HỘI CÔNG NGHIỆP BÊ TÔNG VIỆT NAM: 15 năm xây dựng và phát triển

Thứ sáu, 23/12/2011 08:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Công nghiệp bê tông Việt Nam được hình thành từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Với sự giúp đỡ chí tình của các nước XHCN anh em, đặc biệt là Liên Xô (cũ) và Trung Quốc, một số nhà máy sản xuất bê tông đã được xây dựng, cung cấp các sản phẩm bê tông ở dạng đúc sẵn. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, công nghiệp bê tông đã có bước phát triển mạnh mẽ và đã hình thành một số chuyên ngành như bê tông dân dụng, bê tông công nghiệp, bê tông thủy công, bê tông cầu đường, bê tông đặc biệt... Tuy vậy, trình độ phát triển của công nghiệp bê tông Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với một số nước trong khu vực. Để phát triển ngành công nghiệp bê tông Việt Nam sánh ngang tầm khu vực và thế giới, Phân Hội Vật liệu xây dựng và cấu kiện được thành lập theo Quyết định số 394/TWH, ngày 11/8/1984 của TW Hội Khoa học kỹ thuật Xây dựng Việt Nam.

Lễ ký kết văn bản thỏa thuận VCA tham gia Hội bê tông Mỹ ACI.

Đến tháng 4/1996, dưới sự chủ trì vận động của TS.Bùi Văn Noãn - Tổng giám đốc Cty Bê tông và xây dựng Hà Nội, Chi Hội Công nghiệp bê tông (CNBT) được hình thành theo Quyết định số 60/TWH ngày 06/4/1996, GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm - Thứ trưởng Bộ Xây dựng được bầu làm Chủ tịch danh dự và TS.Bùi Văn Noãn được bầu làm Chủ tịch.

Đến năm 1999 Hội CNBT được thành lập trên cơ sở Chi hội CNBT. Năm 2001, Hội CNBT tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II, GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm tiếp tục được bầu là Chủ tịch danh dự của Hội, Thứ trưởng Tống Văn Nga được bầu làm Chủ tịch Hội. Đến 2004, Bộ Nội vụ đã quyết định thành lập Hội Công nghiệp Bê tông Việt Nam (tên viết tắt là VCA) theo Quyết định số 57/2004/QĐ-BNV ngày 30/8/2004, thuộc Tổng Hội Xây dựng Việt Nam. Từ đó đến nay, Hội CNBT Việt Nam đã trải qua 3 kỳ đại hội. Sau mỗi lần đại hội, hoạt động của Hội lại tạo thêm những dấu ấn mới mang lại hiệu quả mới gắn liền với sự phát triển của ngành CNBT Việt Nam.

Trưởng thành theo năm tháng

Từ buổi ban đầu, Hội có 60 hội viên trong đó có 40 hội viên tập thể và 20 hội viên cá nhân. Nội dung hoạt động chủ yếu là tổ chức các hoạt động khoa học như tư vấn, phản biện, hội thảo khoa học, triển lãm... đến giai đoạn 2004 - 2007, số hội viên đã tăng lên 121 trong đó có 81 hội viên tập thể và 40 hội viên cá nhân. Hội đã tăng cường đổi mới các phương thức hoạt động, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nghiên cứu KHCN, biên soạn tiêu chuẩn về bê tông, tăng cường công tác thông tin và hợp tác quốc tế. Hội đã nhận biên soạn 5 tiêu chuẩn TCXDVN về lĩnh vực bê tông và đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu ban hành đưa vào áp dụng trong toàn ngành. Nhìn chung các tiêu chuẩn đều đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất và sử dụng. Hội chính thức là hội viên của Liên đoàn Bê tông châu Á. Giai đoạn 2008 - 2010, Hội tăng lên 147 hội viên trong đó có 93 hội viên tập thể và 54 hội viên cá nhân. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động nhiều mặt đến nền kinh tế tài chính Việt Nam nói chung và của ngành xây dựng nói riêng. Trước khó khăn thử thách tác động lớn, các đơn vị thành viên Hội CNBT Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt khó, đã tích cực tham dự góp ý kiến xây dựng cho các chiến lược phát triển sản xuất vật liệu ngành xây dựng như xi măng, vật liệu không nung, phản ánh các vướng mắc thực tế gây khó khăn trong sản xuất, nghiệm thu, xuất xưởng các chế phẩm bê tông khi đưa vào công trình xây dựng với Bộ Xây dựng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học bê tông nhẹ.

Trong hỗ trợ hội viên: Hội đã rà soát, lấy ý kiến của các đơn vị hội viên để phát hiện những vấn đề nảy sinh bất cập trong thực tế sản xuất khi áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng, kịp thời đề xuất với Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý đề nghị sửa đổi, bổ sung hướng dẫn sát thực tiễn tạo điều kiện cho công tác thi công sản xuất, nghiệm thu được thuận tiện. Nhiều đơn vị thành viên của Hội đã tích cực chủ động trong nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất kinh doanh, kết quả hoạt động KHCN đã mang lại nhiều lợi ích cho DN. Điển hình Cty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai. Cty đã làm tốt chương trình xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp theo Nghị quyết của Chính phủ tạo ra các mẫu điển hình cung cấp cho thị trường như khu nhà ở cho người có thu nhập thấp tại thị trấn Xuân Mai, Vĩnh Yên, Ngô Thì Nhậm - Hà Đông.

