Ảnh: Gia Huy
Trồng thêm trên 1,5 triệu cây xanh trong 5 năm
Nhiều vấn đề đã được đại biểu HĐND TP. Hà Nội gửi đến các cơ quan quản lý tại phiên giải trình ngày 5/6 liên quan xử lý nước thải làng nghề; việc chậm xử lý các sự cố về thoát nước, chiếu sáng, cây xanh xử lý dứt điểm dự án chậm tiến độ, vụ việc lấn chiếm đất đai...
Liên quan đến việc chậm xử lý các sự cố về thoát nước, chiếu sáng, cây xanh mà cử tri huyện Đan Phượng và quận Thanh Xuân nêu, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, thời gian qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo Sở cùng Ban Duy tu và các đơn vị dịch vụ công ích tăng cường công tác quản lý duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã trồng được trên 31 nghìn cây, nâng tổng số cây xanh thực hiện trong 5 năm qua lên trên 1,5 triệu cây xanh. Về hệ thống chiếu sáng, trong 5 tháng đầu năm nay đã giải quyết 1.350 sự cố, thay mới 13.800 bóng đèn tại Thành phố.
Tuy nhiên theo Giám đốc Sở Xây dựng, khối lượng công việc đã thực hiện rất lớn, nhưng một số nơi còn hiện tượng chậm xử lý các sự cố về thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Nguyên nhân chủ quan do công tác quản lý duy trì của đơn vị cung ứng dịch vụ công ích, công tác giám sát của Ban Duy tu, sự phối hợp giữa Sở Xây dựng, chính quyền địa phương và các đơn vị dịch vụ công ích chưa kịp thời trong tiếp nhận phản ánh, xử lý sự cố.
Với những hạn chế về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cụ thể với đơn vị quản lý vận hành, các đơn vị sẽ tăng cường rà soát các điểm đen về hệ thống thoát nước và hệ thống cây xanh để kịp thời trồng thay thế hoặc cắt tỉa, nhất là trong khi đang thực hiện phương án phòng chống lụt bão năm 2020.
Ngoài ra tăng cường chế độ thông tin báo cáo; các đơn vị dịch vụ công ích thiết lập thêm những group để có đại diện của đơn vị quản lý vận hành, Ban Duy tu, Sở Xây dựng và chính quyền địa phương để kịp thời tiếp nhận, phân loại các loại sự cố để có thời gian xử lý các sự cố nhanh nhất.
Về việc xây dựng các phần mềm quản lý với lĩnh vực cây xanh, Sở Xây dựng sẽ phối hợp Sở KH&CN sớm đưa việc quản lý vận hành hệ thống cây xanh trên phần mềm. Đồng thời, quan tâm chế độ hoạt động của các trung tâm quản lý, trung tâm điều độ của các đơn vị quản lý vận hành; tiếp tục rà soát các quy định về phân cấp đầu tư, phân cấp quản lý sau đầu tư, về quản lý, định mức đơn giá… để thực hiện các dịch vụ công ích một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại phiên giải trình. Ảnh: Gia Huy
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến phản ánh về ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố, đại biểu cũng nêu vấn đề ô nhiễm môi trường khi 5 năm thi công, trạm xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng thuộc huyện Hoài Đức vẫn chưa đi vào hoạt động và sử dụng, trạm xử lý tại xã Vân Canh chưa khởi công.3 giải pháp khắc phục của dự án thoát nước Sơn Đồng
Theo đề án bảo vệ môi trường các làng nghề trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 định hướng năm 2030, trong đó, UBND Thành phố đã phê duyệt năm 2017 và đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 thiết kế mạng lưới quan trắc, đầu tư xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc, phục vụ kiểm soát ô nhiễm môi trường tại 80 làng nghề trên địa bàn. Tuy nhiên đến nay các dự án này còn chậm.
Ban quản lý cấp thoát nước và môi trường TP. Hà Nội cho biết trong quá trình triển khai thực hiện dự án, dự án xử lý nước thải làng nghề tại xã Sơn Đồng, TP. Hà Nội phê duyệt từ tháng 8/2013, trong đó giao Sở TN&MT thành phố Hà Nội là chủ đầu tư, với công suất 8.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 231 tỷ đồng.
Dự án đã được tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công các gói thầu xây lắp từ quý 4/2015, đến ngày 13/2/ 2017, dự án được giao cho Ban quản lý dự án cấp nước, thoát nước và môi trường TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, tại thời điểm đó, công trình đã đạt khối lượng giải ngân khoảng 30%. Đến nay trên 4 gói thầu đã hoàn thành tổng 3 gói thầu, còn 1 gói thầu đạt 95% khối lượng, hiện nay các phần nhà máy chúng tôi đang vận hành thử từ tháng 12/2018 đến nay. Theo tiến độ, dự án hoàn thành trong năm 2019.
Tuy nhiên đến nay dự án chậm liên quan đến 4 nguyên nhân. Thứ nhất là trong quá trình triển khai thi công xây lắp, nhiều hạng mục phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp hiện trạng, bổ sung thiết kế chi tiết, đảm bảo điều kiện thi công và bàn giao công trình. Thứ hai là dự án được phê duyệt năm 2013 trước khi có quy định 40 ngày 13/5/2019 của Chính phủ có hiệu lực, để đủ điều kiện bàn giao công trình cần thiết phải bổ sung hạng mục trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục vào dự án.
Ngoài ra dự án hiện còn 120m chưa triển khai thi công được do vướng vào đất của người dân, không có mặt bằng thi công. Nguyên nhân thứ tư là dự án được chuyển đổi qua nhiều chủ đầu tư, do công tác phối hợp triển khai giữa các đơn vị, tập hợp hồ sơ pháp lý, quản lý chất lượng công trình bị khó khăn nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Để sớm khắc phục, Ban quản lý dự án đã đưa 3 giải pháp, như vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thi công, phối hợp UBND huyện Hoài đức thỏa thuận vị trí thi công bị vướng mặt bằng, phối hợp các sở chuyên ngành hướng dẫn các thủ tục triển khai, chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thiện thiết kế, bản vẽ thi công, điều chỉnh cho phù hợp hiện trạng để triển khai thi công.
Đối với hạng mục còn thiếu của dự án, ban quản lý dự án đã báo cáo UBND TP. Hà Nội cho phép bổ sung các hạng mục cần thiết vào dự án, bảo đảm đủ điều kiện bàn giao công trình và đưa vào sử dụng theo quy định; đã được UBND Thành phố phê duyệt bổ sung hệ thống chống sét và tích điện vào dự án trong tháng 5/2020.
Để đẩy nhanh tiến độ bàn giao, Ban quản lý đã phối hợp Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền là đơn vị vận hành nhà máy để sẵn sàng bàn giao, đưa vào sử dụng ngay sau khi hoàn thành.
Thời gian tới ban quản lý sẽ tập trung triển khai và cố gắng phấn đấu, quyết tâm hoàn thành dự án, bàn giao đưa vào sử dụng công trình vào cuối năm 2020.