Triển khai ngay các dự án Nhà ở xã hội đủ điều kiện

Thứ tư, 15/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam với báo chí ngay sau khi ông vừa chủ trì buổi giao ban trực tuyến với 5 tỉnh thành sáng 14/4 về phát triển nhà ở cho các đối tượng khó khăn.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: "Trước mắt sẽ triển khai ngay việc xây nhà ở cho sinh viên".

Buổi giao ban trực tuyến có sự tham gia của lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các Tổng công ty lớn của Bộ Xây dựng, các ngân hàng và 5 tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Đồng Nai và Bình Dương. Đây là 5 tỉnh thành có nhiều cơ sở đào tạo, nhiều KCN tập trung, nhiều đối tượng khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, 5 địa phương này cũng đã có sự chuẩn bị tốt nhất cho chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Trả lời báo chí, thứ trưởng nói: Ngay trong tháng 4 này, Bộ xây dựng sẽ hoàn thiện 3 đề án nhà ở gồm: Nhà cho sinh viên, nhà ở cho công nhân và nhà ở cho người có thu nhập thấp để Chính phủ phê duyệt. Sau đó sẽ lựa chọn ngay một số dự án án cụ thể đã có đất sạch để triển khai xây dựng ngay trong quý III/2009.

Theo Thứ trưởng, Hiện nay, Ngân sách dành để xây nhà cho sinh viên nhà nước đã bố trí. Vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà thu nhập thấp các DN cũng đăng ký khá nhiều. Bộ Xây dựng đã tập hợp được tới 79 dự án đăng ký và con số đăng ký sẽ tiếp tục tăng lên.


Thứ trưởng trong vòng vây báo chí. Ảnh: Trung Kiên

PV: Thưa ông, trước mắt cần tập trung thực hiện những mục tiêu cụ thể nào trước?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Trong nghị quyết tháng 3 của Chính phủ chỉ đạo rất rõ: Trước mắt sẽ dành khoảng 8000 tỷ đồng cho việc phát triển nhà ở cho sinh viên. 8000 tỷ này sẽ giải ngân và thực hiện trong 2 năm 2009 - 2010. Số tiền này sẽ được phân bổ cho Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đà  Nẵng...

Riêng hai thành phố TP.HCM, Hà Nội, cần gấp rút điều chỉnh lại kế hoạch làm sao trong 2 năm, mỗi địa phương phải được giải ngân được khoảng 2500 tỷ đồng để xây nhà ở cho sinh viên,  3000 tỷ còn lại sẽ được phân bổ cho các địa bàn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... và thực hiện luôn trong năm nay. Tất cả các dự án xây nhà cho sinh viên đều do chủ đầu tư là Sở Xây dựng các địa phương.

PV: Cơ chế để xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân, nhà sinh viên… như thế nào thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Như tôi đã nói, nhà ở sinh viên thì do Nhà nước bỏ tiền xây dựng. Nhà ở dành cho người thu nhập thấp thì sẽ kết hợp giữa thương mại và nhà nước. Nhà nước ban hành một loạt cơ chế về miễn thuế đất, tăng mật độ xây dựng, kéo dài thời hạn cho vay với lãi suất thấp... để hỗ trợ. Từ những ưu đãi của nhà nước, DN tự huy động nguồn vốn, tự xây, tự bán, tự quản lý. Ở đây cơ chế hoàn toàn rộng mở đối với loại hình nhà này.

Hiện nay Hà Nội, Vĩnh Phúc đang triển khai các dự án này và hoàn toàn có thể xây cao tầng 60 - 70m2 với giá trên dưới 300 triệu đồng. Đối với khả năng của người lao động có sự hỗ trợ của gia đình, ngân hàng thì tôi nghĩ hoàn toàn có đủ khả năng để trang trải.


Nhà thu nhập thấp do Vinaconex Xuân Mai xây dựng tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Song Hà

PV: Việc xây dựng nhà ở xã hội trong các khu đô thị mới liệu có hợp lý không thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về xây nhà cho người thu nhập thấp thì cũng đã có các quy định các dự án 10 ha trở lên dành tối thiểu 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội. Tất nhiên, chúng ta phải nhìn nhận một thực tiễn là người nghèo thì không thể được ở những khu trung tâm được, không thể ở trong những khu đô thị được đầu tư sang trọng như Ciputra, Phú Mỹ Hưng, the Maner... nhưng cũng không đẩy người nghèo ra những khu vùng sâu, vùng xa không có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Vì vậy chính sách này sẽ hình thành các khu chung cư tập trung có đầy đủ hạ tầng xã hội và được kết nối chung với hạ tầng xã hội hoặc xen kẽ khoảng 20% quỹ nhà trong khu đô thị có mức giá đất, dịch vụ sinh hoạt vừa phải.  Như vậy thì những người có thu nhập thấp cũng được hưởng cuộc sống văn minh được hưởng các lợi ích công cộng do nhà nước đầu tư, chủ đầu tư xây dựng. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng sẽ đề xuất ở các đô thị hiện đại – cao cấp – sẽ không xây nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp bù 20% quỹ đất bằng tiền để đưa vào quỹ phát triển nhà ở. Còn các đô thị mới trung bình và khá, chắc chắn sẽ có nhà ở xã hội trong đó.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng Nhà ở xã hội, nhà giá thấp xây trong các đô thị mới hiện đại sẽ làm nhếch nhác đô thị và khó quản lý, quan điểm của ông như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Như chúng tôi đã nói nhiều lần, hiện trình độ kiến trúc, quy hoạch, xây dựng của chúng ta đã phát triển rất cao. Chúng ta đủ sức để xây dựng các chung cư cho người thu nhập thấp, giá rẻ mà vẫn đảm bảo mỹ quan đô thị.

Về việc có quản lý được nhà giá thấp, nhà xã hội sau khi đưa vào sử dụng hay không? Tôi khẳng định là có. Chúng tôi đã có những mô hình thiết kế, phương cách quản lý của Singgapo, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Hoa Kỳ… để học tập và đem những tiến bộ đó áp dụng, bổ xung vào tình hình thực tiễn ở nước ta chắc chắn sẽ hợp lý. Tôi tin, đến cuối năm 2010 và đầu năm 2011 sẽ có nhà ở xã hội được đem vào phục vụ người dân.

PV: Trân trọng cám ơn ông!


 

Theo Hải Ngọc – Minh Châu (ghi) Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)