Hiện tượng trên được xem như một nét đặc trưng trong lịch sử phát triển đô thị của nước ta giai đoạn hiện nay. Thực trạng này cũng đang gây nhiều ảnh hưởng bất lợi tới môi trường thiên nhiên và môi trường sống của dân cư trong nhiều vùng đất nước.
Cũng chính trong giai đoạn phát triển đô thị rất đặc trưng này của nước ta, những tác động bất lợi tới môi trường trên quy mô toàn cầu, do con người tạo ra suốt quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong lịch sử, mà trước đây loài người chưa nhận thức đầy đủ, nay đã trở thành mối quan tâm của cả nhân loại.
Vì vậy, trên thực tế, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn trở ngại, những bất cập và yếu kém trong xây dựng và phát triển đô thị của đất nước như đã nêu trên, trong bối cảnh mà thế giới đang cùng quan tâm tới yêu cầu bảo vệ môi trường để đảm bảo một sự phát triển bền vững.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên trong công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị, chúng ta cần giải quyết thoả đáng các nội dung sau:
1. Tạo lập được những đề án quy hoạch xây dựng đô thị có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.
2. Tăng cường công tác quản lý xây dựng đô thị, bao gồm cả việc xây dựng một cơ chế pháp lý, triển khai có hiệu quả công tác quản lý xây dựng đô thị để đưa những đề án nêu trên vào thực tế và kiểm soát sự phát triển của đô thị.
Muốn thực hiện được hai việc nêu trên, trước hết là yếu tố con người.
Đội ngũ các cán bộ chuyên ngành quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị thường hoạt động trong các lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn thiết kế và quản lý.
Những hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học thường phải tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thực tế của xã hội để phát triển lý luận, hoạch định chương trình kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết những vấn đề khoa học, công nghệ mà thực tế đòi hỏi.
Những người hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế và quản lý gắn bó chặt chẽ với hoạt động thường xuyên của các đô thị. Họ phải thường xuyên vận dụng các kiến thức được trang bị kết hợp với kinh nghiệm thực tế để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tế diễn biến của quá trình phát triển đô thị. Đây chính là lực lượng chủ yếu triển khai hai nội dung công việc nêu trên.
Đối với công tác quy hoạch đô thị
Đối với các cơ quan chuyên ngành làm nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế quy hoạch đô thị và các cơ quan chuyên ngành có trách nhiệm giúp các cấp chính quyền đề xuất các định hướng, thẩm định, xét duyệt các phương án quy hoạch, đòi hỏi phải có lực lượng cán bộ có đủ trình độ kiến thức chuyên ngành, cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật và môi trường có liên quan, nắm được thực tế để đáp ứng yêu cầu công việc mà họ đảm nhiệm.
Thực trạng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, cơ cấu của nguồn nhân lực này khá đa dạng. Họ được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, vào những giai đoạn lịch sử với những đặc thù về nền kinh tế xã hội khác nhau. Nhiều cán bộ lâu năm, có nhiều kinh nghiệm thực tế, nhưng các kiến thức mà họ được trang bị trước khi vào nghề đã lạc hậu; đòi hỏi phải thường xuyên cập nhật những kiến thức chuyên ngành hiện đại; trong khi nhiều cán bộ trẻ, nắm được nhiều kiến thức chuyên ngành hiện đại, nhưng lại còn khiếm khuyết những kinh nghiệm, thậm chí cả những kiến thức về xã hội, truyền thống... đối với thực tế đất nước.
Do đó, lực lượng này cần được thường xuyên bổ sung kiến thức tuỳ theo nhu cầu công việc và tình hình cụ thể của từng người, từng cương vị công tác... Có thế mới thực sự nâng cao hiệu quả công việc của từng cá nhân; đồng thời cũng làm tăng hiệu quả chung của tập thể mà mình đang làm việc.
Đối với công tác quản lý xây dựng đô thị
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng đô thị, để hoàn thành tốt vai trò của mình, người cán bộ phải có được những kiến thức cơ bản về quy hoạch đô thị cũng như về bảo vệ môi trường; đồng thời lại phải có những kiến thức nhất định về khoa học quản lý, về luật pháp... có liên quan. Tuy nhiên, yêu cầu này cũng sẽ khác nhau đối với các cán bộ làm việc này tại ở các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp khác nhau.
Đối với các cơ quan Trung ương và cấp tỉnh, cán bộ làm công tác quản lý đô thị thường tuyển chọn từ các chuyên ngành như Kiến trúc sư quy hoạch, Kiến trúc sư công trình hoặc Kỹ sư đô thị. Trên cơ sở của các kiến thức chuyên ngành đã được trang bị, họ còn cần được trang bị thêm các kiến thức về quản lý, về kinh tế , xã hội, bảo vệ môi trường... tạo điều kiện cho họ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp cấp cơ sở, do tính chất công việc cần triển khai là giúp các cấp lãnh đạo theo dõi tình hình và quản lý thực hiện công tác xây dựng theo các dự án được duyệt, đương nhiên yêu cầu về diện kiến thức cũng tương tự; song nếu chưa có điều kiện, có thể tuyển dụng các cán bộ chuyên ngành có trình độ thấp hơn.
Thực trạng hiện nay, cán bộ làm công tác quản lý xây dựng đô thị tại các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp thường được tuyển dụng từ nhiều ngành nghề khác nhau có liên quan. Họ phải tự trau dồi những kiến thức cần thiết về quản lý, về xã hội... để đảm nhiệm công việc được giao.
Do đó, việc đào tạo bồi dưỡng các cán bộ ở các trình độ khác nhau, phục vụ cho công tác quản lý đô thị thực sự đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách hiện nay.
Trước thực trạng nêu trên, để có thể triển khai công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị một cách có hiệu quả, cùng với việc xây dựng các văn bản pháp quy làm căn cứ cho công tác thiết kế quy hoạch cũng như công tác quản lý xây dựng đô thị, một yêu cầu mang tính chiến lược là phải không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này.
Muốn thế, về mặt chính quyền, Nhà nước cần tạo lập và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hình thành các văn bản pháp quy làm căn cứ cho công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị; mặt khác phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức và kỹ năng thực thi công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị.
Về mặt xã hội, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, với vai trò là một hội nghề nghiệp, chúng ta có điều kiện tập hợp lực lượng cán bộ chuyên ngành, hoạt động ở tất cả các lĩnh vực trong cả nước, để góp phần mình trong việc khắc phục những bất cập, thiếu sót của quá trình phát triển đô thị của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn: Báo cáo của PGS.TS.KTS. Đỗ Đức Viêm tại Hội thảo Khoa học "Đô thị Việt Nam - Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững", tháng 11/2009