Nâng cao hợp tác đào tạo nghề ngành Xây dựng giữa Đức và Việt Nam

Thứ năm, 24/10/2013 07:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong khuôn khổ hợp tác đào tạo nghề giữa chính phủ Đức và Việt Nam, ngày 23/10/2013, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã tiếp đoàn công tác Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam thuộc Cơ quan hợp tác phát triển Đức GIZ.

Công tác đào tạo nghề của Đức đã có truyền thống từ hàng trăm năm nay, luôn được điều chỉnh thích hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức. Theo các chuyên gia Đức, hiệp hội nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng và chủ động trong việc huy động tài chính và làm cầu nối giữa doanh nghiệp và đào tạo nghề.

Để một người có thể được đi đào tạo nghề, trước hết cần có hợp đồng giữa doanh nghiệp và người học viên về đào tạo nghề. Công tác đào tạo diễn ra chủ yếu tại các doanh nghiệp, các trường đào tạo nghề truyền đạt kiến thức về lý thuyết, kiến thức cơ bản và thực tiễn sinh động.

Đối với doanh nghiệp nhỏ, việc đào tạo được thực hiện tại các cơ sở đào tạo do các phòng quản lý (phòng thủ công nghiệp đối với nghề xây dựng) sau khi đã có hợp đồng giữa doanh nghiệp và học viên.

Ở Đức, các học viên học nghề không những không phải đóng học phí mà còn được trả lương với nguồn tài chính chủ yếu từ đóng góp của doanh nghiệp thông qua nghiệp đoàn. Nhà nước đóng vai trò điều phối, quản lý là chủ yếu.

Thông qua ban hành và thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng chặt chẽ về chất lượng và môi trường, nhà nước đã buộc các doanh nghiệp phải sử dụng lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia Đức cũng đề cập đến việc đào tạo gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng trong xử lý kỹ thuật và hành vi nghề nghiệp. Những vấn đề mới được đề cập tại buổi làm việc như “xanh hóa” công tác đào tạo nghề, “đào tạo nghề xanh” nhằm tăng cường ý thức bảo vệ môi trường của các học viên được đào tào từ khi học tập ở trường nghề.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đánh giá cao sự hợp tác Việt Nam – Đức trong các hoạt động hỗ trợ cụ thể của Đức như việc xây dựng các trung tâm, các chương trình đào tạo và trao đổi giáo viên… hiện nay mang lại hiệu quả thiết thực đối với các trường đào tạo nghề ngành xây dựng.

Thứ trưởng đề nghị mở rộng hợp tác ở mức độ cao hơn: tăng cường trao đổi kinh nghiệm về xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề ở Đức đối với Việt Nam, tạo sức hút đối với thanh niên trong việc học nghề, sử dụng lao động sau đào tạo; nguồn lực tài chính…

Thứ trưởng đề nghị GIZ sớm nghiên cứu xây dựng trung tâm “đào tạo nghề xanh”, thân thiện môi trường tại một cơ sở đào tạo Việt Nam. Đây là mô hình tốt, có thể nhân rộng sau này.

Bộ Xây dựng đã ban hành các quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và chất lượng công trình, sắp tới sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác đào tạo nghề, cụ thể hóa yêu cầu của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Đoàn công tác của GIZ ghi nhận bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam và Bộ Xây dựng trong phát triển hệ thống đào tạo nghề nói chung và nghề xây dựng nói riêng hướng tới nâng cao chất lượng lao động và vì mục tiêu môi trường.

Dự kiến GIZ sẽ xây dựng một trung tâm đào đạo nghề xanh ở Việt Nam với tổng kinh phí ban đầu khoảng 6,5 triệu euro trong đó có trang thiết bị, kinh phí đào tạo, giảng viên. Nội dung trao đổi kinh nghiệm xây dựng cơ chế chính sách, thể chế trong đào tạo nghề xây dựng sẽ được trao đổi đưa vào khuôn khổ đối thoại trong dự án PPP với Bau Sachsen.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)