Hoạt động lĩnh vực xây dựng ngày càng phát triển đòi hỏi ngành CNBT cũng phải tiến hành đổi mới công nghệ với tốc độ cao mới đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, về các yêu cầu kỹ thuật đặc biệt... Xác định rõ yêu cầu đó nhiều Hội viên đã tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm mới như bê tông chảy, bê tông sợi của Cty TNHH Bê tông Lafarge Việt Nam; bê tông trộn sẵn mác cao của Cty Vimeco; cọc bê tông dự ứng lực tiền chế của Bê tông Xuân Mai; cột bê tông ly tâm của Cty CP Đầu tư Phan Vũ, Cty CP An Giang, Cty CP Bê tông 6... bê tông nhẹ không chưng áp của Cty CP Đầu tư Xây dựng và Bê tông Vĩnh Tuy, bê tông tự lèn chặt, bê tông chống xâm thực nước mặn của Xí nghiệp Vật tư vật liệu giao thông (thuộc Cty Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng), hay như các loại phụ gia hóa học góp phần giải quyết các yêu cầu công nghệ và cải thiện chất lượng bê tông của Cty TNHH Sika Việt Nam, Cty TNHH Hóa chất xây dựng BASF Việt Nam và Cty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Vi Khanh, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất phụ gia tro trấu hoạt tính cao của Cty CP Hang Sang.

Hội đã tích cực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật và áp dụng các mẫu hình quản lý mới, công nghệ mới đem lại hiệu quả cao như: Đào tạo nâng cao trình độ cán bộ giám sát công trình và vận hành thiết bị của Cty CP Bê tông ly tâm An Giang; nghiên cứu đề xuất quy trình thi công và nghiệm thu công trình bê tông ven biển của Trung tâm Thí nghiệm và Khảo sát xây dựng Bạch Đằng; đầu tư dây chuyền sản xuất cọc bê tông dự ứng lực trước của Cty CP Bạch Đằng 5; áp dụng quy trình quản lý chất lượng ISO 9001 cho lĩnh vực sản xuất bê tông thương phẩm của Cty TNHH Xuân Long; chế tạo máy cắt thép ứng suất trước tự động, sản xuất dầu bôi khuôn của Cty CP Bê tông ly tâm Thủ Đức; ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn trong xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La; công nghệ đập vòm thủy điện Nậm Chiến; công nghệ thi công bê tông cốt thép bản mặt, ứng dụng công nghệ mới xây dựng nhà máy xi măng Hạ Long của Tập đoàn Sông Đà v.v..

Trong nghiên cứu khoa học, Hội đã chủ trì thực hiện 3 đề tài: Hoàn thiện công nghệ chế tạo bê tông cường độ cao cho kết cấu xây dựng. Kết quả đề tài được áp dụng tại Cty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai. Nghiên cứu chế tạo xi măng poóc lăng đá vôi từ clinker xi măng poóc lăng. Kết quả đề tài được Hội đồng kiến nghị cho triển khai sản xuất thử ở qui mô bán công nghiệp để có cơ sở áp dụng sản xuất rộng rãi. Nghiên cứu chế tạo bê tông tính năng cao sử dụng phụ gia Silica fume và hỗn hợp Silica fume với tro bay. Ngoài ra Hội còn tích cực triển khai nhiều chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế mang lại hiệu quả thiết thực.

Hướng tới tương lai

Phát huy những thành quả đã đạt được trong chặng đường 15 năm qua, Hội CNBT Việt Nam tiếp tục phấn đấu tạo dựng những hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới, làm tốt chức năng nhiệm vụ đã được qui định trong điều lệ. Hội sẽ không ngừng mở rộng và đổi mới hoạt động, tập hợp ngày càng đông đảo lực lượng hoạt động đa lĩnh vực: đào tạo, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh, hợp tác quốc tế và liên kết chặt chẽ hơn nữa với các hội nghề nghiệp khác để thúc đẩy ngành CNBT Việt Nam phát triển bền vững.

Tiếp tục tham gia tích cực làm tốt công tác phản biện xã hội về lĩnh vực chuyên ngành trong quản lý, xây dựng chế độ chính sách của nhà nước có liên quan đến phát triển lĩnh vực CNBT. Xây dựng mối quan hệ thống nhất về pháp lý giữa Nhà nước - DN - Hội CNBT Việt Nam.

Phối hợp hoạt động của các hội viên đoàn kết, tương thân tương ái, cùng nhau phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường giao lưu, tạo mối quan hệ thường xuyên giữa các đơn vị Hội viên để cùng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Tăng cường phổ biến các tiến bộ KHCN mới vào sản xuất, các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật liên quan thông qua việc tổ chức hội thảo, tập huấn, giao lưu hội viên, bản tin KHCN, Website của Hội. Tiếp tục và tăng cường quan hệ với Liên đoàn Bê tông Châu Á (ACF), Hội Bê tông Mỹ (ACI), Hội Bê tông Nhật Bản và mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bê tông ở các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia có trình độ phát triển cao về KHCN bê tông.

Với những cố gắng và kết quả đạt được, Hội CNBT Việt Nam bước đầu đã khẳng định được mình, đã đáp ứng được một phần yêu cầu của các Hội viên trong việc nghiên cứu phát triển, đầu tư, sản xuất, kinh doanh sản phẩm bê tông ở Việt Nam, góp phần tích cực cho ngành xây dựng Việt Nam phát triển và vững vàng hội nhập kinh tế quốc tế.


Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội công nghiệp bê tông Việt Nam

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)