Hệ thống công trình văn hoá - xã hội trong cấu trúc không gian đô thị

Thứ sáu, 25/12/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong cuộc sống của đô thị luôn tồn tại mối tương quan tỷ lệ thuận giữa cơ chế hình thành hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - đời sống và cấu trúc không gian của nó. Trên cơ sở này có thể nghiên cứu và đề xuất nhiều mô hình không gian trong việc tổ chức hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - xã hội.

Phổ biến rộng rãi nhất là mô hình dịch vụ kiểu tầng bậc, tiền đề của nó là tần suất nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ của người dân. Nó dựa trên việc phân tách các nhu cầu hàng ngày, theo từng thời kỳ và theo tình huống cá biệt của cư dân và sự quy chuẩn các bán kính giới hạn khả năng tiếp cận với các cơ sở tương ứng, tính từ nơi cư trú. Như vậy, việc bố trí hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - xã hội được bố trí theo kiểu tầng bậc dường như bị gắn chặt với cấu trúc xây dựng của đô thị – tức là việc làm thoả mãn các nhu cầu trên các địa bàn (lãnh thổ) khác nhau.

Trong các đô thị khác nhau (khác nhau về kích thước, độ cao -  số tầng và mật độ của các công trình xây dựng), thì mô hình của các công trình dịch vụ kiểu tầng bậc cũng được giải quyết theo hai cách khác nhau sau đây:

* Theo ba cấp của đô thị: tiểu khu, khu phố, thành phố;

* Theo bốn cấp của đô thị: nhóm nhà ở, tiểu khu, khu phố, thành phố.

Các công trình dịch vụ văn hoá - xã hội tạo nên các trung tâm trong từng tổ hợp quy hoạch vừa nêu trên. Từ đây xuất hiện một tên gọi thứ hai của hệ thống dịch vụ kiểu tầng bậc là hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - đời sống xã hội được bố trí theo lãnh thổ.

Kiểu bố trí này đưa các công trình dịch vụ phục vụ cư dân vào khuôn khổ chặt chẽ trong địa bàn của từng “cấp” đô thị, đã được quy định trước và được điều chỉnh bởi các mối liên hệ chức năng của con người với các cơ sở dịch vụ. Tổ chức hệ thống của các công trình dịch vụ văn hoá - xã hội theo kiểu tầng bậc dẫn tới việc chia nhỏ đô thị thành cả loạt những thành tố cấu trúc đô thị độc lập, lặp đi lặp lại nhiều lần trong cùng một thành phố. Cách bố trí hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - xã hội có ưu điểm cơ bản là bán kính phục vụ luôn luôn được đảm bảo. Nhưng đây là một kiểu xây dựng mang tính manh mún gây lãng phí lớn những nguồn lực quý giá của xã hội: kinh phí đầu tư, đất đai đô thị,... Ngoài ra, cách bố trí hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - đời sống xã hội theo kiểu manh mún như vậy là loại trừ khả năng xây dựng một tổ hợp dịch vụ trọn vẹn.

Chức năng của hàng hoá và dịch vụ (chuẩn hay không chuẩn) được lấy làm cơ sở cho việc bố trí hệ thống các công trình dịch vụ theo kiểu mạng liên thông (mạng giao thông), trong đó các hình thức dịch vụ được quy ước và phân biệt thành các dạng: thường nhật và định kỳ (lựa chọn). Hình thức dịch vụ thường nhật mang đặc điểm khuôn mẫu và đại trà và do vậy đòi hỏi con người phải chi phí một lượng thời gian tối thiểu  khi đã đến được với các công trình dịch vụ. Hình thức dịch vụ thường nhật đòi hỏi sự tiếp cận phải tương đối dễ dàng (tiện đường đi) trong cấu trúc giao thông của đô thị (được bố trí trên các tuyến đường chủ yếu đông người đi lại). Dịch vụ có chọn lọc - định kỳ cần đáp ứng những lợi ích đa dạng về văn hoá và mang tính cá nhân. Các cơ sở của hình thức dịch vụ này tạo nên các trung tâm thu hút (các cực hút), liên hệ với tất cả các khu khác nhau của thành phố bằng mạng lưới giao thông thuận tiện .

Hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - đời sống xã hội được bố trí theo dạng mạng liên thông không gắn liền một cách quá chặt chẽ với cấu trúc xây dựng đô thị (các thành phần cơ bản của đô thị: nhóm nhà ở, tiểu khu, khu nhà ở,...), loại hệ thống này tương đối dễ xác lập (bố trí) trong mạng giao thông của đô thị. Hệ thống dịch vụ này có một vài điểm khác biệt so với hệ thống các công trình dịch vụ đời sống xã hội được bố trí theo kiểu tầng bậc. Xếp vào những ưu điểm này là việc tính tới nhu cầu của bộ phận cư dân năng động,  việc giảm tối đa thời gian dành cho dịch vụ, khắc phục được tính chất lặp lại trên các địa bàn dân cư của thành phố (tiểu khu – khu phố – thành phố),...

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì, hình thức dịch vụ gắn với đặc điểm bố trí hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - đời sống xã hội thông qua tác động tương hỗ của các cơ cấu xã hội điển hình nhất (cá nhân), nhóm cộng đồng và quần chúng với không gian mà hệ thống các công trình đó tạo ra. Trên cơ sở có tính đến những yếu tố tâm lý xã hội, có thể nghiên cứu đề xuất mô hình bố trí hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - đời sống xã hội theo kiểu hạt nhân – mạng lưới.

Kiểu bố trí này thể hiện đầy đủ hơn tính biến động của nhu cầu, sự phát triển của công nghiệp dịch vụ và nó cũng thoả mãn đầy đủ hơn các danh mục dịch vụ có thể có.

Hệ thống dịch vụ kiểu hạt nhân – mạng lưới được bố trí theo 3 cách khác nhau về đặc điểm của các nhóm dịch vụ : tại chỗ - địa phương, phân tán và tập trung.

Nhóm dịch vụ tại chỗ - địa phương tương ứng với hình thức dịch vụ theo chuẩn của hệ thống kiểu mạng giao thông. Trong nhóm này chủ yếu đáp ứng các nhu cầu thường nhật mang tính cá nhân. Nhóm dịch vụ tại chỗ - địa phương được hình thành tại các địa điểm nằm gần ngay các khu nhà ở cũng như nơi làm việc. Các yếu tố như giới tính, tuổi tác và đặc tính xã hội cũng như nghề nghiệp của cư dân sống trong vùng không gian có ảnh hưởng lớn đối với nhóm dịch vụ này.

Nói chung nhóm dịch vụ này mang tính khuôn mẫu và có khuynh hướng mở rộng, điều này chứng tỏ mức sống được nâng cao phù hợp với nhu cầu hiện đại - đưa dịch vụ lại gần người tiêu dùng. Điều này làm giảm thiểu đáng kể thời gian hoạt động dịch vụ, dành phần lớn quỹ thời gian cho những công việc quan trọng hơn.

Các yêu cầu xã hội đối với tổ hợp cấu trúc quy hoạch của các công trình dịch vụ văn hoá - xã hội được ấn định cho các hoạt động nhóm có thể gộp lại thông qua quy mô của nhóm và đặc điểm giao tiếp giữa các thành viên. Tất nhiên, quá trình hoạt động nhóm được hiểu là các không gian riêng tạo ra khả năng cho việc giao tiếp trực tiếp mang tính xúc cảm: có thể là sân chơi thể thao, một phòng chơi bóng bàn hay một quán bar, cà phê – bất kỳ nơi nào mà nhóm cố kiếm một không gian riêng biệt là có thể hoạt động nhóm. Mặt khác, trong đô thị luôn tồn tại một lượng lớn người với các tâm thế giá trị và văn hoá khác nhau tạo nên những tiền đề khách quan làm phát sinh vô số các nhóm xã hội có đặc điểm khác nhau về cơ cấu nghề nghiệp cũng như về chức năng xã hội của họ. Số lượng đông đảo và việc phân bố rải rác của hoạt động nhóm là tiền đề cho cách tổ chức hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - đời sống xã hội theo kiểu phân tán. Lĩnh vực hoạt động này (các cơ sở dịch vụ khác nhau) rất phổ biến kể cả về dung lượng và tầm bao quát rộng rãi. Nó xuyên suốt mọi thành tố quy hoạch của đô thị (các cấp của đô thị: nhóm nhà ở, tiểu khu, khu phố, thành phố).

