm phát triển Thủ đô đã được rà soát, hoàn thiện. Trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển Thủ đô gắn với 3 chuyển đổi: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; nhấn mạnh vai trò của Hà Nội đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, cả nước theo định hướng của Quy hoạch Quốc gia và các Nghị quyết của trung ương. Ngoài ra, các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá cũng được làm sắc nét hơn, trong đó nhấn mạnh đột phá về hạ tầng đồng bộ, kết nối và liên kết vùng.
Quy hoạch xác định giai đoạn đến năm 2030 tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là việc đầu tư 14 tuyến đường sắt đô thị để giải quyết triệt để vấn đề giao thông khu vực nội đô; xây dựng hệ thống cầu vượt sông nhằm phát triển mạnh về phía Bắc sông Hồng; nghiên cứu, xây dựng sân bay quốc tế thứ hai và sử dụng sân bay lưỡng dụng.
Phát triển hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, tạo bước chuyển nhanh trong tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng nhấn mạnh ưu tiên thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, khai thác hiệu quả hệ thống sông, hồ cho phát triển xanh và du lịch Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường không khí.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, đơn vị lập quy hoạch cũng đã làm rõ hơn định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế theo hướng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Nhấn mạnh và bổ sung các phương án phát triển kinh tế đô thị là khu vực động lực của kinh tế Thủ đô; xác định rõ hơn vai trò quan trọng của công nghiệp để kinh tế Hà Nội có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới, giúp Hà Nội thực hiện vai trò cực tăng trưởng, động lực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
Ông Lê Ngọc Anh cho biết thêm, Quy hoạch Thủ đô đến giai đoạn hiện nay đã làm rõ, nhấn mạnh hơn vai trò của văn hóa; xác định văn hóa, con người vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển Thủ đô.
Đặc biệt, đơn vị lập quy hoạch bổ sung thêm nhiều phương án quy hoạch, các giải pháp bảo tồn, phát huy, khai thác lợi thế, giá trị văn hóa, phát triển các không gian văn hóa của Thủ đô Hà Nội, nâng tầm bằng công nghệ số để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Đồng thời, bổ sung thêm nội dung nghiên cứu, xác định một số không gian văn hóa, di sản để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố toàn cầu. Ngoài ra, các nội dung về phát triển đô thị hài hòa với nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cũng đã hoàn thiện rõ nét.
Phát triển đô thị tiếp tục được khẳng định nhất quán theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái. Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô.
Đồng thời, nghiên cứu, hình thành các mô hình đô thị mới theo chức năng đặc thù: mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); đô thị đại học; đô thị sân bay; mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; đô thị 15 phút...
Đối với khu vực nông thôn, xây dựng các khu vực nông thôn theo hướng mô hình làng nông nghiệp đô thị với các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí của đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa kỹ nghệ; xây dựng một số không gian văn hóa nông thôn mang đậm nét đặc sắc văn hóa đồng bằng Bắc Bộ để bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị phục vụ du lịch.
Định hướng lớn cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết thêm, Quy hoạch Thủ đô sau khi tiếp thu, hoàn thiện những nội dung theo chỉ đạo, góp ý của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng thẩm định, lãnh đạo Thành ủy, HĐND TP. Hà Nội đã được nâng cao chất lượng.
Bản quy hoạch sau khi hoàn thiện vừa mang tính khái quát, thể hiện những định hướng lớn cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới; đồng thời làm rõ nét hơn các không gian phát triển của các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển Thủ đô.
Bên cạnh đó, làm rõ hơn những nội dung cụ thể để Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt vai trò cực tăng trưởng, động lực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ bởi chính những lợi ích cả về kinh tế, môi trường và xã hội mà nó được kỳ vọng mang lại như: Tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, kinh tế tuần hoàn đang được xem là một ưu tiên trong phát triển đất nước.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển thời gian qua, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.
Thứ nhất, quy hoạch đề xuất mục tiêu phát triển thành phố là Thủ đô văn hiến – văn minh - hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước và nhân loại; là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đi đầu về giáo dục - đào tạo theo chuẩn quốc tế; hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại; đời sống an sinh được bảo đảm toàn diện; có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực.
Quy hoạch cũng đưa ra 06 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.
Thứ hai, quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; Hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và 04 khâu đột phá chiến lược…
Với các trụ cột phát triển và khâu đột phá chiến lược trên, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đề xuất phát triển theo hướng thông minh và kinh tế số; chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm cơ sở dữ liệu lớn, hoạt động xã hội được vận hành và quản lý trên nền tảng số, điều hành thông minh.
Thứ ba, quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các loại giống cây con có vai trò dẫn dắt phát triển nông nghiệp các tỉnh phía Bắc; phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế với việc phát triển các trung tâm thương mại phức hợp cung cấp các dịch vụ tổng hợp, không gian ngầm là nơi kinh doanh, buôn bán tổng hợp thay cho các hoạt động buôn bán trên vỉa hè, đường phố; phát triển các ngành, lĩnh vực khác (y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao; lao động, việc làm, an sinh xã hội; khoa học và công nghệ; an ninh, quốc phòng, đối ngoại) đảm bảo cân đối, hài hòa.
Thứ tư, quy hoạch tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 05 trục động lực trong đó trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng với định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, thể thao, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm và các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc người cao tuổi dọc hai bên sông.
Khai thác có hiệu quả 05 tuyến hành lang và vành đai kinh tế Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển, khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN kết nối với Trung Quốc.
Tổ chức hài hòa, khai thác hợp lý 05 không gian phát triển và phát triển mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại, sáng tạo với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô bao gồm 01 đô thị trung tâm và 04 thành phố thuộc Thủ đô. Phát triển hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ thuộc khu vực nông thôn; phát triển các khu chức năng và kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng thông minh, hiện đại.
Thứ năm, quy hoạch đề cập phát triển hạ tầng giao thông kết nối 04 phương thức vận tải bao gồm hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng. Tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm Thủ đô với các trung tâm đô thị trong vùng Thủ đô. Mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài ở mức giới hạn hiệu quả; xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô để mở rộng không gian phát triển khu vực phía Nam.
Thứ sáu, quy hoạch cũng đề nghị phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc sắc của Thủ đô gắn với phục dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa kết hợp truyền thống với ứng dụng công nghệ để tái hiện lịch sử trong không gian thực tế ảo và hình thành không gian văn hóa sông Hồng với con đường di sản bai bên sông để tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước.
Có thể thấy, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, xác định rõ đây là việc mới, việc khó nhưng đây cũng là cơ hội lớn để tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới của đất nước, vùng và địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Với khẩu hiệu "Mơ xa, nghĩ lớn; khát vọng vươn lên; tầm nhìn chiến lược; giải pháp thông minh; hành động quyết liệt; kết quả thực chất, phục vụ nhân dân", cấp ủy và chính quyền thủ đô Hà Nội đang quyết tâm cao hoàn thiện bản quy hoạch thật hiệu quả góp phần định hướng phát triển thủ đô tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước.