Sau nhiều năm triển khai các chủ trương, nghị quyết của cấp trên, TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) đang hội tụ đủ mọi yếu tố để trở thành một đô thị xanh, hiện đại phát triển hài hòa cả công nghiệp và du lịch với những điểm nhấn ấn tượng. Xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử là nhiệm vụ được các cấp ủy, chính quyền TP Chí Linh đã và đang tiếp tục dồn sức triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và xanh.
Một góc thành phố Chí Linh
Nhân lực lãnh đạo và hạ tầng thông tin
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu hiện đại hóa đô thị, công tác cán bộ của các cấp ủy, chính quyền thành phố đã đi trước một bước trong nhiều năm. Có thể thấy, hiệu quả của những mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ thành phố trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, ngang tầm nhiệm vụ, giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, có việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, cập nhật kiến thức mới, đặc biệt là kỹ năng lãnh đạo, quản lý, khoa học tổ chức cho từng đối tượng cán bộ.
Từ đó, nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP Chí Linh đã có đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ bản ở độ tuổi trẻ, được đào tạo bài bản và có tinh thần cống hiến cao. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Hồng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy nhận thức rõ về vai trò của khoa học - công nghệ trong phát triển, nhất là trong công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý đô thị. Sau khi được công nhận thành phố vào tháng 3-2019, địa phương này trở thành một đô thị năng động trên hành lang đông - tây, với diện tích rộng gần 283 km2, có núi non thắng cảnh giữa đồng bằng phì nhiêu, cảnh quan đô thị khang trang, với một số điểm nhấn kiến trúc. Nhiều khu đô thị, điểm dân cư mới được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được quy hoạch chi tiết tổng thể 8.340 ha, đang phát triển thêm nhiều dịch vụ mới thu hút du lịch. Trên địa bàn thành phố có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tới đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Trong năm 2020, năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, thành phố đạt số thu ngân sách hơn 1.133 tỷ đồng.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền thành phố tập trung chỉ đạo đầu tư hiện đại hóa đô thị, nhất là hạ tầng thông tin. Cụ thể, đã nâng cấp hệ thống mạng LAN , hệ thống thông tin “một cửa” điện tử liên thông ba cấp xã - thành phố - tỉnh. Hầu hết cán bộ, công chức sử dụng thành thạo máy tính. Nhiều đại hội, hội nghị học tập nghị quyết, triển khai công việc được tổ chức với hình thức trực tuyến. Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án của Thành ủy, UBND thành phố, năm 2020 toàn thành phố thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản của tỉnh, đồng thời triển khai cấp đủ chứng thư số cho các phòng, ban, đơn vị. Một số phòng, ban chuyên môn đang triển khai sử dụng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành như dữ liệu cán bộ công chức, đất đai, hộ tịch, chứng thực. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết các thủ tục hành chính giúp cho người dân, cán bộ có thể kiểm tra được quá trình một cách dễ dàng hơn.
Tất cả các xã, phường thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua bộ phận một cửa, thực hiện cải cách thủ tục hành chính có hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND phường Sao Đỏ Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết, nhờ ứng dụng các phần mềm quản lý, công việc dù tăng nhưng cán bộ phường vẫn bảo đảm tiến độ. Nhiều thủ tục được thực hiện nhanh gọn, như làm giấy khai sinh chỉ mất khoảng 15 phút. Mặt trận Tổ quốc phường thường xuyên giám sát, lấy ý kiến đo sự hài lòng của người dân. Việc kết nối trực tuyến với cấp trên tạo thuận lợi triển khai nhanh chóng, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, quản lý đất đai, quản lý kinh doanh.
Đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và xanh
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ tỉnh Hải Dương hướng mạnh vào mục tiêu, nhiệm vụ tập trung hoàn thành việc lập và triển khai quy hoạch tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 ngay từ năm đầu nhiệm kỳ; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, tiếp cận nhanh với chuyển đổi số để phát triển kinh tế số; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp có công nghệ cao, thân thiện với môi trường...
Quá trình triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và thành phố, Chí Linh gặp không ít thách thức, với mục tiêu cụ thể là chuyển đổi từ đô thị truyền thống sang đô thị thông minh, đô thị xanh, nhất là thay đổi phương thức điều hành của chính quyền, sự tham gia của người dân và các bên liên quan. Thời gian qua, tốc độ đô thị hóa cao làm bộc lộ nhiều hạn chế, như thiếu thông tin quản lý đô thị và xử lý thông tin chậm, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng phát triển công nghiệp công nghệ cao, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn. Trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như hạ tầng CNTT còn nhiều bất cập. Thành phố chưa có kết nối trực tuyến giữa chính quyền với các tổ chức và công dân.
Để xây dựng đô thị thông minh không thể một sớm, một chiều, song rất cần đột phá về tư duy, cách làm, giải pháp thực hiện. Chia sẻ điều này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Kiên bày tỏ quyết tâm của tỉnh, Thành ủy, UBND thành phố trong điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại với những phân khu chức năng phù hợp với mô hình đô thị thông minh, mở rộng không gian phát triển theo nhiều hướng, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại. Theo đó, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua ứng dụng CNTT để giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm. Từng bước tinh gọn công tác quản lý đô thị theo hướng số hóa, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, tăng cường sự tham gia của người dân. Ưu tiên trong giai đoạn 2020 - 2025 của thành phố là xây dựng trung tâm điều hành thông minh, lắp đặt hệ thống ca-mê-ra an ninh trật tự và giao thông, hoàn thiện hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối UBND thành phố và 19 xã, phường, xây dựng cổng thông tin hỏi đáp giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Bên cạnh đó, các ngành y tế, giáo dục, quản lý hành chính đều triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn. Thành phố quyết tâm xây dựng nền tảng tích hợp liên thông cho chính quyền điện tử và đô thị thông minh, làm cầu nối giữa Trung tâm điều hành thành phố với các đơn vị trực thuộc cũng như với Trung tâm điều hành tỉnh Hải Dương. Hệ thống thiết bị và phần mềm chuyên ngành sẽ phục vụ số hóa, làm sạch, khai phá, chuẩn hóa dữ liệu hiện có tại các đơn vị trực thuộc thành phố, cung cấp đầy đủ dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp và góp phần vào chương trình chuyển đổi số của quốc gia, của tỉnh.