Trong những năm qua đã ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng đô thị chiếm khoảng 13,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Hệ thống giao thông đô thị ở các thành phố lớn, các khu vực đô thị phát triển chưa được quy hoạch và đầu tư hoàn chỉnh; kết nối với mạng giao thông chung quốc gia chưa phù hợp. Nạn ùn, tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Số lượng và chất lượng vận tải công cộng tại các đô thị lớn còn yếu kém, chưa phù hợp và chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mới chỉ có phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt với số lượng vận tải đạt khoảng 15 – 20% nhu cầu, phương tiện đi lại trong đô thị của người dân chủ yếu bằng xe máy cá nhân.
Tổng công suất cấp nước đô thị theo thiết kế đạt 5,48 triệu m3/ngày đêm, công suất khai thác đạt 4,2 triệu m3/ngày đêm bằng 76,6% công suất thiết kế, tỷ lệ thất thoát trung bình khoảng 32%, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch bình quân chỉ đạt khoảng 65% (các đô thị lớn đạt từ 75 – 90%, các đô thị loại V chỉ đạt khoảng 50 – 60%).
Phần lớn các đô thị đều có hệ thống thoát nước chung cho cả nước mặt và nước thải hầu hết nước thải đều chưa được xử lý hoặc mới chỉ được xử lý sơ bộ chưa đạt tiêu chuẩn quy định; hầu hết các đô thị còn thiếu hệ thống thu gom và các trạm xử lý nước thải tập trung. Đến nay, mới có 17 trạm xử lý nước thải, độ che phủ mới chỉ đạt 10 – 15% diện tích nội đô, có 11 đô thị khác đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải.
Mới chỉ có 16/64 tỉnh/thành phố có bãi chôn lấp rác được thiết kế xây dựng hợp vệ sinh nhưng hầu hết chưa đồng bộ và vận hành không đúng quy trình, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định.
Hệ thống cây xanh, công viên đô thị còn chưa được quan tâm đầu tư; tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định (Hà Nội 5,3 m2/người; TP. Hồ Chí Minh 3,5m2/người) hệ thống khung thiên nhiên trong đô thị như địa hình, mặt nước (sông, hồ) bị suy giảm.
Dân số đô thị tăng nhanh (nhất là tại các đô thị lớn) đã làm quá tải hệ thống.
Hạ tầng kỹ thuật, xã hội: Việc quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị chậm hơn so với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và tăng dân số đô thị. Phát triển đô thị chưa phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên (nhất là đất đai, nguồn nước), đặc biệt là tình trạng yếu kém và lạc hậu của hệ thống giao thông, nhà ở, thoát nước thu gom xử lý nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn.
Do vốn đầu tư thuộc NSNN còn hạn hẹp và chưa có cơ chế huy động, tạo vốn phù hợp và hiệu quả. Nên kết cấu hạ tầng đô thị không đồng bộ, chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Hệ thống giao thông; cấp, thoát nước, thu gom xử lý nước thải, chất thải, vệ sinh môi trường, công trình công cộng, nhà ở... còn thiếu và chắp vá. Nhiều khu nhà chung cư bị lún nứt, nguy hiểm khi sử dụng còn chưa được cải tạo nâng cấp hoặc xây dựng lại. Nhà tạm còn chiếm tỉ lệ cao, tình trạng ô nhiễm nước, không khí ở một số khu vực đô thị đang ở mức báo động.
Quy hoạch phát triển đô thị chưa phù hợp với thực tế nên thường xuyên phải điều chỉnh. Giữa quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác còn có sự chồng chéo, không thống nhất. Quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị còn thiếu kiên quyết.
Tóm lại: Đến nay hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa đáp ứng nhu cầu phát triến kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hoá của đất nước.
Chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia cung cấp dịch vụ hạ tầng đô thị. Việc chỉnh trang đô thị và nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị thực hiện chưa được nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc huy động các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng còn rất hạn chế. Các dự án hạ tầng quy mô lớn hầu hết được đầu tư từ nguồn vốn ODA.
Vì vậy, trong thời gian tới cần có kế hoạch và giải pháp cụ thể để đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là phục vụ cho việc triển khai thực hiện những dự án phát triển sản xuất kinh doanh lớn, quan trọng của đất nước.
Chính phủ đã đề ra các định hướng chủ yếu; các Bộ, Ngành, địa phương đã đề xuất các chương trình, đề án phát triển hạ tầng giao thông và đô thị. Tuy nhiên cần có cơ chế chính sách về vốn và nguồn đầu tư, cơ chế tài chính cụ thể để thu hút được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Trong thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã thực hiện nhiều dự án đầu tư kinh doanh khu đô thị mới, nhà ở, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, một vài dự án đường bộ vành đai đô thị, một số dự án cấp nước đô thị và đang triển khai thực hiện một số dự án xử lý chất thải rắn đô thị. Một số nhà đầu tư cũng đã quan tâm xúc tiến đầu tư các dự án giao thông đô thị.
