Chúng ta hãy điểm qua tình hình cấp nước, thoát nước đô thị để thấy vai trò của nước với tư cách là tài nguyên không thể thiếu và không thể thay thế, cũng như với tư cách là môi trường tiếp nhận nước thải.
1. Tình hình cấp nước đô thị
1.1. Tỷ lệ bao phủ
Việt Nam hiện có khoảng 750 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 4 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, 107 thành phố, thị xã, tỉnh lỵ thuộc tỉnh, còn lại là thị trấn, thị trấn huyện lỵ và các thị tứ (đô thị loại 4 và 5).
Cho đến nay, toàn bộ các đô thị từ loại 1 đến loại 3 đều đã có các dự án cấp nước với nhiều nguồn vốn khác nhau. Đối với các đô thị loại 4 và loại 5: hiện có khoảng hơn 50% thị trấn có hệ thống cấp nước. Các hệ thống này phần lớn được xây dựng sau năm 1975.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ cao nhất, khoảng 75% số thị trấn đã có hệ thống cấp nước tập trung, trong đó có các tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An có 100% số thị trấn được cấp nước máy.
Các tỉnh Đông Nam Bộ, tỷ lệ được cấp nước máy khoảng 45%, riêng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỷ lệ này là 100%, nhưng tỉnh Bình Phước chỉ có 1 thị trấn có hệ thống cấp nước.
Các tỉnh miền Bắc tỷ lệ thị trấn được cấp nước máy khoảng 40%, không có tỉnh nào có 100% thị trấn được cấp nước máy; riêng Bắc Ninh, Hoà Bình tính đến năm 2000 chưa có thị trấn nào có hệ thống cấp nước tập trung.
Các tỉnh miền Trung: Tỷ lệ các thị trấn có hệ thống cấp nước tập trung là 35%, cao nhất là tỉnh Gia Lai có 63% số thị trấn có nhà máy nước. Các tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá là 12% và 7%, riêng tỉnh Bình Định chưa có thị trấn nào được cấp nước máy.
Nhìn chung, tỷ lệ các thị trấn có hệ thống cấp nước tập trung không đồng đều giữa các khu vực, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ cao nhất và có nhiều tỉnh có tỷ lệ thấp nhất.
Đối với các thị tứ:
Tỷ lệ thị tứ được cấp nước máy càng thấp hơn, ước tính chỉ khoảng 10%, chủ yếu là các thị tứ ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ; rất ít thị tứ ở các tỉnh miền bắc và miền Trung có hệ thống cấp nước tập trung.
Tiêu chuẩn cấp nước ở các thành phố, thị xã nằm trong khoảng dưới 150 l/ng/ngđ, ở các thị trấn giao động từ 80 – 120 l/ng/ngđ.
Theo Định hướng cấp nước đô thị quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18 tháng 3 năm 1998 (Quyết định số 63/1998/QĐ - TTg) thì đến năm 2020, 100% dân số đô thị được cấp nước sạch với tiêu chuẩn trung bình 120 – 150 l/ng/ngđ, các thành phố lớn là 150 – 180 l/ng/ngđ
1.2. Nguồn nước, quy mô công suất cấp nước đô thị
Hiện ở đô thị sử dụng 2 nguồn nước mặt và nước ngầm. Ngoài ra, một số hộ vùng ven đô có sử dụng cả nước mưa.
- Nguồn nước mặt chủ yếu là nước sông, một số nơi sử dụng nước hồ thuỷ điện (Yên Bái, Hoà Bình) hoặc hồ nhân tạo (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vũng Tàu…). Nguồn nước sông có xu hướng bị ô nhiễm: sông Cầu, sông Đáy, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Một số sông có độ nhiễm mặn và phạm vi ngày càng tăng do nạn phá rừng và biến đổi khí hậu: Sông Hương, sông Tiền, sông Hậu…
- Nguồn nước ngầm: phân bố không đều, trữ lượng rất khác nhau theo từng vùng, khả năng khai thác có giới hạn và có xu hướng bị ô nhiễm, đặc biệt ở Hà Nội không thể khai thác tiếp, phải chuyển sang sử dụng nguồn nước mặt.
Nhìn chung, trong toàn quốc tỷ lệ sử dụng nguồn nước mặt khoảng 60%, nước ngầm khoảng 40%
Các thành phố lớn, các nhà máy nước (NMN) có công suất từ vài chục ngàn m3/ngđ tới vài trăm ngàn m3/ngđ: NMN Thủ Đức (TPHCM) có tổng công suất 1.200.000 m3/ngđ, các NMN ngầm ở Hà Nội có công suất từ 30.000 – 60.000 m3/ngđ (thường chia thành đơn nguyên 30.000 m3/ngđ, xây dựng thành từng đợt, NMN Sông Đà 600.000 m3/ngđ, giai đoạn 1 đã xây dựng một đơn nguyên 300.000 m3/ngđ đã hoạt động. Tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, các nhà máy nước có công suất phổ biến từ 10.000 m3/ngđ tới 30.000 m3/ngđ. Các trạm cấp nước của các thị trấn thường có công suất từ 1000 m3/ngđ tới 5000 m3/ngđ, phổ biến nhất xung quanh 2000 m3/ngđ.
Nhìn toàn cảnh, Nhà nước đã đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước bao trùm toàn bộ các thành phố, thị xã đảm bảo cơ bản nhu cầu dùng nước của người dân đô thị với tỷ lệ được cấp nước khá cao. Còn các đô thị loại 4, loại 5 và các thị tứ, cụm dân cư, tỷ lệ được cấp nước còn thấp và không đồng đều giữa các vùng. Công việc cấp nước còn nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trong quá trình đô thị hoá và cho nhu cầu sản xuất của các khu công nghiệp đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Điều đó đòi hỏi phải có nguồn vốn để xây dựng, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để quản lý các hệ thống cấp nước ở các mức độ khác nhau.
2. Tình hình thoát nước đô thị
Hệ thống thoát nước ở tất cả các đô thị Việt Nam trước đây và cho đến nay đều là hệ thống thoát nước chung cho cả 3 loại nước thải là nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất và nước mưa. Những hệ thống này đã được xây dựng cách đây khoảng 100 năm, rất ít được sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng nên đã xuống cấp nhiều; việc xây dựng bổ sung được thực hiện một cách chắp vá, không theo quy hoạch dài hạn, không đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.
Trong số 63 thành phố, thị xã, tỉnh lỵ mới chỉ có khoảng hơn 10 thành phố, thị xã có hệ thống thoát nước với tổng chiều dài hơn 1000 km. Các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM đạt khoảng 0,2 m/người, các đô thị nhỏ hơn chỉ đạt 0,04 – 0,06 m/người, thấp hơn hàng chục lần so với các nước phát triển. Ở các thành phố lớn, hệ thống thoát nước mới chỉ phục vụ khoảng 50% dân số, các thành phố nhỏ hơn, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30%. Những thành phố này đang thực hiện các dự án thoát nước và vệ sinh môi trường (VSMT) nhưng trước mắt chỉ giới hạn ở việc chống úng ngập và thoát nước mưa. Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 đã kết thúc 2005 (200 triệu USD) và giai đoạn 2 đang thực hiện với kinh phí 350 triệu USD (Nguồn vốn JBIC – Nhật Bản). Trong giai đoạn 1, cũng chỉ thực hiện khơi thông dòng chảy, kè 4 sông thoát nước, xây dựng trạm bơm thoát nước mưa 45m3/s, xây dựng thí điểm 2 trạm xử lý cho khu vực Hồ Trúc Bạch và khu Kim Liên với tổng công suất khoảng 7000 m3/ngđ. Đã cống hoá một số kênh, mương thoát nước, nhưng chất lượng nước hầu như chưa được cải thiện. Tại khu đô thị Bắc Thăng Long nhà máy xử lý nước thải công suất 38.000 m3/ngđ, đã hoàn thành xây dựng vào cuối 2005, nhưng tới nay mới hoạt động với công suất khoảng dưới 5000 m3/ngđ là nguồn nước thải từ khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, chưa có đấu nối nước thải sinh hoạt của khu dân cư đô thị.
Đa số các hệ thống thoát nước chung của các đô thị Việt Nam không có trạm xử lý nước thải tập trung. Hầu như các đô thị cả nước hiện đang dùng công trình xử lý cục bộ nước thải là bể tự hoại. Các bể tự hoại xây dựng không theo quy định cụ thể nào, các bể cũ, hư hỏng không được sửa chữa, quá tải bùn không được hút theo định kỳ. Các bể tự hoại thường dùng là loại không có ngăn lọc, nước thải sinh hoạt sau bể đều xả ra hệ thống thoát nước đường phố hoặc kênh mương, ao hồ tự nhiên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ước tính chỉ có khoảng 50% số bể tự hoại được hút bùn, số còn lại ngấm trực tiếp vào đất. Ngoài ra nhiều bể tự hoại xây bằng gạch và vữa làm cho nước thải thấm ra khu vực xung quanh làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Việc quản lý bùn bể tự hoại ở nhiều đô thị chứa đựng những nguy hiểm đối với môi trường, sức khoẻ của người dân đô thị.
Hầu hết các đô thị vùng đồng bằng, hệ thống thoát nước làm việc rất kém: độ dốc nhỏ, vận tốc dòng chảy không đảm bảo tự rửa sạch lòng cống, cặn lắng đọng nhiều trong cống thoát nước.
Hiện tượng ngập úng thường xuyên xảy ra về mùa mưa, thời gian ngập úng thường kéo dài tới 2 – 3 giờ, cá biệt trận mưa 31/10/2008 TP Hà Nội có những nơi ngập úng tới 2 – 3 ngày với chiều sâu lớp nước tới 1 m (Ngã tư Láng Hạ và Huỳnh Thúc Kháng), có nơi ngập tới gần 1 tuần như trước siêu thị BIG C.
3. Tình hình ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước sông hồ đô thị
Đô thị thải ra một lượng nước thải sinh hoạt, sản xuất tương đối lớn, khoảng 80% lượng nước cấp. Lượng nước thải này xả trực tiếp ra nguồn tiếp nhận mà không có bất kỳ một biện pháp xử lý nào. Nước thải sinh hoạt chủ yếu chứa các chất hữu cơ.
- Trong khi đó nước thải sản xuất từ các cơ sở công nghiệp, các nhà máy chế biến… hầu hết đều chưa qua xử lý hoặc chỉ xử lý sơ bộ. Các chất ô nhiễm trong nước thải công nghiệp rất đa dạng, có cả chất hữu cơ, vô cơ, dầu mỡ, kim loại nặng… Nồng độ COD, BOD, DO, tổng coliform đều không đảm bảo tiêu chuẩn cho phép nước thải xả ra nguồn. Theo báo cáo dự án SIEM năm 2002, tới 90% cơ sở công nghiệp không đạt tiêu chuẩn dòng xả nước thải ra nguồn tiếp nhận.
Nước thải ở các thành phố, đô thị là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nước với xu hướng ngày càng xấu đi: Nước thải và nước mưa nhất là nước mưa đợt đầu đều không được xử lý. Trong các đô thị, do dân số tăng nhanh nhưng hệ thống thoát nước không được cải tạo xây dựng kịp thời, nên nước thải trực tiếp chảy vào các sông mà không được kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề càng xấu đi do sự quản lý chất thải rắn và xử lý các chất thải công nghiệp không đầy đủ ở các thành phố lớn, thị xã và khu công nghiệp. Do các ngành công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển ở hầu hết các lưu vực sông, nên tình trạng ô nhiễm vốn đã xấu, có chiều hướng sẽ nghiêm trọng hơn kéo theo là vấn đề sức khoẻ cộng đồng cũng như chất lượng đời sống sẽ xấu đi.
Tất cả các đô thị đều không có công trình xử lý nước thải tập trung, nước thải sau khi được thu gom thường chỉ xả thẳng vào các sông, hồ…
- Đặc biệt chú ý đối với các sông hồ kênh mương nội thành của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương,… hầu hết bị ô nhiễm ở mức độ báo động. Đó là các sông Tô Lịch, Sét, Lừ, Kim Ngưu ở Hà Nội, Kênh Đôi, Kênh Tàu Hủ, Kênh Nhiêu Lộc, Kênh Tân Hoá, Lò Gốm, Tham Luông ở thành phố Hồ Chí Minh, hồ An Biên, hồ Quần Ngựa, hồ Mắm Tôm,… ở Hải Phòng. Hầu hết các chỉ tiêu đều vượt so với các tiêu chuẩn cho phép từ 4 – 5 lần đến 70 lần.
Nước ở các sông thoát nước của Hà Nội: Tô Lịch và sông Kim Ngưu có COD đều cao hơn TCCP từ 2 đến 3 lần, tổng số Coliform cao hơn TCCP từ hàng chục đến hàng trăm lần. Nếu so sánh với các năm 1994, 1995 ta thấy các sông thoát nước của Hà Nội ngày càng bẩn hơn, các chỉ tiêu như NH4+, COD, BODS, Coliform đều tăng mạnh:
- Sông Nhuệ là nơi đón nhận toàn bộ nước thải, nước mưa của Hà Nội. Toàn bộ diện tích lưu vực sông Nhuệ là 107.000 ha, trong đó Hà Nội chiếm khoảng 5000 ha. Lưu lượng trung bình mùa khô của sông Nhuệ tại Hà Đông là 26 m3/s (vượt quá giá trị này phải đóng cống). Tác động của sông Nhuệ đối với vùng hạ lưu đang ở mức báo động.
- Tại Huế, nước hồ Tịnh Tâm đang bị ô nhiễm nặng do hồ đang cạn dần và biến thành ao chứa nước thải sinh hoạt.
- Các khu dân cư đô thị, các xí nghiệp công nghiệp, bệnh viện cũng xả trực tiếp nước thải ra kênh mương, không qua xử lý sơ bộ. Một vài xí nghiệp bệnh viện tuy có trạm xử lý nước thải, nhưng do nhận thức và kỹ thuật bảo dưỡng kém nên các trạm xử lý này cũng không hoạt động. Đó là bệnh viện Việt –Tiệp Hải Phòng…
Năm 2008 tại TP. HCM đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam với công suất 140.000 m3/ngđ. Tại TP. Hà Nội đang xúc tiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 195.000 m3/ngđ do Công ty Gamuda – Malaysia đầu tư và 2 nhà máy khác là Yên Xã và Phú Đô dự kiến là 270.000 và 84.000 m3/ngđ. TP. Đà Nẵng (4 trạm xử lý nước thải : Sơn Trà, Hoà Cường, Phú Lộc, Ngũ hành Sơn, tương ứng 29.000, 115.000, 115.000, 16.000 m3/ngđ). Tại TP. Buôn Mê Thuột và Đà Lạt cũng đã xây dựng các công trình xử lý nước thải. Đây là dấu hiệu đáng mừng.
4. Bảo vệ môi trường các nguồn nước mặt sông hồ đô thị
Trong các dự án thoát nước và vệ sinh một số thành phố như dự án thoát nước Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, dự án cải thiện môi trường TP Đà Nẵng… đã đề cập đến việc nạo vét, tách nước thải, bảo tồn các hồ đô thị. Tuy nhiên ở một số dự án, các giải pháp thực hiện không đồng bộ và chưa có nghiên cứu, đánh giá tổng hợp nên hiệu quả cải tạo các hồ đô thị còn hạn chế.
Bên cạnh việc nghiên cứu khoa học để tìm ra giải pháp tối ưu bền vững cho việc bảo vệ môi trường nước, xử lý nước thải… thì cần có những biện pháp sau đây:
4.1. Áp dụng các công cụ kinh tế
Công cụ kinh tế trong quản lý và bảo vệ môi trường đã và đang được áp dụng ở nhiều nước. Nó dựa trên các nguyên tắc cơ bản đã được quốc tế thừa nhận là “người gây ô nhiễm phải trả tiền” (PPP) và “người hưởng lợi phải trả tiền” (BPP).
