Ngày 25/3/2021, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp định kỳ lần thứ 14 về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) theo hình thức trực tuyến.
Toàn cảnh cuộc họp
Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan của Bộ Xây dựng; Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam TORIYAMA Jin; Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Hà Nội KITAMURA Shu; đại diện các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Kiên Giang, Nghệ An. Tại điểm cầu phía Nhật Bản có lãnh đạo Cục quản lý thoát nước và xử lý nước thải MLIT; đại diện các thành phố Yokohama, Osaka, Kitakyushu, tỉnh Shiga, Kobe – là các địa phương đã và đang triển khai các dự án hợp tác trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải tại Việt Nam. Đại diện phía Việt Nam – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, PGS.TS. Mai Thị Liên Hương và đại diện đối tác Nhật Bản – Cục trưởng Cục quản lý thoát nước và xử lý nước thải MLIT, ông UEMATSU Ryuji đồng chủ trì cuộc họp.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, bà Mai Thị Liên Hương bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác ngày càng được củng cố và tăng cường giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung trên nhiều lĩnh vực, giữa Bộ Xây dựng và MLIT nói riêng trong các lĩnh vực cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải.
Bà Mai Thị Liên Hương cho biết: từ năm 2010, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT đã ký Biên bản hợp tác trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải với các mục tiêu ưu tiên về hỗ trợ hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy hoạch thoát nước, chống ngập úng đô thị, công nghệ xử lý nước thải, bùn thải… Trên cơ sở Biên bản hợp tác, hai Bộ đã tổ chức 13 cuộc họp song phương định kỳ để đánh giá các hoạt động đã thực hiện và thống nhất các kế hoạch hoạt động thời gian tiếp theo.
Bên cạnh đó, các dự án hợp tác song phương giữa chính quyền các địa phương (TP. Hải Phòng và TP. Kitakyushu; TP. Hồ Chí Minh và TP. Osaka; TP. Hà Nội và TP. Yokohama; tỉnh Kiên Giang và TP. Kobe; tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Shiga) đã được triển khai và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và ông UEMATSU Ryuji - Cục trưởng Cục quản lý thoát nước và xử lý nước thải MLIT ký kết Biên bản hợp tác tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Cảm ơn lãnh đạo Bộ Xây dựng, Cục Hạ tầng Kỹ thuật và các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với MLIT trong việc triển khai các chương trình, dự án hợp tác giữa 2 bên thời gian qua, ông UEMATSU Ryuji cho biết, dựa trên cơ sở Biên bản ghi nhớ đã ký kết, 2 bên sẽ trao đổi cởi mở về những kết quả đã đạt được cũng như phương hướng hoạt động trong thời gian tới, đồng thời bày tỏ tin tưởng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển, gắn bó và thành công hơn nữa trong tương lai.
Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận và đánh giá các kết quả hợp tác liên quan đến 5 lĩnh vực ưu tiên đã được thống nhất trong Biên bản hợp tác gần nhất được ký kết ngày 6/3/2017, gồm có: hỗ trợ xây dựng và thực thi hệ thống văn bản pháp luật; ứng phó với những thách thức trong công tác quy hoạch và triển khai hệ thống thoát nước, xử lý nước thải; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác giữa các thành phố, doanh nghiệp 2 nước; triển khai Dự án Trung tâm Thoát nước Việt Nam. Theo đánh giá của các đại biểu dự họp, 5 lĩnh vực ưu tiên này đã được các bên liên quan phối hợp triển khai tích cực và đạt được những mục tiêu đề ra.
Trong thời gian tới, từ tháng 4/2021 - 3/2022, hai bên nhất trí sẽ tăng cường phối hợp và tập trung thực hiện các hoạt động trọng tâm sau: Dự thảo Thông tư quy định các công trình hạ tầng kỹ thuật để thu gom và thoát nước thải tại các đô thị và khu dân cư tập trung; nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực thoát nước; tăng cường khung pháp lý tại Việt Nam, trong đó có Luật Thoát nước; chỉnh sửa Tiêu chuẩn Khoan kích ngầm dành cho Việt Nam (Sách Đỏ); đánh giá, hướng tới hình thành dự án tại TP. Vinh và các địa phương khác.
Kết luận cuộc họp, bà Mai Thị Liên Hương bày tỏ tin tưởng: những kinh nghiệm về mặt kỹ thuật của các chuyên gia cùng với sự hỗ trợ về công nghệ, nguồn lực từ Nhật Bản sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy cải thiện hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và công tác quản lý thoát nước, xử lý nước thải, chống ngập úng cho các đô thị Việt Nam.