Mô hình tổ chức kế toán quản trị trong DN xây lắp

Thứ năm, 24/12/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để có thể tiến hành được các phương pháp, kỹ thuật của kế toán quản trị KTQT nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nhà quản trị DN về tình hình chi phí, doanh thu, hiệu quả từng bộ phận; cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin thực hiện, chênh lệch giữa dự toán và kết quả thực hiện; phục vụ cho việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, điều hành và ra quyết định giúp nhà  quản trị thực hiện tốt chức năng của mình. Mô hình tổ chức kế toán trong các DN xây lắp (XL) nói chung và mô hình tổ chức KTQT nói riêng cần phải được tổ chức hợp lý.
Về tổ chức bộ máy KTQT:

Việc tổ chức bộ máy KTQT của DNXL phải phù hợp với đặc điểm hoạt động, quy mô đầu tư và địa bàn tổ chức sản xuất, kinh doanh của DNXL, phù hợp với mức độ phân cấp quản trị kinh tế - tài chính của DNXL. Bộ máy kế toán phải gọn nhẹ, khoa học, hợp lý và hiệu quả cao trong việc cung cấp thông tin cho bộ máy lãnh đạo của DNXL.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, các DNXL có thể tổ chức kế toán theo một trong các mô hình sau:

Mô hình kết hợp: Là mô hình gắn kết hệ thống KTQT với hệ thống kế toán theo từng phần hành  kế toán: Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành, kế toán bán hàng… Kế toán viên theo phần hành kế toán nào sẽ thực hiện cả KTTC và KTQT. Ngoài ra, DNXL cần bố trí người thực hiện các nội dung KTQT chung khác. Mô  hình này sẽ tiết kiệm chi phí tổ chức vận hành bộ máy kế toán nhưng hiệu quả không cao vì KTQT và KTTC tuân thủ những nguyên tắc khác nhau.

Mô hình tách biệt: Là mô hình tổ chức hệ thống KTQT riêng biệt với hệ thống KTTC trong phòng KTTC của DNXL. Mô hình này áp dụng phù hợp với các DNXL có quy mô lớn. Với mô hình này KTQT sẽ phát huy được tối đa vai trò chức năng của mình, tuy nhiên DNXL sẽ phải trả rất nhiều chi phí để vận hành mô hình này.

Mô hình hỗn hợp: Là mô hình kết hợp giữa hai mô hình nêu trên, trong đó tổ chức bộ phận KTQT chi phí giá thành riêng, còn các nội dung khác thì theo mô hình kết hợp. Theo tác giả, mô hình hỗn hợp có tính linh hoạt và khả năng cung cấp thông tin cao, nhưng DNXL cũng phải đầu tư tương đối lớn để tổ chức vận hành bộ máy và tổ chức thực hiện công tác kế toán.

Về bố trí nhân sự KTQT:

Dù lựa chọn mô hình nào, để bộ máy KTQT vận hành hiệu quả, công tác lựa chọn, sắp xếp nhân sự thực hiện các phần việc của mình có vai trò quan trọng. Một trong những cách thức phổ biến để tổ chức bộ máy KTQT là tổ chức theo chức năng của hệ thống KTQT. Bộ máy KTQT được tổ chức gồm 3 bộ phận theo sơ đồ  trên.

Các bộ phận này có thể bố trí những nhân viên KTQT riêng hoặc kiêm nhiệm những phần công việc của kế toán chung tùy theo mô hình tổ chức KTQT của DN. Trong đó bộ phận Dự toán sẽ tiến hành thu thập thông tin, phối hợp với các bộ phận khác trong DN xây dựng các dự toán kinh doanh cho các kế hoạch hoạt động của DN. Bộ phận phân tích sẽ đánh giá các kết quả hoạt động thực tế so với dự toán, phân tích tìm ra nguyên nhân chênh lệch nếu có, đồng thời đánh giá trách nhiệm của các bộ phận liên quan trong việc sử dụng chi phí. Bộ phận tư vấn dự án sẽ thu thập những thông tin phù hợp để hỗ trợ, tư vấn các nhà quản trị quyết định lựa chọn và thực hiện dự án của DN.

Về tổ chức hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ và báo cáo KTQT

Việc tổ chức chứng từ, tài khoản và báo cáo KTQT cũng được thực hiện một cách linh hoạt theo đặc thù và quy mô hoạt động của các DNXL. Nguyên tắc chung về tổ chức chứng từ, tài khoản và báo cáo là dựa trên cơ sở hệ thống chứng từ, tài khoản và báo cáo do Bộ Tài chính thống nhất ban hành cho hệ thống KTTC, các DNXL tùy theo đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý có thể thiết kế thêm các biểu mẫu, bổ sung các chi tiết phù hợp với nội dung và chức năng của KTQT, đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp đề ra.

Về hệ thống chứng từ: Nguyên tắc chung vẫn duy trì hệ thống chứng từ được ban hành theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/2/2006 của Bộ Tài chính nhưng cần bổ sung thông tin tùy theo loại chứng từ cụ thể: đối với các chứng từ về chi phí cần thiết kế bổ sung để phản ánh thông tin về chi phí theo các cách phân loại chi phí đã đề cập đáp ứng yêu cầu quản trị chi phí tại DN và đảm bảo tính quy chuẩn, nhất quán trong quy trình phản ánh và cung cấp thông tin về chi phí; đối với chứng từ phản ánh thu nhập cần bổ sung thêm thông tin để phản ánh được thu nhập thực tế và thu nhập tiềm ẩn do sự biến động của môi trường kinh doanh, thu nhập của từng hoạt động, thu nhập của từng công đoạn, thu nhập của từng trung tâm trách nhiệm… Đối với chứng từ phản ánh lợi nhuận được lập dựa trên cơ sở chứng từ chi phí và chứng từ thu nhập.

Về hệ thống tài khoản kế toán: Tài khoản là một phương pháp kế toán dùng để phân loại, phản ánh chi tiết, thường xuyên, liên tục từng đối tượng kế toán. Do vậy tài khoản cũng là phương pháp, kỹ thuật  để phản ánh cung cấp thông tin về hoạt động SXKD của DNXL theo yêu cầu quản trị. Hệ thống tài khoản ban hành theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/2/2006 của Bộ Tài chính đã thể hiện được các thông tin chi phí, thu nhập, lợi nhuận thực tế đáp ứng yêu cầu của kế toán tài chính; vì vậy vấn đề cần quan tâm là bổ sung, điều chỉnh tài khoản thích hợp với phản ánh, cung cấp thông tin cơ bản về chi phí, thu nhập và lợi nhuận cho mục đích quản trị nội bộ DN. Trên cơ sở hệ thống tài khoản do Bộ Tài chính ban hành, DN có thể điều chỉnh bổ sung những chi tiết theo các tiêu thức đáp ứng yêu cầu quản trị.

Về hệ thống báo cáo KTQT: Báo cáo KTQT chính là sản phẩm cuối cùng của các chuyên gia kế toán trong quá trình thu thập và xử lý thông tin cung cấp cho nhà quản trị. Báo cáo KTQT cũng đa dạng và phong phú, xuất phát từ nhu cầu, sự am hiểu thông tin của các nhà quản trị để từ đó xây dựng các chỉ tiêu, thiết kế các mẫu biểu cho phù hợp với từng cấp quản trị nhằm đảm bảo phân tích, đánh giá đưa ra quyết định hiệu quả cao trong các tình huống hoạt động kinh doanh hàng ngày.v

Ths Hoàng Văn Tưởng
Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội

Theo : Báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)