Công cụ kinh tế là một trong những phương tiện chính sách được sử dụng để đạt tới mục tiêu môi trường thành công. Công cụ kinh tế không phải là phương tiện chính sách riêng biệt, mà chúng được sử dụng thường xuyên cùng với các phương tiện chính sách khác như những quy định pháp lý về mệnh lệnh và kiểm soát. Nói cách khác, các công cụ kinh tế không thể được thực hiện thành công nếu không có các tiêu chuẩn thích hợp và những năng lực hữu hiệu trong giám sát và thực thi. Nhìn chung công cụ kinh tế bổ sung cho công cụ pháp lý, chứ không phải thay thế cho các công cụ pháp lý.
Nguyên tắc PPP
Theo nguyên tắc PPP thì người gây ra ô nhiễm phải chịu mọi khoản chi phí để thực hiện các biện pháp làm giảm ô nhiễm do chính quyền tổ chức thực hiện, nhằm đảm bảo cho môi trường ở trong trạng thái có thể chấp nhận được.
Nguyên tắc PPP xuất phát từ những luận điểm của Pigou về nền kinh tế phúc lợi. Trong đó, nội dung quan trọng nhất đối với một nền kinh tế lý tưởng là giá cả các loại hàng hoá và dịch vụ có thể phản ánh đầy đủ các chi phí xã hội, kể cả các chi phí môi trường (bao gồm các chi phí chông ô nhiễm, khai thác tài nguyên cũng như những dạng ảnh hưởng khác tới môi trường). Giá cả phải “nói lên sự thật” về những chi phí sản xuất và tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ. Nếu không sẽ dẫn đến việc sử dụng bừa bãi các nguồn tài nguyên, làm cho ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn so với mức tối ưu đối với xã hội. Việc buộc người gây ô nhiễm phải trả tiền là một trong những cách tốt nhất để làm giảm bớt các tác động ngoại ứng gây ra đối với môi trường.
Nguyên tắc BPP
Nguyên tắc “người hưởng lợi phải trả tiền” ( tiếng Anh là benefit pays principle, viết tắt là BPP) chủ trương tạo lập một cơ chế nhằm đạt được các mục tiêu về môi trường. Đối nghịch với việc người trực tiếp gây ô nhiễm phải trả tiền, người được hưởng một môi trường trong lành không bị ô nhiễm cũng phải đều nộp phí. Nói cách khác, BPP kiến nghị rằng những người sống ở hạ lưu nguồn nước có thể cùng nhau tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường để bảo vệ nguồn nước khỏi bị ô nhiễm.
Nguyên tắc BPP đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường với một cách nhìn nhận riêng. Thay vì PPP, nguyên tắc BPP chủ trương rằng, việc phòng ngừa ô nhiễm và cải thiện môi trường cần được hỗ trợ từ phía những người muốn thay đổi hoặc những người không phải trả giá cho các chất thải gây ô nhiễm môi trường.
4.2. Các giải pháp cụ thể bảo vệ môi trường nước sông hồ đô thị
♠ Tổ chức bộ máy quản lý môi trường
Căn cứ trên cơ sở, nguyên tắc và tiêu chuẩn quy hoạch môi trường đô thị thì việc đề xuất kế hoạch quản lý môi trường sông hồ đô thị là hết sức cần thiết. Hiện tại, Sở Tài Nguyên –Môi trường và Nhà Đất quản lý chung tất cả các vấn đề liên quan tới môi trường của mọi lĩnh vực trong đô thị, trong đó môi trường nước sông hồ đô thị. Phòng quản lý Môi trường có chức năng quản lý, theo dõi về môi trường thành phố nói chung.
♠ Các giải pháp lâu dài:
1. Cần nghiêm chỉnh thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND Tỉnh Thành phố liên quan đến vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ cho các hoạt động vui chơi giải trí.
- Cần có các quy định chi tiết hơn về từng mặt, nhất là cần có tiêu chuẩn định lượng cho việc thực hiện mục tiêu trên.
- Trước hết cần quy định ngay phạm vi đất được xây dựng và đất dành cho cây xanh thảm cỏ, khu vui chơi, đất lưu vực hồ.
- Quy định cụ thể độ cao của xây dựng ở từng ô cụ thể quanh hồ, khoảng cách tới mép hồ.
