Nhằm cải thiện căn bản điều kiện về nhà ở cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo điều kiện cho các hộ nghèo ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh mới ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về Hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2021.
Lãnh đạo thành phố Yên Bái gắn biển hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo tại xã Minh Bảo (Ảnh minh họa).
Theo Kế hoạch, năm 2021 toàn tỉnh sẽ hỗ trợ tổng số 223 nhà ở, với tổng kinh phí hỗ trợ 9.975 triệu đồng trong đó: làm mới 176 nhà, sửa chữa 47 nhà.
Cụ thể: thành phố Yên Bái 07 nhà (làm mới 04 nhà, sửa chữa 03 nhà); huyện Trấn Yên 41 nhà (làm mới 28 nhà, sửa chữa 13 nhà); huyện Văn Yên 33 nhà (làm mới 26 nhà, sửa chữa 07 nhà); huyện Yên Bình 18 nhà (làm mới 10 nhà, sửa chữa 08 nhà); huyện Lục Yên 24 nhà (làm mới 19 nhà, sửa chữa 05 nhà); huyện Văn Chấn 55 nhà (làm mới 47 nhà, sửa chữa 08 nhà); thị xã Nghĩa Lộ 22 nhà (làm mới 20 nhà, sửa chữa 02 nhà); huyện Trạm Tấu: 07 nhà (làm mới 07 nhà); huyện Mù Cang Chải: 16 nhà (làm mới 15 nhà, sửa chữa 01 nhà).
Về đối tượng hỗ trợ: Là các hộ gia đình nghèo đang cư trú thực tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, thuộc danh sách hộ nghèo của địa phương năm 2020, có toàn bộ thành viên là trẻ em, người cao tuổi, người từ 16-60 tuổi nhưng bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng hoặc ốm đau kéo dài, không có khả năng lao động hoặc có ít nhất 1 thành viên là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ làm mới hoặc sửa chữa nhà ở gồm: Có nhà ở thuộc dạng đơn sơ, thiếu kiên cố hoặc bán kiên cố cần phải sửa chữa hoặc làm mới để có nơi cư trú ổn định, an toàn. Mảnh đất dự kiến xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở của hộ gia đình đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thành viên thuộc hộ nghèo đó. Trường hợp chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc mảnh đất đó đã được hộ gia đình sử dụng ổn định, không nằm trong quy hoạch, không có tranh chấp, có thể làm nhà. Chưa từng được hỗ trợ làm nhà ở từ nguồn kinh phí ngân sách hoặc các nguồn kinh phí xã hội hóa khác trong vòng ít nhất 5 năm trở lại và hiện có nguyện vọng được hỗ trợ để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở.
Về mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ: đối với hộ đang ở nhà đơn sơ hoặc nhà bị hư hỏng nặng phải phá dỡ để làm mới.
Hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ: đối với hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng, dột nát phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.
Nguồn lực hỗ trợ làm nhà được huy động từ Quỹ vì người nghèo cấp trung ương, cấp tỉnh; các tập đoàn, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài tỉnh tỉnh tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo cấp tỉnh để hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở và nguồn vốn vận động xã hội hóa huy động từ Quỹ Vì người nghèo Trung ương.
Huy động nguồn xã hội hóa cấp tỉnh từ các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các ban, sở, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp;
Huy động nguồn xã hội hóa cấp huyện: Các huyện, thị xã, thành phố huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn.
Về nguyên tắc hỗ trợ: Địa phương phải chịu trách nhiệm hỗ trợ đất ở (chuyển mục đích sử dụng đất; vận động người thân, cộng đồng hỗ trợ hiến/tặng/cho quyền sử dụng đất).
Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ làm nhà, các hộ gia đình được hỗ trợ có trách nhiệm tham gia đóng góp kinh phí, ngày công, nguyên vật liệu và chủ động tổ chức xây dựng nhà ở; trường hợp các hộ không có khả năng tự làm nhà, Chính quyền địa phương có trách nhiệm hỗ trợ các hộ làm nhà để đảm bảo chất lượng, tiến độ, yêu cầu đề ra.
Căn nhà sau khi được hỗ trợ sửa chữa hoặc làm mới phải đảm bảo các tiêu chuẩn về diện tích, kết cấu cụ thể như sau:
+ Về diện tích: Đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với những hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà có diện tích nhỏ hơn, nhưng tối thiểu không thấp hơn 24m2)
+ Về kết cấu: Nhà sau khi được xây dựng mới phải đảm bảo được các yếu tố: Mái, cột (hoặc tường chịu lực), tường bao che và nền nhà làm bằng các vật liệu bền chắc, có tuổi thọ từ 10 năm trở lên.
+ Có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Về quy trình hỗ trợ: Căn cứ số lượng, danh sách hộ nghèo đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ làm nhà (đã được rà soát và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh), Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quyết định phê duyệt danh sách các hộ nghèo thuộc diện hỗ trợ làm nhà gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cấp kinh phí cho các huyện, thị xã, thành phố (qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thị xã, thành phố) từ nguồn Quỹ vì người nghèo và xã hội hóa cấp tỉnh; Sở Tài chính cấp kinh phí cho các huyện, thị xã thành phố từ nguồn ngân sách tiết kiệm chi năm 2020, trước mắt ứng 50% kinh phí của cấp tỉnh để hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn; 9 huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chi trả theo tiến độ làm nhà.
Ủy ban nhân dân nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đôn đốc các hộ gia đình khởi công làm nhà. Sau khi các hộ gia đình tổ chức khởi công, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phòng Tài chính các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tạm ứng 50% mức hỗ trợ để cấp phát cho các hộ nghèo triển khai làm nhà.
Sau khi các hộ hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thị xã, thành phố báo cáo và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Sở Tài chính chuyển nốt 50% kinh phí hỗ trợ còn lại của tỉnh cho địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã làm thủ tục nghiệm thu, thanh toán số kinh phí hỗ trợ làm nhà còn lại cho các hộ gia đình.