Trong các công trình dịch vụ đại trà thì yêu cầu phải có những điều kiện đáp ứng được toàn bộ các chức năng văn hoá chung. Xếp vào hạng này là các nhà hát, phòng hoà nhạc, rạp chiếu bóng, viện bảo tàng, cửa hàng bách hoá tổng hợp, siêu thị, các tiệm ăn lớn, sân vận động,… Việc bố trí các công trình này ở các nút giao thông sẽ có khả năng mở rộng và bổ sung thêm chức năng cho chúng. Chính ở những địa điểm như vậy chúng trở thành cấp độ dịch vụ liên khu, nhưng về phương diện quy hoạch, các công trình này cần phải mang ý nghĩa thành phố (phục vụ cho cư dân toàn thành phố). Đây chính là hệ thống dịch vụ kiểu hạt nhân – mạng lưới được bố trí theo kiểu tập trung.

Việc tổ chức quy hoạch không gian của các công trình dành cho hoạt động quần chúng, cần phải tính tới sự phát triển trong tương lai của chúng như là các thành tố đô thị nằm trong một chỉnh thể rộng lớn hơn. Tiêu chí đánh giá loại hình dịch vụ này là: tính đa dạng của dịch vụ, tiêu chuẩn cao trong cung ứng các loại dịch vụ và tiện nghi, các công trình phải chuẩn về công năng và độc đáo về hình thức kiến trúc, nhưng phải gần gũi thân thiện với mọi tầng lớp cư dân,…

Khác với hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - đời sống xã hội được bố trí theo kiểu tầng bậc và theo kiểu mạng liên thông – mạng giao thông, trong hệ thống kiểu hạt nhân – mạng lưới có yếu tố sáng tạo của chính những người tiêu dùng.

Các thành phần của các hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - đời sống xã hội được bố trí theo kiểu tầng bậc và theo kiểu mạng liên thông – mạng giao thông, cũng như các nhóm dịch vụ được bố trí tại chỗ và tập trung của hệ thống dịch vụ văn hoá - đời sống xã hội bố trí theo kiểu hạt nhân – mạng lưới được hình thành ngay trong giai đoạn thiết kế đô thị, và việc bố trí chúng trong quy hoạch tổng thể cần phải được xác định một cách rõ ràng. Đồng thời, mạng lưới kiểu phân tán cần tính tới lợi ích và các hình thức nghỉ ngơi giải trí ưa thích của chính những người tiêu dùng trong từng trường hợp cụ thể (sân nhà, đường phố, quảng trường) và như vậy nó trở thành bộ phận năng động nhất trong hệ thống kiểu hạt nhân – mạng lưới. Mạng lưới dịch vụ kiểu phân tán này cũng cần phải được thiết kế theo khu vực và bản thân các công trình dịch vụ phải được xác định trên cơ sở của các điều kiện kinh tế – xã hội trong khu vực và các khu vực giao thoa. Việc xác định được yêu cầu dịch vụ của khu vực và bản thân các công trình cũng phải dựa trên cơ sở kinh nghiệm trong quá trình khai thác môi trường đô thị,…

Việc tạo lập và bố trí hệ thống các công trình dịch vụ văn hoá - đời sống xã hội trong cấu trúc không gian đô thị và đặc biệt là tới sự phát triển của nó là phụ thuộc vào các quá trình bên trong và các chuẩn mực của mỗi lĩnh vực dịch vụ (công suất và công nghệ phục vụ) cũng như các điều kiện tổ chức và hợp tác tối ưu với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế quốc dân của khu vực (của thành phố) hay trên phạm vi rộng lớn hơn,…

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 10/2009.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)