Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cùng đông đảo các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, học sinh, sinh viên của nhà trường qua các thời kỳ.
Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1, tiền thân là Trường công nhân cơ khí Xây dựng số 1, được thành lập ngày 07/11/1978. Trường được xây dựng đồng bộ theo quy chuẩn của trường nghề Liên Xô. Trải qua 35 xây dựng và trưởng thành, Trường đã đào tạo gần 30 nghìn cán bộ kỹ thuật ngành xây dựng.
Hiện nay, Trường gồm 5 phòng, 4 khoa, 3 trung tâm với tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 184 người, trong đó có trên 100 giáo viên trình độ Thạc sỹ, Đại học, Cao đẳng và thợ bậc cao. Tổng số học sinh sinh viên thường xuyên là 2500 - 3000 học sinh.
Bên cạnh công tác đào tạo các khóa học dài hạn chính quy, Nhà trường còn mở rộng nhiều mô hình đào tạo: đào tạo liên kết, đào tạo theo địa chỉ, bồi dưỡng tay nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp,...
Ghi nhận những đóng góp quan trọng của nhà trường trong sự nghiệp phát triển ngành Xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội đất nước nói chung, Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận những đóng góp quan trọng của nhà trường: “Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1 là cơ sở đào tạo có bề dày truyền thống, nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng cho ngành và cho đất nước hàng chục ngàn cán bộ, công nhân kỹ thuật lành nghề - những người đã và đang đóng góp tích cực trên nhiều công trình trọng điểm quốc gia và các công trình, các KCN trên cả nước, góp phần cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước”.
Để xứng đáng là một trong những trường trọng điểm quốc gia, và cần chuẩn bị các điều kiện để đào tạo các nghề trọng điểm khu vực ASEAN và vươn tới đào tạo các nghề theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu Nhà trường cần phải “xây dựng mục tiêu hướng tới Trường cao đẳng nghề ứng dụng trình độ tiên tiến, đào tạo đa cấp, đa ngành chất lượng cao hướng tới người học và đáp ứng nhu cầu của ngành, xã hội, khu vực và quốc tế; tập trung đổi mới, tiếp cận các chương trình, phương pháp dạy và học tiên tiến, đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo với nghiên cứu chuyển giao công nghệ; tạo điều kiện cho sinh viên, học viên học tập, nghiên cứu, tự rèn luyện kiến thức, nhân cách, lý tưởng, phát huy năng lực bản thân, tự khẳng định mình, lập thân lập nghiệp; Coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực, kiến thức khoa học, công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ giảng dạy,... Chủ động tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu và gắn với doanh nghiệp để công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội”.
Theo Báo Xây dựng điện tử