2. Xây dựng hệ thống cây xanh quanh hồ.
- Nghiên cứu trồng bổ sung các loại cây thích hợp có hoa lá đẹp, thân cây đẹp xung quanh hồ.
- Có thể xây dựng vườn hoa đặc sản, cây cảnh.
- Có thể xây dựng các vườn tập trung các loại cây điển hình ở các vùng nước ta. Có thể xây dựng các vườn rừng nhỏ tạo nên sự đa dạng của cây xanh.
3. Định kỳ nạo vét đáy sông hồ nhằm tăng khối lượng chứa nước của sông hồ, làm vệ sinh hồ, làm thoáng mặt nước tạo sự lưu thông nước giữa các vùng, tránh được ô nhiễm cục bộ, tạo cho sông hồ có nguồn nước sạch và tươi mát.
4. Xây dựng trạm - điểm giám sát môi trường sinh thái riêng cho sông hồ.
- Định kỳ khảo sát các số liệu cơ bản về môi trường và kiểm kê đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên. Có thể liên kết với đơn vị nghiên cứu khoa học để thực hiện, phát hiện các biến động sinh thái và ngưỡng sinh thái của sông hồ.
5. Để công tác quản lý sông hồ đúng với tầm quan trọng của nó cần có quy chế quản lý đặc biệt đối với sông hồ đô thị.
♠ Các giải pháp về kinh tế – xã hội
* Tiến hành quy hoạch khai thác và phát triển kinh tế xã hội không gian mặt nước cũng như trên cạn khu vực sông hồ đô thị một cách chi tiết, khoa học trên cơ sở đảm bảo duy trì bảo tồn, các công trình văn hoá truyền thống với xây dựng mở rộng các công trình kinh tế, xã hội, hài hoà, kết hợp với các dải cây xanh và đường sá đi lại trong khu vực thuận tiện, hợp lý, đẹp mắt.
* Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải xây dựng và xử lý chất thải trong cơ sở sản xuất của mình. Điều này đòi hỏi một lượng vốn đầu tư tương đối lớn vào các thiết bị xử lý nước thải, áp dụng công nghệ sạch cũng như chương trình sản xuất sạch hơn.
* Thực hiện nguyên tắc “người gây nhiễm phải trả giá và trả tiền tiêu dùng”. Hiện nay rất nhiều nhà hàng, khách sạn được hưởng lợi do môi trường cảnh quan đem lại. Không khí thoáng mát, cảnh quan đẹp tạo điều kiện cho họ kinh doanh nhưng chưa ai trả tiền tiêu dùng cho “nguồn vốn thiên nhiên này”.
* Có biện pháp xử phạt hành chính nghiêm khắc đối với các cá nhân và tổ chức đã lấn chiếm sông hồ để xây dựng nhà, mở quán hàng. Đồng thời thu hồi lại diện tích đã lấn chiếm.
* Nâng cao dân trí đề cao vai trò của người dân trong việc bảo vệ môi trường sông hồ đô thị.
- Cần tuyên truyền sâu rộng về tiềm năng văn hoá, kinh tế, xã hội của sông hồ.
- Các công tác tuyên truyền này có thể được xây dựng thành chương trình trên đài PTTH, báo chí hoặc soạn thảo thành những tờ bướm, tờ rơi phát cho những người dân sống và làm việc quanh khu vực sông hồ cũng như các du khách đến với hồ.
- Bên cạnh đó việc tuyên truyền và giáo dục còn thông qua các lễ hội truyền thống, sinh hoạt câu lạc bộ để khi mọi người trực tiếp tiếp xúc và được hưởng giá trị của môi trường sẽ nâng cao dần ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời tạo cho người dân càng thêm tự hào về vùng đất mình đang sống, từ đó thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và gìn giữ cảnh quan môi trường sông hồ đô thị.
- Phải tổ chức cộng đồng xã hội tham gia vào bảo vệ môi trường sông hồ và nâng cao hiệu quả của chính quyền cơ sở trong công tác này. Ở đây dân biết, dân bàn, dân kiểm tra đang là yêu cầu thực tế cần thiết.
Nguồn: TC Xây dựng, số 10/2009.