Nguồn vốn ODA đã được tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị quy mô lớn và hạ tầng kỹ thuật, xã hội các đô thị nghèo.
II. Định hướng của nhà nước Việt Nam về phát triển kết cấu hạ tầng trong những năm tới
1. Mục tiêu chung đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020
Xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống hạ tầng đô thị, cung cấp đầy đủ nước sạch cho đô thị, khu công nghiệp. Giải quyết cơ bản việc thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, vệ sinh môi trường ở các đô tị từ loại 4 trở lên, các khu công nghiệp, các làng nghề và các khu đô thị, khu dân cư tập trung đang có nguy cơ ô nhiễm. Cải tạo nâng cấp và phát triển giao thông đô thị hợp lý, hiện đại, nhất là tại các đô thị trực thuộc trung ương. Xây dựng các tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP. Hồ chí Minh. Phát triển các khu đô thị mới, đi đôi với việc chỉnh trang, nâng cấp các khu đô thị hiện có, xoá nhà tạm và các khu nhà ở chung cư đã xuống cấp không an toàn tại các đô thị. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng đô thị quy mô lớn đáp ứng nhu cầu phát triển, lộ trình hội nhập, giao thương kinh tế quốc tế.
2. Những mục tiêu chủ yếu đến năm 2020
Thực hiện đầu tư 2 tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP. Hồ chí Minh đã được cam kết vốn của các nhà tài trợ, xúc tiến nguồn để đầu tư 14 tuyến quan trọng khác của 2 thành phố này. Huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước để đầu tư các tuyến đường bộ khu vực, các tuyến vành đai của các thành phố lớn trực thuộc Trung ương.
Điều chỉnh: Quy hoạch chung xây dựng các đô thị; định hướng phát triển cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; định hướng chiến lược quản lý chất thải rắn, vệ sinh môi trường tại các đô thị và KCN, KCX, KCNC, KKT Việt Nam.
Hoàn thành các điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đến năm 2020 của các đô thị từ loại 4 trở lên.
Huy động các nguồn lực để nâng cao độ phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng tại các đô thị được phê duyệt, đảm bảo quy hoạch đi trước một bước phục vụ yêu cầu của các nhà đầu tư.
Đến năm 2010: Nhà ở đô thị đạt 15m2/người (hiện nay là 13 m2/người); Đô thị từ loại III trở lên 100% số dân được cung cấp nước sạch với tiêu chuẩn 150 lít/người/ngày, đô thị loại IV cung cấp đủ nước sạch cho 90% số dân với tiêu chuẩn 120 lít/người/ngày, đô thị loại V cung cấp đủ nước sạch cho 80% dân số với tiêu chuẩn 100 lít/người/ngày; Các đô thị từ loại III trở lên có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, tỉ lệ phục vụ đạt 80 – 90% diện tích; Nước thải các đô thị từ loại III trở lên và tại các KCN, KCX, KCNC, KKT được thu gom và xử lý (hiện nay tỉ lệ đô thị từ loại III trở lên có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường là 8%; tỷ lệ KCN, KCX, KCNC, KKT có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường là 50%); Tỷ lệ thu gom và xử lý hợp vệ sinh chất thải sinh hoạt và công nghiệp đạt 90 – 100% (hiện nay tỷ lệ thu gom đạt 80%, tỷ lệ xử lý hợp vệ sinh đạt khoảng 20%), chất thải y tế đạt 100% (hiện nay tỉ lệ thu gom đạt 90%, tỉ lệ xử lý hợp vệ sinh đạt 75%).
III. Nguồn lực phát triển
Nguồn vốn ODA: Xúc tiến các quan hệ hợp tác quốc tế đa phương và song phương thu hút các nguồn vốn ODA cho phát triển đô thị với các cơ chế ưu đãi hợp lý.
Phân tích, tính toán hiệu quả tài chính cụ thể của từng dự án để có thể đầu tư kết hợp giữa các nguồn vốn như: ODA, vay IBRD, vay OCR để tăng thêm nguồn vốn cho các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Với sự tài trợ và hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB), tổ chức Chính sách và phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (JPHRD), nhóm chuyên gia nước ngoài và trong nước đã đưa ra những dự báo đáng tin cậy phát triển đô thị Việt Nam đến 2020.
Đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã có các dự án đầu tư phát triển đô thị bằng nguồn vốn ODA. Các tổ chức như Ngân hàng phát triển châu Á (AOB), Ngân hàng Thế giới (WB) và JICA Nhật Bản đã cho Việt Nam vay tới 40% tổng vốn đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị. Nguồn vốn này đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị của Việt Nam, đặc biệt là những vùng nông thôn đang trên đà đô thị hoá.
Nguồn lực của các địa phương: Cần có các chính sách tạo điều kiện cho các địa phương huy động được nhiều vốn hơn từ các nguồn như: quỹ phát triển đô thị, phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình và vốn vay từ các ngân hàng thương mại... Hoàn thiện cơ chế huy động vốn từ quỹ đất, vốn đóng góp từ cộng đồng...
Nguồn lực ngân sách nhà nước: Tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế. Có kế hoạch ngân sách và cơ chế quốc gia hỗ trợ các dự án trọng điểm tạo động lực phát triển đô thị.
Nguồn lực đầu tư từ các tổ chức cá nhân: Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Tạo môi trường mở và thân thiện với các hoạt động sản xuất kinh doanh trên nguyên tắc bảo vệ môi trường.
IV. Các giải pháp cần sự phối hợp giữa các bên liên quan
Trong vài ba năm trở lại đây, đặc biệt là từ đầu năm 2008 đến nay, mặc dầu nền kinh tế nước ta chịu nhiều sự tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội phải điều chỉnh giảm so với năm trước nhưng nhà nước ta vẫn cố gắng dành một khoản vốn ngân sách thích đáng để cải tạo, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất các đô thị, nhất là những đô thị lớn, đô thị mới hình thành.
Ngày 07/04/2009, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 445/QĐ - TTg phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu quy hoạch là: từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng là đô thị, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.
Từ nay đến 2015 ưu tiên phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn và các khu kinh tế tổng hợp đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia. Từ năm 2016 đến 2025 ưu tiên phát triển các vùng đô thị hoá cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ đầu tư xây dựng, nâng cấp các đô thị đóng vai trò là trung tâm vùng. Giai đoạn từ năm2026 đến 2050 chuyển dần sang phát triển theo mạng là đô thị.
Thực trạng phát triển đô thị hiện đã có nhiều thay đổi, nhiều đô thị đã phát triển và mở rộng nhu cầu sử dụng đất, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Luật Quy hoạch đô thị và đã được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ năm. Để tổ chức thực hiện và hướng dẫn thi hành Bộ Xây dựng đã khẩn trương chủ trì dự thảo Nghị định về lập thẩm định phê duyệt quy hoạch đô thị, Nghị định quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị, Nghị định quản lý không gian ngầm và xây đựng công trình ngầm cùng các Thông tư hướng dẫn kèm theo để trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trong thời gian tới.
Cần sử dụng nguồn vốn ngân sách vào các dự án có khả năng kích thích các nguồn tài chính khác như lập quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng diện rộng bảo vệ môi trường và các công trình không có khả năng thu hồi vốn.
Tạo môi trường khuyến khích phù hợp để thu hút tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Để thu hút vốn, các dịch vụ hạ tầng đô thị phải xây dựng được uy tín tín dụng, cách tốt nhất là được đánh giá tín dụng từ các cơ quan độc lập. Các hoạt động dịch vụ hạ tầng đô thị phải trở nên minh bạch hơn và được kiểm toán độc lập.
Phối hợp giữa các Bộ và các bên liên quan xây dựng những quy định cơ bản định hướng cho quan hệ đối tác gia công và để tránh những mâu thuẫn quyền lợi, xây dựng lòng tin đối với những đối tác góp vốn.
Giá trị quyền sử dụng đất và các bất động sản khác là một nguồn thu tiềm năng. Đấu giá các quỹ đất hai bên đường này để đầu tư xây dựng đường, hạ tầng kỹ thuật đi kèm và trong rất nhiều trường hợp có thể dùng kinh phí dôi ra để đầu tư xây dựng hệ thống các công trình phúc lợi công cộng.
Tạo nguồn vốn đầu tư thông qua phát hành trái phiếu phát triển đô thị. Thành lập quỹ phát triển hạ tầng của tỉnh tập trung vào cho vay dựa trên các điều khoản thương mại đầy đủ, có thể cho vay toàn bộ hoặc kết hợp với tài trợ từ một nguồn tài chính khác.
Khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động tự cải thiện môi trường sống trong khu dân cư theo mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Người dân tự nguyện giải phóng quỹ đất để xây dựng đường sá, hạ tầng, thậm chí chỉ bỏ kinh phí đền bù cho các hộ bị ảnh hưởng của quá trình này nhưng không được hưởng lợi và có thể hỗ trợ một phần chi phí xây dựng hạ tầng.
Nguồn: Sài Gòn đầu tư &xây dựng, tháng 11/2009